CÁT ÐẰNG
Khai thác những đề tài quen thuộc như: chiến tranh, tình yêu, tình người… nhưng tập truyện ngắn "Trên núi Tưk-cot" (NXB Quân đội Nhân dân) của tác giả Hồ Kiên Giang lại mang dấu ấn riêng. Ðó là những cảm xúc không chỉ đến từ câu chữ, cốt truyện mà còn từ nhân vật, là sự lấp lánh của nét đẹp hồn hậu tỏa ra từ những con người chân chất, mộc mạc nhưng trọng nghĩa tình.
Trong số 12 truyện ngắn, có đến 8 truyện nói về chiến tranh, bộ đội; 4 truyện còn lại là chuyện tình yêu, ước mơ đời người. Dù viết về đề tài nào, tác giả cũng làm bật được hiện thực cuộc sống, tính cách nhân vật và những suy tư trăn trở hay ẩn ức tâm lý của họ. Ðiều đó khiến người đọc dễ đồng cảm hơn với nhân vật và bị lôi cuốn bởi số phận của họ.
Chiến tranh đã trôi qua gần nửa thế kỷ nhưng nỗi đau hay ký ức về nó vẫn hiện hữu trong tâm thức của những người đã đi qua cuộc chiến. Từ những hồi tưởng của nhân vật, độc giả được nghe những câu chuyện đầy day dứt về quá khứ, về những người đã ngã xuống cho hòa bình. Ðó là tâm sự của ông Kiên, một nhà báo chiến trường, về những hy sinh của các phóng viên để có được những bức ảnh, những thước phim tư liệu quý giá trong "Thước phim đời người". Là sự ân hận dày vò của một người từng tham gia đội ngũ Khmer đỏ tàn sát người dân vô tội để cuối cùng ông dùng cái chết để giải thoát cho mặc cảm tội lỗi suốt mấy chục năm qua (truyện "Gò cao vùng lũ"). Là người thương binh cụt 2 chân vẫn cần mẫn đi tìm thân nhân gia đình đồng đội đã hy sinh để thực hiện lời hứa với người đã khuất ("Bìm bịp kêu khắc khoải"). Là sự thất lạc người thân trong chiến tranh khiến họ mãi tìm nhau khi đất nước hòa bình ("Người con gái trên đồi sim"). Hay là yếu tố tâm linh trong truyện "Những giấc mơ biên thùy", sự linh thiêng của người đã khuất về báo mộng cho lực lượng tìm hài cốt liệt sĩ tìm được mộ phần trên đất bạn Campuchia.
Không đi sâu khai thác những cuộc chiến khốc liệt nhưng dòng chảy của ký ức khi được khơi gợi lại có sức nặng khiến người đọc hiểu hơn về lịch sử và thêm trân quý giá trị của hòa bình, của hiện tại. Ðặc biệt, truyện "Trên núi Tưk-cot" không viết về những người lính đã hy sinh mà khắc họa đậm nét chân dung người canh giữ mộ phần cho họ. Ðó là bà Thị Mết, một người dân Campuchia được bộ đội Việt Nam cứu sống, cưu mang và cho học làm y tá. Bà tham gia lực lượng quân y Việt Nam cứu chữa thương binh đánh nhau với quân diệt chủng Pol Pot. Ðể rồi khi hòa bình lập lại, bà kiên quyết sống một mình trên núi Tưk-cot suốt mấy chục năm trời để canh giữ mộ phần cho 49 chiến sĩ, y bác sĩ đã hy sinh. Khi lực lượng tìm hài cốt liệt sĩ Việt Nam tìm đến, bà mới yên lòng ra đi…
Bên cạnh hình ảnh của người lính trong quá khứ thì người lính của hiện tại cũng được tác giả giới thiệu sinh động và rõ nét qua các truyện như "Lính mới", "Những đêm mất ngủ", "Mùa này mía chẳng trổ bông". Những anh bộ đội trong thời bình có trách nhiệm với gia đình, có ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên hoàn thiện bản thân.
Là nhà báo trưởng thành trong môi trường quân đội nên những trang viết của Hồ Kiên Giang dù về thời chiến hay thời bình đều đầy đủ chất liệu hiện thực cuộc sống và mượt mà chất văn. Như cái cách anh viết về người dân miền Tây Nam Bộ hồn hậu, hào sảng và nhân ái trong truyện: "Khách miệt vườn", "Út Ðẹt", "Ðào nhì"... Hay những phương ngữ Nam bộ cùng những lời ru, câu hát, những trích đoạn cải lương… được lồng ghép khéo léo làm bật được nét văn hóa của miền đất này. Qua đó, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng độc giả.