09/01/2009 - 08:17

Nhu cầu cấp thiết trong phát triển kinh tế ở ĐBSCL

Đầu tư hệ thống kho lạnh tồn trữ hàng nông thủy sản

Hệ thống kho lạnh để tồn trữ hàng nông thủy sản đang là nhu cầu bức xúc của các doanh nghiệp chế biến hàng nông thủy, sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Vì chỉ có hệ thống kho lạnh đủ lớn để tồn trữ hàng triệu tấn sản phẩm như: cá tra, tôm và các loại nông sản hàng hóa khác... mới có thể góp phần làm cho các doanh nghiệp chủ động trong phân phối sản phẩm xuất khẩu điều hòa, đảm bảo chất lượng và giá trị xuất khẩu.

Thiếu kho lạnh, mất cơ hội làm chủ thị trường

Hơn 10 năm qua, con cá tra đã có một bước tiến dài. Từ sản phẩm tiêu thụ nội địa tiến tới chế biến xuất khẩu và hiện nay đã có sản lượng cá tra nguyên liệu hơn 1 triệu tấn/năm, đã xuất qua được gần 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong năm 2008 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu đã đạt hơn 1 tỉ USD. Điều này quả là một bước nhảy vọt thần kỳ. Trong khoảng 100 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu trên địa bàn ĐBSCL hiện nay, đã có những thương hiệu lớn, những đại gia trong làng chế biến thủy sản. Tuy nhiên, do phải lo nhiều mặt nên hầu hết các doanh nghiệp đều phát triển tới đâu, lo đến đó, chưa có doanh nghiệp nào đầu tư lớn xây dựng được những kho lạnh tồn trữ hàng tầm cỡ.

Nếu được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh tồn trữ, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông thủy sản ở ĐBSCL sẽ chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Thu mua cá tra nguyên liệu để chế biến xuất khẩu ở Đồng Tháp. Ảnh: QUANG HẢI 

Ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) cho rằng: Nếu thủy sản ĐBSCL là một thế mạnh của ta thì hệ thống kho lạnh tồn trữ hàng hóa là điểm yếu của ta hiện nay. Tại ĐBSCL, chúng ta thiếu hệ thống kho lạnh ở những nơi thuận tiện cả đường giao thông thủy lẫn cả đường bộ. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong vùng đều có kho lạnh, tuy nhiên kho lạnh với sản lượng nhỏ, chỉ khoảng 2.000-3.000 tấn, hiếm có những kho đạt tới 5.000 tấn.

Hiện nay, công ty con của Agifish đang xây dựng ở Cảng Vàm Cống một kho lạnh 10.000 tấn, có thể nói đây là kho lạnh lớn có hạng ở ĐBSCL. Trong tương lai, vùng này cần hệ thống kho lạnh có công suất và sản lượng tồn trữ lớn từ 50.000 tấn đến 1000.000 tấn hoặc hơn thế nữa. Không chỉ tồn trữ sản phẩm cá tra mà còn tồn trữ tôm, thủy hải sản khác, các sản phẩm nhập khẩu khác. Vấn đề là Nhà nước đầu tư như thế nào, ai đầu tư, khai thác... Nhu cầu sử dụng kho lạnh ở ĐBSCL đang tăng nhanh theo đà tăng trưởng sản lượng hàng hóa xuất-nhập của vùng. Một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đang khảo sát tìm kiếm vị trí thuận lợi để đầu tư và khai thác dịch vụ này. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang đứng trước thử thách về lãi suất tín dụng đang ở mức cao, suất đầu tư kho lạnh ở ĐBSCL (vùng đất yếu) cao hơn các vùng khác nên chậm thu hồi vốn.

Vấn đề đầu tư cần số vốn khá lớn, tuy nhiên về mặt lợi ích kinh tế thì rất thiết thực. Trong chế biến thủy sản, nếu có hệ thống kho lạnh công suất và sản lượng lớn, khai thác hết công suất, lợi ích kinh tế sẽ lớn vô cùng. Có thể giúp doanh nghiệp giữ thăng bằng cung cầu, tránh những rủi ro thiệt hại cho người nuôi cá như hiện nay. Các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu có thể liên kết thuê kho tồn trữ.

Theo ước tính của các nhà chuyên môn, để có một kho lạnh đạt chuẩn, đạt -18 độ C, sản lượng khoảng 10.000 tấn, hiện nay cần đầu tư khoảng 1,5 đến 2 triệu USD. Tại ĐBSCL, hiện nay kho lạnh thủy sản trên 10.000 tấn là hiếm, nói gì đến những kho lạnh thủy sản 20.000-40.000 tấn. Theo ông Ngô Phước Hậu, tại Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh, hiện nay có những kho lạnh đạt công suất và sản lượng đến 40.000 tấn.

