23/08/2020 - 11:36

Dấu tích của Vua Gia Long ở Đồng Tháp 

BÌNH NGUYÊN - SEN HỒNG

Miếu Gia Long ở xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, gắn liền với địa danh “Cây đa bến ngự” cùng với một số di tích có liên quan đến cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh ở đất Nam Bộ. Miếu được nhân dân xây dựng trên nền đồn cũ Hồi Oa (Nước Xoáy) để lưu dấu thuở bôn đào của vị vua mở đầu triều đại nhà Nguyễn.

Bàn thờ vua Gia Long. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Bàn thờ vua Gia Long. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Lịch sử Miếu Gia Long

Từ giữa thế kỷ XVIII, các cuộc chiến liên tục giữa Ðàng Trong, Ðàng Ngoài làm cho đời sống người dân thêm cùng quẫn. Năm 1771, phong trào Tây Sơn trỗi dậy tại Quy Nhơn (Bình Ðịnh) đã phát triển rộng lớn, đánh bại chế độ cai trị của họ Trịnh, bãi bỏ nhà Hậu Lê vốn chỉ còn trên danh nghĩa. Ở phía Nam, các Chúa Nguyễn cũng bị đánh tan, chỉ còn lại Nguyễn Ánh quyết tâm “nằm gai nếm mật” để khôi phục cơ đồ. Năm 1784, lợi dụng thế cùng quẫn của Nguyễn Ánh, quân Xiêm La mượn cớ giúp nhà Nguyễn khôi phục giang sơn để vào cướp nước. Tuy nhiên 5 vạn quân Xiêm đã bị quân của Nguyễn Huệ đánh bại tại trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Lực lượng không cân sức, quân Nguyễn Ánh thường bại trận mỗi khi Nguyễn Huệ trực tiếp điều binh khiển tướng. Tàn binh Nguyễn Ánh phải 4 lần rời bỏ đất liền ẩn náu ở các đảo trong vịnh Xiêm La, hai lần lưu vong sang tận Vọng Các.

Rút kinh nghiệm những lần thất bại trước, Nguyễn Ánh nghĩ đến một căn cứ vững chắc ở nội địa. Vì thế mặc dù đang lưu vong nhưng ông vẫn cài người ở lại tìm thế đất, lòng người thích hợp, lo việc xây dựng căn cứ. Vùng Nước Xoáy - Tân Long - Sa Ðéc (sau này là Long Hưng) đã được chọn. Sách Ðại Nam thực lục chánh biên chép như sau: “Tháng 8 năm Ðinh Mùi (1787), Nguyễn Vương trở về đóng ở Hồi Oa, sai binh tướng đắp xây thành lũy bằng đất. Hoàng Văn Trương và Tống Phước Ngạn đóng bên tả, Nguyễn Văn Trương và Tô Văn Ðoài đóng bên hữu. Quân Tây Sơn kéo đến đắp lũy bao vây, hai bên đánh nhau suốt mấy ngày không phân định thắng thua. Nguyễn Vương nghe lời tham mưu chế ra súng bằng gỗ, lấy hột cau khô kết làm đạn, bắn hiệu quả vô cùng; quân Tây Sơn phải rút lui…”.

Từ đó, khoảng hơn một năm sau, Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Ðịnh, lần lượt thu giang sơn về một mối và lập triều đại nhà Nguyễn. Nền đồn cũ Hồi Oa là nền Miếu Gia Long sau này. Theo lời kể của các bậc cao niên trong vùng, trong thời gian đóng quân ở đây, Nguyễn Ánh đã tạo nhiều thiện cảm với dân chúng nên nhiều nhà không tiếc của, sẵn sàng chi viện, góp gạo nuôi quân. Người có công rất lớn trong việc này là ông Nguyễn Văn Hậu (sau được Nguyễn Ánh nhớ ơn xem như cha nuôi, gọi là ông Bõ). Sau khi quân của Nguyễn Ánh rời khỏi nơi này, nền đồn cũ được trả lại nhưng nhân dân vẫn trân trọng giữ gìn, không trồng trọt canh tác mà chỉ để trống và đắp đất cao thêm mỗi khi bị mưa gió bào mòn. Năm 1819, vua Gia Long băng hà, nhân dân tưởng nhớ, dựng ngôi miếu nhỏ bằng tre lá trên nền đồn năm xưa để thờ cúng.

