04/08/2020 - 08:56

Dạy học “Lấy trẻ làm trung tâm” 

Sau 5 năm triển khai phương pháp dạy và học “Lấy trẻ làm trung tâm” ở tất cả 176 trường mầm non (MN), mẫu giáo (MG) trên địa bàn TP Cần Thơ, ngành Giáo dục đã có những đánh giá tích cực khi cho biết phương pháp này kích thích sự sáng tạo và giúp trẻ tự tin khi đến lớp.

Các bé Trường MN Tuổi Ngọc trong hoạt động ngoại khóa.

Cho con tham gia các hoạt động chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” tại Trường MN Tuổi Ngọc (quận Ninh Kiều) trong năm học vừa qua, anh Nguyễn Văn Phúc (quận Ninh Kiều) nhận xét: “Sau khi tham gia các trò chơi dân gian, bán hàng ở trường, về nhà cháu rất vui và thường hay kể lại cho ba mẹ. Cháu cũng tự giác vệ sinh cá nhân, chuẩn bị đồ dùng đi học”. Theo anh Nguyễn Văn Phúc, các hoạt động ở trường rất hữu ích, giúp bé có thể vừa chơi vừa học, trải nghiệm những hoạt động rèn tính tự lập, phát triển năng khiếu…

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) TP Cần Thơ, trong năm học đầu tiên thực hiện phương pháp dạy và học “Lấy trẻ làm trung tâm” (2016-2017), thành phố chỉ có 23 trong số 175 trường MN thời điểm đó tham gia, trong đó có 5 trường là mô hình điểm. Ðến nay, tất cả 176 trường MN, MG của thành phố đã tham gia và 100% đều thực hiện nghiêm túc, có nhiều sáng tạo trong việc triển khai phương pháp này.

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020 do Sở GD&ÐT thành phố tổ chức mới đây, lãnh đạo các trường MN ở Cần Thơ cho rằng, sau khi thực hiện chuyên đề này, tư duy của giáo viên thay đổi, môi trường trong và ngoài lớp học ở các trường đổi mới, đa dạng, phong phú, phù hợp với tình hình thực tế; tạo cơ hội cho trẻ khám phá, thực hành trải nghiệm, kích thích sự sáng tạo. Một số trường đã đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ như: vận dụng STEAM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật, Toán học), phương pháp Montessori...

Cô Kiều Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường MN Sơn Ca, quận Bình Thủy, cho biết: “Ðể thực hiện hiệu quả dạy và học “Lấy trẻ làm trung tâm”, người quản lý phải xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, bổ sung và xây dựng cơ sở vật chất trong và ngoài trường học nhằm đáp ứng yêu cầu của chuyên đề. Hiện nay, 100% giáo viên của trường có sự đổi mới trong phương pháp dạy học. Trẻ ngày càng tự tin, mạnh dạn và tích cực, sáng tạo trong các hoạt động”. Tương tự, cô Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường MN Tuổi Ngọc (quận Ninh Kiều) - đơn vị được Sở GD&ÐT chọn làm mô hình điểm, cho rằng: Khi triển khai chuyên đề đã phát huy được tính tích cực sáng tạo của trẻ, từ hoạt động trong giờ học, hoạt động nhóm lớp và bên ngoài nhóm lớp.

Cách xa trung tâm thành phố, còn khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng huyện Vĩnh Thạnh đã triển khai dạy và học “Lấy trẻ làm trung tâm” đạt hiệu quả và nhận được đánh giá chuyên môn tốt. Thầy Nguyễn Văn Liếng, Phó Trưởng Phòng GD&ÐT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Sau khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, dự các hoạt động thực hành của các đơn vị bạn, tất cả 21 trường MN, MG ở huyện thực hiện chuyên đề một cách linh hoạt, đúng trọng tâm. Việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ bằng cách thực hiện trải nghiệm, khám phá thực tế như: tham gia giao thông, tự đổ xăng hay rút tiền từ cây ATM để mua bán, trao đổi hàng hóa... được quan tâm. Ðội ngũ giáo viên MN ở huyện cũng thay đổi phương pháp giảng dạy và đạt hiệu quả cao hơn. “Ðáng mừng nhất là sự thay đổi rõ nét ở trẻ. Trẻ ở vùng ngoại thành trước đây rất nhút nhát, nhưng nay các cháu rất tự tin. Nhiều cháu biết và hiểu các sản phẩm vùng miền của mình để giới thiệu cho phụ huynh. Bé tự tin trong giao tiếp, rất năng động”, thầy Nguyễn Văn Liếng nói.

*
*       *

Trong một thời gian khá dài trước đây, giáo dục MN là bậc học ít được quan tâm đầu tư thỏa đáng, bởi quan điểm của xã hội rằng trẻ bậc học này chủ yếu cần được chăm sóc về ăn uống, ngủ nghỉ và được chơi đùa. Tuy nhiên thời gian qua, với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ GD&ÐT, các địa phương chăm lo đầu tư cho giáo dục MN nhiều hơn, đã góp phần thay đổi diện mạo của bậc học này. Chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020 của Bộ GD&ÐT triển khai tại các địa phương, trong đó có TP Cần Thơ là một điển hình cho sự đổi mới đó. Theo cô Thiệu Thị Kim Chi, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, từ khó khăn ban đầu là chuyên đề chưa được sự tín nhiệm và lòng tin từ cha mẹ học sinh, đến nay công tác phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh, cộng đồng trong việc xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm đã tốt hơn rất nhiều. Cô Triệu Thị Kim Chi chia sẻ: “Sự quan tâm của lãnh đạo ngành giáo dục và các quận, huyện trong thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc đầu tư kinh phí ở các trường. Công tác phối hợp với phụ huynh cũng dễ dàng hơn để tạo những điều kiện giáo dục tốt nhất cho trẻ”.

Bài, ảnh: Ng.Ngân

Chia sẻ bài viết