30/05/2019 - 10:29

Gạo Việt Trên đường hội nhập

Dấu ấn “Vietnam Rice” 

MINH HUYỀN-MỸ THANH

Bài cuối: Mở đường tới tương lai

Hạt gạo Việt đã và đang vươn ra thế giới nhưng hành trình này còn lắm gian nan. Lời giải cho bài toán thị trường đã được các chuyên gia ngành nông nghiệp, doanh nghiệp, các địa phương phân tích. Song để tạo lập nên những kỳ tích mới đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn...

Lấy "tam nông" làm gốc

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành, Tập đoàn Lộc Trời, xuất phát từ sứ mệnh, tầm nhìn "Hướng về nông dân, cùng nông dân phát triển bền vững", sau khi Nhà nước có chủ trương hình thành các "Cánh đồng lớn", Tập đoàn Lộc Trời đã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng 5 nhà máy tại các tỉnh vùng ĐBSCL với tổng công suất 700.000 tấn/năm. Chung quanh 5 nhà máy là các vùng nguyên liệu "Cánh đồng lớn" hợp tác sản xuất với nông dân. Bắt đầu từ năm 2016, Tập đoàn đã tiến thêm một bước mới bằng cách tham gia vào Diễn đàn quốc tế sản xuất lúa gạo bền vững SRP. Để khuyến khích nông dân tuân thủ thực hiện, từ vụ đông xuân 2018-2019, Lộc Trời thưởng thêm tiền đối với những nông dân trồng lúa có điểm SRP cao. Riêng năm 2019, chúng tôi dành 3 tỉ đồng để thưởng cho nông dân trồng lúa bền vững căn cứ theo điểm SRP.

Tiết giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho người nông dân là một trong những vấn đề được ngành nông nghiệp quan tâm. Ảnh: MỸ THANH

 Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã chủ động bắt tay làm ăn lâu dài với nông dân. Đến vùng nguyên liệu của công ty tại huyện Cờ Đỏ, chúng tôi nghe nhiều nông dân truyền miệng nhau về câu chuyện công ty bỏ vốn cùng nông dân thành lập 2 Hợp tác xã (HTX) ngay trong "Cánh đồng lớn" của công ty: HTX An Xuân (xã Thới Xuân), HTX An Phú (xã Thạnh Phú). Công ty góp 20% vốn và cử nhân sự sang đảm nhiệm vị trí Giám đốc HTX để hỗ trợ vận hành. Sau này, khi mọi hoạt động vào nề nếp, công ty sẽ bàn giao cho thành viên HTX.  Ông Võ Văn Rô, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp An Phú, chia sẻ: "Tôi đã qua nhiều năm làm việc với Công ty Trung An và không bao giờ lo cảnh bẻ kèo, ép giá. Không chỉ vậy, ngay từ đầu vụ còn được công ty cung ứng giống; tập huấn kỹ thuật, sẵn sàng áp dụng tiến bộ khoa học sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát được dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật".

Bản thân người nông dân cũng ý thức được kinh tế tập thể là mấu chốt quan trọng để chia sẻ kinh nghiệm, rủi ro trong sản xuất cũng như tăng vị thế của mình khi đàm phán hợp đồng tiêu thụ lúa gạo. Đơn cử như HTX Dịch vụ nông nghiệp Thuận Tiến, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp, trước đây, bà con sản xuất nhiều loại giống trên cánh đồng, mỗi người làm một kiểu, chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật nên sâu bệnh xuất hiện ngày càng nhiều. Từ đó, chi phí sản xuất gia tăng trong khi đầu ra lại bấp bênh. Tuy nhiên, kể từ khi tham gia vào "Cánh đồng lớn", sản xuất theo mô hình "Cánh đồng lý tưởng", áp dụng công nghệ 4.0 đã làm cho chi phí sản xuất lúa giảm đáng kể. Với cách làm này, xã viên trong HTX cùng nhau mở bờ, trang bằng mặt ruộng, bón vùi phân thông minh, áp dụng kỹ thuật tưới tiêu ngập khô xen kẽ, quản lý nước qua điện thoại thông minh,...

Các mô hình HTX thích ứng với biến đổi khí hậu cũng "nở nồi" tại vùng ĐBSCL. Ông Huỳnh Đăng Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Rạch Lọp, xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, chia sẻ: Sau 2 năm tham gia mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới thích ứng với biến đổi khí hậu, xã viên không còn bị chủ máy gặt đập liên hợp nâng giá thu hoạch, bị thương lái ép giá hay đặt cọc rồi "bỏ của chạy lấy người" như trước. Lúa của HTX được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường trung bình từ 80-120 đồng/kg. Về đầu vào, HTX liên kết với Viện lúa ĐBSCL để lấy giống xác nhận về trồng, liên kết với nhiều nhà máy, công ty sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cung cấp cho xã viên. Đến nay, 514 xã viên của HTX đều đồng thuận sản xuất đúng theo lịch thời vụ, canh tác cùng loại giống. HTX còn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh thông qua việc hỗ trợ cho thuê thêm đất canh tác, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng và đưa cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn về hỗ trợ công tác quản lý HTX.

