20/12/2018 - 20:41

Đẩy mạnh cơ giới hóa, điện khí hóa trong sản xuất 

Những năm qua huyện Vĩnh Thạnh có nhiều đột phá trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là khâu tổ chức sản xuất, trong đó nổi bật nhất là đẩy mạnh tốc độ cơ giới hóa từ khâu làm đất cho đến khâu thu hoạch, sau thu hoạch  để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa, điện khí hóa nền nông nghiệp...

Cơ giới hóa các khâu sản xuất

Vĩnh Thạnh là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của TP Cần Thơ. Những năm qua, thông qua các chính sách khuyến khích nông dân đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, đến nay các khâu chủ yếu trong sản xuất như: làm đất, trang ủi mặt ruộng bằng tia lazer, bơm tưới, thu hoạch đã được cơ giới hóa hoàn toàn. Trong đó, nổi bật là khâu thu hoạch, thông qua chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, nông dân trong huyện đã đầu tư 247 máy gặt đập liên hợp, đáp ứng cơ bản thu hoạch toàn bộ diện tích lúa của huyện. Ông Nguyễn Văn Đặng ở ấp Đất Mới, xã Thạnh Mỹ, cho biết: "Trước đây tôi mua một máy và nhờ vay vốn không lãi suất nên tôi hoàn trả vốn đúng hẹn, nhờ chính sách ưu đãi này, đến nay gia đình tôi mua được 3 máy phục vụ cho bà con ở địa phương và các vùng lân cận". Nông dân Dương Văn Toa, ấp C1, xã Thạnh Thắng, chia sẻ: "Thu hoạch bằng máy nhanh hơn nhiều so với thu hoạch bằng thủ công, giá cả cũng rẻ hơn mà còn giảm được lượng lúa hao hụt, tiết giảm được chi phí trong sản xuất. Ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh còn phối hợp thử nghiệm đưa máy cấy lúa lên đồng ruộng, đây được xem là tín hiệu vui, một giải pháp mới tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất. Thực tế cho thấy, nếu áp dụng cấy máy trên đồng ruộng sẽ giảm lượng giống đáng kể, nếu cấy bằng máy chỉ cần từ 65 - 80kg giống/ha, còn theo tập quán của nông dân để xuống giống một héc-ta bà con phải chuẩn bị từ 150-200kg lúa giống. Như vậy áp dụng phương pháp cấy máy sẽ giảm được phân nửa lượng lúa giống, tiết giảm được một khoản chi phí ngay từ đầu vụ. Mặt khác, phương pháp này còn đảm bảo cho việc xuống giống nhanh hơn, vì mỗi máy có thể cấy từ 1,5 - 2 ha/ngày. Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hiếu Bình, xã Thạnh An, nói: "Việc ứng dụng máy cấy trong khâu gieo sạ không chỉ tiết kiệm lượng lúa giống, giải phóng sức lao động trong điều kiện lao động nông nghiệp ngày càng khan hiếm, mà còn đảm bảo cho việc xuống giống trong thời gian ngắn, phù hợp áp dụng cho các Cánh đồng lớn, Tổ hợp tác…".

Sử dụng máy cấy lúa ở HTX Hiếu Bình, xã Thạnh An.

Không chỉ ở các khâu chính mà các khâu thông thường trong canh tác cũng được bà con ứng dụng triệt để. Điển hình như chiếc bình xịt máy đa năng vừa gieo sạ lúa vừa sử dụng để phun phân, xịt thuốc... Thiết bị này nhìn giống như máy phun thuốc bảo vệ thực vật mà nông dân đang sử dụng, nhưng nó lại là chiếc máy đa năng, nhiều nông dân còn gọi là "máy 3 trong 1". Theo thiết kế kỹ thuật chiếc máy này rất đơn giản, bao gồm: động cơ, bình chứa được thiết kế hệ thống van và ron có thể điều chỉnh để gieo sạ lúa, phun phân dạng hạt hoặc dạng nước tuỳ theo nhu cầu. Ngoài ra, máy còn có bộ phận điều chỉnh tốc độ gió để tăng giảm số lượng phân hoặc giống theo mong muốn của người sử dụng…

Hướng đến mục tiêu điện khí hóa

Trong quá trình phát triển nền nông nghiệp, cùng với đẩy mạnh cơ giới hóa, huyện Vĩnh Thạnh rất quan tâm đầu tư điện khí hóa phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tranh thủ sự đầu tư của thành phố cải tạo mạng lưới điện và xây dựng các trạm bơm điện tập trung phục vụ bơm tưới thay cho các máy bơm sử dụng dầu diesel hoặc mô-tơ công suất nhỏ. Tính đến nay, huyện được đầu tư xây dựng 7 trạm bơm điện, trong đó, đã vận hành, đưa vào sử dụng 4 trạm bơm điện phục vụ diện tích hơn 2.800ha. Gồm: trạm bơm E2-D2 ở xã Thạnh Lợi phục vụ 1.200ha, 2 trạm bơm H2-G2, G2-F2 ở xã Thạnh An phục vụ 1.240ha, trạm bơm Lân Quới 2, xã Thạnh Quới phục vụ 380ha. Ông Nguyễn Văn Hoàng, ấp D2, xã Thạnh Lợi, bộc bạch: "Từ ngày Nhà nước đầu tư trạm bơm điện thuận lợi trong khâu bơm tưới và tiêu thoát nước lũ, giúp sản xuất đồng loạt, giảm chi phí trong sản xuất nên nông dân chúng tôi rất phấn khởi". Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm, xã Thạnh Lợi cũng cho biết: "Nếu so sánh việc sử dụng máy bơm bằng dầu diesel với trạm bơm điện tập trung thì chi phí bơm tưới giảm khoảng 50%. Mặt khác, trong sản xuất "cánh đồng lớn" chúng tôi chủ động được lịch thời vụ, bơm nước đồng loạt, gieo sạ tập trung hơn, đồng thời đây cũng là điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô cánh đồng lớn".

Một vấn đề thuận lợi trong tiến trình điện khí hóa ở Vĩnh Thạnh đó là trong dự án phát triển lưới điện nông thôn trên địa bàn TP Cần Thơ năm 2018, huyện Vĩnh Thạnh được phân bổ gần 16 tỉ đồng để đầu tư cải tạo lưới điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân, bao gồm xây dựng các đường điện phục vụ các trạm bơm tập trung. Ông Đỗ Sĩ Nhường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Hệ thống lưới điện của  huyện Vĩnh Thạnh được đầu tư trước đây chủ yếu phục vụ thắp sáng cho bà con nên không đủ tải phục vụ sản xuất. Vì thế, dự án cải tạo lưới điện triển khai sẽ là "cú hích" để huyện đẩy nhanh tiến trình điện khí hóa nông nghiệp, nông thôn. Cùng với tranh thủ sự đầu tư của thành phố và sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án xây dựng các trạm bơm điện có công suất lớn ở phía Bắc Cái Sắn, huyện cũng chủ động quy hoạch xây dựng các trạm bơm điện quy mô nhỏ ở các xã phía Nam Cái Sắn giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu hiện đại hóa nền nông nghiệp".

Bài, ảnh: Minh Hải

Chia sẻ bài viết