Miếu Gia Long qua các thời kỳ

Ðến nay, vẫn không rõ thời điểm chính thức miếu Gia Long được xây dựng kiên cố. Tuy nhiên, qua khảo sát nền cũ của miếu với kết cấu bằng gạch thức, có thể đoán định miếu được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Theo sách “Sa Ðéc nhơn vật chí” của Nguyễn Văn Dần, Nguyễn Văn Cứng, xuất bản năm 1926, vào năm 1849, Tổng Ðốc An Hà là Doãn Uẩn khi đi qua nơi đây đã cho dựng bia kỷ niệm tại nền đồn làm dấu tích. Sau đó, vị Tổng đốc kế tiếp là Cao Hữu Dực trên đường kinh lược đến đây cũng cảm khái làm bài văn tế. Trong đó có đoạn viết:     

“… Lễ dâng trí tế các vì

Cúi xin cảm cách phò trì an ninh

Cầu cho Nhơn kiệt Ðịa linh,

Dân khương vật phục thái bình như xưa”

Năm 1920, khi làm chủ quận Lai Vung, ông Nguyễn Ðăng Khoa thường đến đây thăm viếng, chiêm bái và nhắc nhở dân địa phương hãy gìn giữ cổ tích. Năm 1946, nhân dân và du kích Long Hưng đã đào ngay gốc “cây da bến ngự”, nơi ngày xưa Nguyễn Ánh thường ra ngồi câu cá để giải khuây, cho nó bật rễ ngã xuống rạch Nước Xoáy, làm chỗ tựa đắp cản, ngăn tàu giặc Pháp.

Qua thời gian miếu hư sập, không được tôn tạo. Vào năm 1958, khi vùng này thuộc tỉnh Vĩnh Long, tỉnh trưởng Khưu Văn Ba đi kinh lý trong vùng, được nhân dân địa phương tặng một bộ lư cổ bằng đá ong, cho là một di vật của vua Gia Long. Từ đó, miếu được trùng tu tái tạo, gọi là “Cao Hoàng thái miếu”. Miếu được xây bằng gạch trên nền cao 0,3m, kích thước 5,35x3,3m. Trong thời gian này, ông Khưu Văn Ba có đem hiến cúng một cặp sư tử đá ở Dinh Long Hồ (Vĩnh Long), cặp sư tử đá này được tạc năm 1922 đến nay vẫn còn tại miếu.

Sau khi miếu xây dựng xong, địa phương có thuê ông Nguyễn Văn Hạt làm từ, lo việc nhang khói, quét dọn. Lúc bấy giờ có ông Ðặng Văn Côn, nhà ở trong ngọn rạch Chùa bứng được một cây da con trong bộng cây, đem đến trồng cạnh miếu, thay thế “cây da bến ngự” ngày xưa. Theo các vị cao niên, từ ngày trồng đến nay, sau gần 50 năm, cây da mới có dáng dấp hao hao cây ngày xưa.

Từ năm 1975, ngôi miếu nhiều lần được sửa chữa đã phần nào khang trang hơn trước. Từ cổng vào bên trong một khoảng sân là đến miếu. Trước miếu là đỉnh hương bằng đá mài, hai bên cửa miếu là cặp sư tử đá mà tỉnh trưởng Khưu Văn Ba đã mang đến tặng năm xưa. Miếu có diện tích khá khiêm tốn chừng hơn 15m2, bên trong bài trí đơn giản bàn thờ và bài vị vua Gia Long cùng với bàn thờ Tả Ban - Hữu Ban bắt trên tường. Phía bên hông miếu là con rạch nhỏ, nay đã cạn.