Không bao cấp, nên có cơ chế, chính sách hấp dẫn

Vừa qua, một tập đoàn kinh tế của Nhật vừa tiếp xúc với Ban giám đốc Cảng Cần Thơ bàn chuyện hợp tác đầu tư xây dựng kho lạnh phục vụ nhu cầu làm lạnh hoặc lưu trữ hàng hóa cho vùng ĐBSCL. Trong buổi tiếp xúc, phía đối tác của Nhật Bản đề nghị Cảng Cần Thơ giúp họ thuê 10 ha đất nằm gần cảng Cần Thơ hoặc cảng Cái Cui để đầu tư xây dựng kho lạnh. Ông Phan Thành Tiến, Giám đốc Cảng Cần Thơ, nói: “Các tập đoàn kinh tế nước ngoài rất nhạy bén trong kinh doanh, họ đầu tư xây dựng kho lạnh tại TP Cần Thơ là để đón đầu cơ hội kinh doanh khi luồng Định An được khai thông. Khi ấy, cụm cảng Cần Thơ sẽ sung túc hơn, nhu cầu sử dụng kho lạnh sẽ tăng mạnh”. Riêng Công ty Cổ phần Vận tải Sông biển Cần Thơ, đơn vị có năng lực vận tải biển mạnh nhất khu vực ĐBSCL hiện nay, cũng phải chọn TP Hồ Chí Minh làm hậu cứ để neo đậu đội tàu của mình. Tới đây, khi luồng vận tải biển được khai thông, hàng hóa của vùng ĐBSCL sẽ được xuất-nhập khẩu qua cổng hàng hải quốc tế.

Thời gian qua, do luồng Định An chưa được khai thông nên hầu hết hàng hóa xuất-nhập khẩu của vùng ĐBSCL phải tốn nhiều chi phí, thời gian để trung chuyển về TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất–nhập khẩu hàng hóa của vùng ĐBSCL khi có nhu cầu sử dụng kho lạnh phải đầu tư xây dựng hoặc thuê kho lạnh ở TP Hồ Chí Minh. Lý do hệ thống các kho lạnh chậm được hình thành ở khu vực ĐBSCL, dù nhu cầu sử dụng để lưu trữ hàng hóa (trái cây, nông thủy sản chế biến...) là rất lớn. Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ xác định việc xây dựng kho lạnh đang là nhu cầu bức xúc của vùng ĐBSCL. Nhiều nhà máy chế biến thủy sản có công xuất lớn như: Công ty cổ phần Thủy sản Bình An, Công ty cổ phần Thủy sản Miền Nam (khu công nghiệp Trà Nóc II); Công ty cổ phần Thủy sản Đại Tây Dương (khu công nghiệp Thốt Nốt), Công ty cổ phần Cafatex (Hậu Giang) đang xúc tiến việc xây dựng kho lạnh. Tuy nhiên, theo ông Hùng, các kho lạnh đang được các doanh nghiệp này xây dựng chỉ có sức chứa khoảng 10.000 tấn/kho nên chỉ đáp ứng nhu cầu của nội bộ doanh nghiệp đầu tư, chứ chưa có năng lực cho thuê kho lạnh. Ông Võ Thanh Hùng còn nhận định, trong thời gian tới đây công nghiệp chế biến sẽ tiếp tục khẳng định thế mạnh của ngành công nghiệp ở vùng ĐBSCL, do đó các dịch vụ vận tải sông biển và kho bãi cũng sẽ phát triển nhanh để phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến.

Hiện nay, vấn đề kho lạnh tồn trữ và bảo quản thủy sản chế biến là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên ai đầu tư, đầu tư như thế nào, khai thác như thế nào, hiệu quả đó mới là vấn đề đáng nói, đáng bàn. Theo các nhà kinh tế, trong điều kiện hiện nay, con cá tra và thủy sản nói chung là những mặt hàng chiến lược của quốc gia, nên đầu tư cho sản xuất và bảo quản là việc phải làm. Tuy nhiên, Nhà nước không bao cấp mà phải có cơ chế và chính sách hấp dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản đầu tư. Cụ thể như, Nhà nước có thể có chính sách ưu đãi đầu tư, miễn giảm tiền thuê đất từ 3-5 năm, xét miễn thuế cho doanh nghiệp trong đầu tư xây dựng kho lạnh. Cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam để doanh nghiệp đầu tư khai thác. Tạo điều kiện và cơ chế để các doanh nghiệp trong vùng liên kết sản xuất, khai thác kho lạnh và bán sản phẩm ra với tính chủ động nguồn hàng cung ứng cho thị trường...

LÊ HIỀN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết