03/11/2012 - 17:07

Đầu tư tương xứng cho nông nghiệp

Đầu tư tương xứng cho khoa học công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL. Trong ảnh: Trình diễn các giống lúa mới do Viện Lúa ĐBSCL lai tạo.

ĐBSCL có lợi thế để phát triển nông nghiệp toàn diện, chiếm trên 50% sản lượng lúa gạo, 70% sản lượng trái cây, 50% sản lượng thủy, hải sản của cả nước. Theo nhận định của các nhà chuyên môn, để xây dựng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, việc triển khai nghiên cứu, đầu tư và ứng dụng khoa học-công nghệ (KH-CN) tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp cần được tính đúng, tính đủ.

* Giá trị gia tăng chưa cao

Trong 16 năm (1996 – 2012), KH-CN đóng góp 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp, giúp Việt Nam gia tăng giá trị sản lượng nông - lâm - thủy sản xuất khẩu lên mức gần 20 tỉ USD. Đối với ĐBSCL, hoạt động KH-CN đã có nhiều tiến bộ, góp phần giúp ĐBSCL giữ vững vai trò là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, bảo đảm an ninh lương thực cả nước, gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản. Song theo nhận định của các nhà quản lý, nhà khoa học, nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển chưa bền vững. Năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng nông sản ở ĐBSCL trên thị trường còn thấp, mức độ cơ giới hóa nông nghiệp manh mún, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật hạn chế nên năng suất và chất lượng chưa cao...

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2011 tổng kinh phí đầu tư phát triển KH-CN trong cả nước là 2.715 tỉ đồng, trong đó ĐBSCL chỉ được cấp 234 tỉ đồng (chiếm chưa tới 9%); vốn sự nghiệp KH-CN cả nước năm 2011 là 1.560 tỉ đồng, trong đó ĐBSCL được cấp trên 232 tỉ đồng (chiếm 15%). Nguồn kinh phí hạn hẹp khiến cho nhiều địa phương khó phát triển sự nghiệp KH-CN để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), sự phát triển của ĐBSCL trong nhiều năm qua theo chiều rộng, khai thác lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, chưa có sự đầu tư chiều sâu. Danh mục sản phẩm ít, không đa dạng, ngay với số sản phẩm đang có thì giá trị gia tăng thấp, hàm lượng công nghệ cũng thấp. Trong khi mô hình tăng trưởng của quốc gia là dựa quá nhiều vào đầu tư để tăng trưởng thì với ĐBSCL do thiếu quá nhiều đầu tư nên tăng trưởng yếu kém.

ĐBSCL với thế mạnh về lúa gạo, thủy sản, trái cây... song mức đầu tư của các địa phương vẫn còn thấp so với giá trị tạo ra. Đơn cử như ở vùng bán đảo Cà Mau với bốn tỉnh cực nam ĐBSCL là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, tất cả đều tiếp giáp với biển. Tổng diện tích nuôi tôm vùng ĐBSCL là 480.000ha thì 90% là nằm ở vùng này, sản lượng tôm của vùng có tính quyết định sản lượng tôm nuôi của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Hồ Quang Cua, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ,... cho vùng lúa - tôm thuộc bán đảo Cà Mau là rất thấp so với toàn vùng ĐBSCL. Mặt khác, bán đảo Cà Mau được xem là "vùng lõm" về hạ tầng và KH-CN, đồng thời là nơi "đầu sóng ngọn gió" của biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở ĐBSCL. Hiện nay, có rất nhiều dự án nghiên cứu nhưng chưa có dự án nào hỗ trợ, ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại vùng này.

* Cần đầu tư tương xứng

Theo Viện Chiến lược chính sách nông nghiệp nông thôn (IPSARD), đầu tư vào các ngành nông nghiệp và công nghệ chế biến thực phẩm đã tạo ra hiệu quả kích cầu mạnh hơn so với đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, khai khoáng hay dịch vụ. Theo tính toán, tăng cầu 1% trong nông nghiệp, nông thôn làm tăng GDP cả nước lên 1,2%. Đầu tư vào khu vực nông thôn có sức lan tỏa mạnh nhất. Theo nghiên cứu của IPSARD, kích cầu 1% GDP vào nông nghiệp tạo thêm 1 triệu việc làm mới, lớn hơn nhiều so với kích cầu với cùng số tiền vào công nghiệp hay dịch vụ (chỉ tạo ra 200.000-370.000 việc làm). Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, vấn đề trong đầu tư không do tổng số mà nằm ở khâu phân bổ có hiệu quả nguồn vốn đầu tư đó. Nông nghiệp là ngành có kết nối với các ngành công nghiệp- thương mại- dịch vụ… rất cao. Do vậy, đầu tư vào nông nghiệp phải xem xét đầu tư vào các ngành có mối quan hệ kết nối như giao thông, vận tải, cơ khí, phát triển công nghệ ứng dụng, xây dựng các mô hình trình diễn… Từ đó góp phần nâng chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.

Các nhà khoa học cho rằng, cần có giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định và bền vững cho vùng ĐBSCL nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tác động do biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, vấn đề tổ chức lại sản xuất trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là yêu cầu bức thiết cho sản xuất lúa ở ĐBSCL. Trình độ thâm canh của nông dân Việt Nam đang được mọi người ngưỡng mộ, nhưng chỉ diễn ra trên cánh đồng nhỏ bé của mình, và đang bị chia cắt bởi thị trường lớn. Về lâu dài cần hình thành các hợp tác xã nông nghiệp cải tiến với chính sách phát triển rõ ràng. Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, trong tương lai, TP Cần Thơ xác định sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ với mục tiêu thúc đẩy nông nghiệp dịch vụ và nông nghiệp đô thị, tập trung vào 2 ngành sản xuất chủ yếu của vùng ĐBSCL là lúa, thủy sản. Đặc biệt là đẩy mạnh dịch vụ cung cấp giống cho nông dân thành phố và các tỉnh trong vùng ĐBSCL, phát triển nông nghiệp đô thị hàng hóa đặc sản vùng. Tăng cường ứng dụng và đổi mới công nghệ thúc đẩy nhanh cơ giới hóa, điện khí hóa trong sản xuất và chế biến, bảo quản nông sản, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông sản.

Để nông nghiệp phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và an sinh xã hội, cần đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phương Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và nâng mức đầu tư cho nông nghiệp nước ta ít nhất trên 18% ngân sách. Ngoài ra, cần chính sách để nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng ưu đãi lãi suất cho vay để khuyến khích nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp, triển khai hình thức bảo hiểm nông nghiệp giúp nông dân giảm rủi ro trong sản xuất, ổn định và gia tăng thu nhập.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết