19/02/2014 - 22:13

Phong Điền

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp

Phong Điền có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 10.500ha, trong đó, có khoảng 3.800ha đất ruộng và khoảng 6.700ha đất vườn. Kinh tế nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của huyện. Xác định thế mạnh này, thời gian qua, huyện Phong Điền đã xây dựng kế hoạch và đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị ngành…

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phong Điền, sản xuất nông nghiệp của huyện tập trung 3 lĩnh vực trọng tâm, gồm: trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Thời gian qua, để phục vụ mục tiêu phát triển, huyện Phong Điền đã tiến hành xây dựng mô hình vườn kiểu mẫu, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống đê bao. Đồng thời, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, mở các lớp dạy nghề cho các nông hộ; phát triển nhiều mô hình điểm sản xuất nông nghiệp. Trong đó, một số mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng như: mô hình trồng dưa hấu không hạt, mô hình trồng rau an toàn… Năm 2014, huyện tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với định hướng phát triển của huyện. Trong đó, huyện chú trọng phát triển vườn cây trái gắn với phát triển du lịch sinh thái. Kế hoạch năm 2014, diện tích cây ăn trái giữ ở mức 5.930ha, cải tạo và trồng mới 170ha; sản lượng cây ăn trái thu hoạch dự kiến đạt 63.495 tấn; diện tích gieo trồng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày cả năm là 3.100ha, tổng sản lượng thu hoạch khoảng 34.534 tấn… Ngay tháng đầu năm 2014, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục vận động nhà vườn cải tạo vườn cây ăn trái, phát triển đa dạng các loại cây ăn trái, hình thành vùng chuyên canh gắn với du lịch sinh thái, với những giống cây chất lượng, như: dâu Hạ Châu, vú sữa, cam mật, nhãn, sầu riêng…

Phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái là công tác trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp của huyện Phong Điền.

Tháng 2-2014, theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện, nông dân huyện đã thu hoạch một số loại cây ăn trái như: xoài, vú sữa, ổi và một số loại cây trồng khác, sản lượng đạt khoảng 5.530 tấn. Tính đến nay, diện tích xuống giống rau màu trên toàn huyện khoảng 323,5ha, diện tích đã thu hoạch trên 300ha, sản lượng thu hoạch đạt 5.310 tấn. Huyện đã triển khai mô hình sản xuất lúa liên kết hơn 350ha ở các xã Trường Long, Giai Xuân, Tân Thới, hiện trà lúa đông xuân 2013 - 2014 đang trong giai đoạn làm đòng đến trổ và phát triển tốt. Theo Phòng NN&PTNT huyện, để chuẩn bị tốt cho thu hoạch lúa đông xuân 2013-2014, phòng đã tiến hành chốt giá thu mua lúa với doanh nghiệp đã ký kết bao tiêu lúa cho nông dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương huy động máy gặt đập liên hợp đảm bảo thu hoạch lúa kịp thời, giảm thất thoát cho bà con nông dân. Kế hoạch năm 2014, diện tích gieo sạ 3 vụ lúa toàn huyện khoảng 10.000ha, sản lượng ước đạt 54.091 tấn.

Trên lĩnh vực thủy sản, Phong Điền đề ra mục tiêu năm 2014, diện tích nuôi thủy sản cả năm đạt 700ha, sản lượng khoảng 7.602 tấn. Trong đó, chú trọng phát triển vùng nuôi thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, thực hiện nuôi quảng canh, xen canh, lồng ghép ao, mương, vườn du lịch sinh thái. Ngoài ra, huyện chủ động phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, đồng thời tổ chức quản lý tốt vùng nuôi để hạn chế dịch bệnh phát sinh…

Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, cho biết: "Trong sản xuất nông nghiệp, huyện chú trọng sản xuất theo quy hoạch, tạo vùng nguyên liệu tập trung trên cơ sở gắn với việc tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, cơ cấu lại sản xuất, khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Phòng đóng vai trò cầu nối thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong khâu bao tiêu hàng hóa. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp bền vững cần đầu tư cơ sở hạ tầng thỏa đáng cho vùng sản xuất". Theo ông Nghiêm, trước mắt, phòng tập trung chỉ đạo chăm sóc và thu hoạch lúa đông xuân 2013-2014. Triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong vụ hè thu năm 2014, chủ động giảm diện tích lúa, phát triển một số loại hoa màu, như: mè, đậu nành, bắp lai và một số loại rau có thế mạnh đặc thù ở địa phương. Song song đó, huyện tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch động vật và thực hiện tập trung các giải pháp nhằm chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất; nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả. Đồng thời, thực hiện tốt công tác dự đoán, dự báo tình hình sâu bệnh trên lúa, rau màu, cây ăn trái. Ra quân thực hiện chiến dịch giao thông thủy lợi mùa khô năm 2014 nhằm đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: T.Trinh

Chia sẻ bài viết