24/11/2018 - 09:39

Đẩy mạnh kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các địa phương 

TP Hồ Chí Minh là đầu mối giao thương, có sức hút, lan tỏa cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, phát huy thế mạnh của từng địa phương, TP Hồ Chí Minh đã chủ trì tổ chức kết nối cung cầu nhằm đẩy mạnh kết nối 2 chiều, nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa, hỗ trợ đưa hàng hóa các tỉnh, thành vào hệ thống phân phối TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Sau 7 năm thực hiện, hoạt động kết nối đã đạt được những hiệu quả tích cực...

Kết nối thành công 

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác thương mại, năm 2012 Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã triển khai tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa. Chương trình hợp tác thương mại đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng mạng lưới phân phối gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động, thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường ngay tại các địa phương thông qua kết nối, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh vốn có  thế mạnh trong sản xuất, chế biến và phân phối hàng hóa; nguồn lực, vốn và công nghệ...

Hàng hóa của các doanh nghiệp TP Cần Thơ tham gia quảng bá tại Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2018.   

Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết,  Bến Tre đang xây dựng 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực: bưởi da xanh, dừa, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò và tôm biển. Đặc biệt, sản phẩm dừa xiêm xanh và bưởi da xanh của tỉnh đã có chỉ dẫn địa lý. Thông qua các hoạt động kết nối cung – cầu, những sản phẩm thế mạnh và đặc sản của tỉnh có mặt tại siêu thị, kênh phân phối lớn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Từ năm 2017, Hội nghị kết nối cung - cầu trở thành một trong những sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương. Qua 7 năm triển khai thực hiện, hội nghị ngày càng được mở rộng, hàng hóa dồi dào, phong phú, số lượng địa phương, doanh nghiệp tham gia, hợp đồng, mặt hàng cung ứng được các bên ký kết ngày càng nhiều. Nếu như năm đầu tổ chức, năm 2012, có 43 hợp đồng nguyên tắc được ký kết; thì năm 2017, có 522 hợp đồng và năm 2018 con số này là 2.283. Hội nghị năm nay thu hút 674 nhà cung ứng đến từ 40 địa phương trên cả nước, gồm 6 tỉnh, thành, khu vực phía Bắc; 13 tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây nguyên; 7 tỉnh, thành Đông Nam bộ; 13 tỉnh, thành Tây Nam bộ. Ngoài ra, còn có sự tham gia của 42 nhà phân phối lớn, như: Saigon Co.op, Satra, Big C, LOTTE, Vinmart, Mega market...; 700 doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu; hơn 150 doanh nghiệp sản xuất suất ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể, nhà hàng khách sạn; 725 thương nhân lớn kinh doanh trong chợ đầu mối, chợ loại 1- 2. Thông qua các kỳ hội nghị, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh, thành, vùng miền đã được đưa vào hệ thống phân phối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành, như: bánh pía Tân Huê Viên, kẹo dừa Bến Tre, các sản phẩm của Công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang... 

Giải quyết khó khăn 

Bên cạnh hiệu quả tích cực, chương trình vẫn còn gặp một số khó khăn, chưa đạt hiệu quả cao. Cụ thể, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương chưa được khai thác triệt để, do thiếu gắn kết đồng bộ trong công tác quy hoạch vùng, phân vùng. Các tỉnh, thành chưa tìm được cơ chế cụ thể và giải pháp phù hợp chung với sự ràng buộc trách nhiệm rõ ràng trong phân công nhiệm vụ giữa các địa phương để phối hợp giải quyết những lĩnh vực cơ bản trong liên kết vùng như: quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu,... nên liên kết còn dàn trải, thiếu định hướng, chưa đạt hiệu quả cao. Nhiều sản phẩm chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm... để đáp ứng đủ yêu cầu, điều kiện tham gia cung ứng vào các hệ thống phân phối hiện đại...

Hoạt động kết nối giữa hệ thống phân phối và doanh nghiệp tại Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2018  

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, với kết quả đạt được trong 7 năm qua, chương trình đã khẳng định thương hiệu, được quan tâm và nhân rộng, trở thành xu thế chung của các địa phương trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Hội nghị năm nay, bên cạnh việc tìm đầu ra cho sản phẩm mới, sản phẩm chưa có thị trường tại TP Hồ Chí Minh, sẽ tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giao dịch. Qua đó, tăng cường các mối liên kết, quan hệ hợp tác đã thiết lập giữa các bên, hướng đến mục tiêu hình thành các chuỗi cung ứng tối ưu. Đồng thời, sẽ tiếp tục mở rộng, kết nối các sản phẩm công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các tỉnh/thành và các sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Hội nghị sẽ tiếp tục là kênh kết nối hữu hiệu để đưa sản phẩm đặc sắc của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Định hướng đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh phối hợp Sở, ngành tổ chức các chương trình đào tạo, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân về quy trình, kỹ thuật nuôi, trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap... Xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản ở từng địa phương, vùng, miền. Khuyến khích các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh thực hiện ứng vốn, cung cấp giống cây, giống con, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ về nhân lực, kỹ thuật… và bao tiêu sản phẩm của các tỉnh, thành. Đồng thời, thiết lập các chuỗi thực phẩm an toàn, kiểm soát chặt chẽ quá trình lưu thông hàng hóa xuyên suốt từ khâu sản xuất, nuôi trồng đến phân phối...

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
TP Hồ Chí Minh