Những năm qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tích cực phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án có liên quan để "tam nông" không ngừng phát triển, như: Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, Xây dựng "Cánh đồng lớn" gắn với xây dựng nông thôn mới… Theo ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, tỉnh lồng ghép xây dựng "Cánh đồng lớn" vào Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, các tuyến lộ nông thôn trong khu vực "Cánh đồng lớn" được xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới, hệ thống thủy lợi cũng được nạo vét, mở rộng thông suốt, rất thuận tiện cho doanh nghiệp bao tiêu đưa phương tiện vào và thu mua lúa, diện tích cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch đạt 100%.

Hình thành ngành công nghiệp lúa gạo

Nền tảng "tam nông" dần làm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, hướng đến nền sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với đảm bảo an toàn chất lượng. Cây lúa, hạt gạo vùng ĐBSCL đang chuyển mình hướng tới một tầm cao mới - Hình thành ngành công nghiệp lúa gạo. Ngành lúa gạo muốn phát triển đồng bộ phải có sự quyết tâm rất lớn của nông dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ chính quyền. Nhiều doanh nghiệp khẳng định, người nông dân hiện nay luôn trong tư thế sẵn sàng sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp và khuyến cáo của ngành chức năng. Nghĩa là doanh nghiệp yêu cầu sản xuất theo quy trình nào họ sẽ đáp ứng đúng theo quy trình đó.

Hệ thống silo chứa lúa đầu tư quy mô, hiện đại của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Ảnh: MINH HUYỀN

Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, chia sẻ: Để phát triển bền vững, công ty phải chủ động đầu tư nhà máy chế biến, kho dự trữ lúa gạo; chủ động đầu tư phương tiện vận chuyển và  nguồn lực tài chính để kịp thu gom lúa từ vùng nguyên liệu khi bước vào chính vụ. Đặc biệt, từ ngày đầu tham gia xuất khẩu gạo, công ty đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu nhằm tạo nguồn hàng ổn định, kiểm soát đầu vào. Tại vùng nguyên liệu, người nông dân được tập hợp vào HTX; công ty làm việc với HTX với sự chứng kiến và xác nhận từ chính quyền địa phương.

 Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng: Cần xác lập tầm nhìn dài hạn, thoát khỏi “tư duy mùa vụ và thương vụ” đối với ngành hàng có tác động đến hàng triệu nông dân. “Để thoát khỏi “lời nguyền” chi phí cao, chất lượng kém hướng đến giảm chi phí, tăng chất lượng, nông dân phải cùng liên kết, hợp tác với nhau một cách tự nguyện trên nền tảng HTX. Đây là cách để nông dân giảm giá thành sản xuất nhờ lợi thế “mua chung”; tăng khả năng thích ứng với thị trường và năng lực đàm phán nhờ “bán chung”... Khi đó, nông dân mới có thể vừa thu được lợi nhuận từ sản xuất, chuỗi giá trị gia tăng vừa hưởng thêm lợi ích từ giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản”.

Thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách liên quan đến ngành hàng lúa gạo mà gần đây là Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo được ban hành vào tháng 8-2018. Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP thể hiện tư duy quản lý mới của Bộ Công thương theo hướng giảm đáng kể chi phí gia nhập thị trường cho thương nhân, tạo động lực giải phóng mạnh mẽ năng lực kinh doanh thương mại, năng lực thị trường, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu lúa, gạo hàng hóa cho người nông dân. Đây là khung chính sách quan trọng để phát triển ngành hàng lúa gạo. Song quan trọng nhất là vận dụng vào thực tế như thế nào, có hiệu quả không. "Đầu tư đồng bộ để phát triển ngành hàng lúa gạo rất cần sự tiếp sức kịp thời của ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp. Chính phủ kêu gọi doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nhưng nếu các ngân hàng co cụm thì sẽ bỏ qua cơ hội đưa ngành hàng lúa gạo phát triển xứng tầm"- ông Phạm Thái Bình bày tỏ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành, chia sẻ: Sau 8 năm phát động mô hình "Cánh đồng   lớn", đến nay mô hình này vẫn chưa được nhân rộng thành công. Do đó, cần phải có nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân thông qua các tổ liên kết, các HTX, các thương lái để hình thành chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh. Khi đó người trồng lúa sẽ tuân thủ quy trình chuẩn để sản xuất ra hạt gạo an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Doanh nghiệp có khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao sẽ có nhiều lợi thế khi chào hàng đến các đối tác nhập khẩu. Khi có đầu ra ổn định, doanh nghiệp sẽ tính toán được mức giá bao tiêu lúa gạo để ký kết với nông dân trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ngành hàng lúa gạo.

Chia sẻ bài viết