Tín ngưỡng tại miếu Gia Long

Từ sau ngày vua Gia Long băng hà, người dân nơi đây đã dựng miếu và cúng giỗ hằng năm vào ngày 18-19 tháng Chạp (ngày mất của vua Gia Long). Từ đó đến nay, lệ này vẫn giữ. Ngày trước, khi miếu bị hoang phế, người dân không có điều kiện tế bái thường xuyên nhưng vẫn được nhân dân tôn kính gìn giữ. Kể từ khi miếu được khôi phục, tu sửa, nhân dân đã khôi phục lại cổ lệ và quy mô cúng tế ngày càng mở rộng.

Miếu Gia Long ở xã Long Hưng A. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Miếu Gia Long ở xã Long Hưng A. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Tháng 4-2013, Ban quản lý miếu được thành lập với 10 thành viên, có đại diện chính quyền địa phương và nhân dân trong xã. Hằng ngày, người qua lại thường ghé vào miếu thắp hương cầu xin cho gia đình bình an, mạnh khỏe, khói hương không lúc nào ngớt. Mỗi tháng, tại miếu có hai lần cúng: ngày 16 cúng mặn và ngày 29 cúng chay với khoảng 30-40 người dự, chi phí do người dân địa phương đóng góp. Trong năm, bà con tổ chức cúng lớn vào ngày giỗ vua Gia Long (18-19 tháng Chạp âm lịch) khá quy mô, người dân tự nguyện góp công, góp của. Mỗi lần giỗ cúng 2 con heo quay, đãi khoảng 26 bàn cho khách hành hương và nhân dân đến lễ bái.

Các bậc cao niên địa phương cho biết, miếu Gia Long chiếm một vị trí khá đặc biệt trong tâm thức của người dân nơi đây do từ bao đời nay vẫn luôn nhớ ơn các bậc tiền nhân đã dày công khai mở đất đai về phương Nam, đặc biệt là các Chúa Nguyễn đã hướng dẫn tổ tiên họ tiến dần về Nam lập nghiệp, tạo nên vùng đất trù phú, hào sảng sau này. Vua Gia Long là hậu duệ của các Chúa Nguyễn, có công nhất thống sơn hà. Nhiều thế hệ nơi đây luôn truyền lại hình ảnh một Chúa Nguyễn trên đường chạy loạn đã được nhân dân trong vùng cưu mang. Trong tâm thức dân gian, nhất là dân Nam Bộ, sự nghĩa khí anh hùng luôn được đề cao. Chính vì thế, người dân không cần suy tính thiệt hơn, hễ thấy ai gặp hoạn nạn đều giúp đỡ. Hình ảnh tiêu biểu cho tính nghĩa khí nầy là ông Bõ Hậu, người mà vua Gia Long đã cho vời lên kinh đô để thăm hỏi, đền ơn, ban phong hầu tước; và khi ông mất được nhà vua cho Bộ Công đến xây mộ phần và cắt người giữ mộ. Chính nghĩa cử báo ân của vua Gia Long đã làm cho nhân dân cảm mến, nhắc nhở con cháu không quên.

Ðến khi Pháp chiếm Nam Kỳ, nhân dân các nơi nhất tề đứng lên dựng cờ khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm. Trước sức mạnh của súng ống, Nam Kỳ phải đành chịu sự bảo hộ của thực dân Pháp nhưng lòng dân luôn thể hiện tình yêu nước theo quan niệm thời bấy giờ “trung quân ái quốc”. Có lẽ vì điều đó mà nhân dân nơi đây đã xây dựng Miếu Gia Long kiên cố để thể hiện lòng yêu nước, không hợp tác với quân thù. Khi Miếu Gia Long xuống cấp nặng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cho phép trùng tu, sửa chữa, bà con rất đồng tình, tích cực đóng góp. 

------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc sử quán (1960) Đại Nam thực lục chính biên tập II. Nxb. Viện Sử học.

2. Nguyễn Văn Dần - Nguyễn Văn Cứng (1916), Sa Đéc nhơn vật chí, xuất bản 1926, tr.23-24.

3. Huỳnh Minh: Sa Đéc xưa và nay, xuất bản 1970, tr.117-118.

4. UBND Huyện Lấp Vò, Lịch sử vùng đất Long Hưng - Đồng Tháp, xuất bản 2008.

Chia sẻ bài viết