Nếu so với Bắc bộ và Trung bộ thì vùng đất Nam bộ được xem là "sinh sau đẻ muộn". Tuy nhiên, với tâm hồn và tình cảm phong phú, người dân Nam bộ đã ghi những dấu ấn văn hóa, văn minh cùng những nét đẹp thời khai khẩn, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của dân tộc.
Dấu ấn thuở tiền nhân đi mở đất phương Nam đến nay vẫn còn được nhắc nhớ qua những câu ca dao thấm đượm ân tình.
Nam bộ xưa còn được gọi là "Đồng Nai", thời nhà Nguyễn được gọi là "Gia Định thành". Nam bộ hiện nay gồm có Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và TP Hồ Chí Minh. Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất này còn được lưu dấu qua những công trình trăm năm như: Nông Nại đại phố,Văn Miếu Trấn Biên, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh
"Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về"
 |
“Xứ đâu bằng xứ Cạnh Đền. Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”. Hiện nay, Cạnh Đền hiện phần lớn thuộc xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH |
Bàng bạc trong những câu ca dao xưa nói về vùng đất Gia Định- Đồng Nai là nét hoang sơ, u tịch với điều bí ẩn, lạ lùng nhưng cũng không kém phần hấp dẫn, gợi sự tò mò và muốn khám phá của người đương thời :
"Đồng Nai địa thế hải hùng
Dưới sông sấu lội trên giồng cọp um"
Trên hành trình về phương Nam bằng đường thủy, những thuyền ghe của lưu dân phải đi theo dọc bờ biển còn rất hoang sơ của Trung bộ bấy giờ. Người xưa hồi đó chưa biết tới hải đồ đi biển - nên "trông sao mà đi giữa biển khơi". Những vùng biển đi qua rất nguy hiểm cho ghe thuyền với đá ngầm, sóng to hoặc bãi cát cạn. Những núi, doi, vịnh, mũi đất nếu có hình dáng giống người, thú vật hoặc đồ vật gây ấn tượng thì được những người đi biển đặt tên cho dễ nhớ, để định phương hướng: núi Vọng Phu giống hình một thiếu phụ bế con nhìn ra biển ở Bình Định:
Chiều chiều trông núi Vọng Phu
Chim kêu vượn hú mây mù trên non
Gành Đá Dĩa trùng trùng, lớp lớp những đống dĩa chồng đống lên nhau ở Phú Yên, mũi Kê Gà trông xa giống đầu một con gà ở Bình Thuận
Đường vào đất Đồng Nai thời ấy thật cam go, nguy hiểm. Những cuộc hành binh hay di dân về phương Nam còn để lại dấu vết trong ca dao:
"Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã trải Đồng Nai đã từng"
Trong "thành phần" những người đi về phương Nam ngày ấy, ngoài số đông là những nông, ngư dân chân chất, còn có không ít Nho gia, quan binh hưu trí, những người có chí lập nghiệp, tung hoành ngang dọc, những kẻ bất phục tùng bọn quan lại hà khắc địa phương, nên có câu:
- Rồng chầu ngoài Huế ngựa tế Đồng Nai
Nước sông trong chảy lộn sông ngoài
Thương người quân tử lạc loài tới đây,
Tới đây thì ở lại đây
Bao giờ bén rễ xanh cây sẽ về.
Ngoài ra, cũng có một số ít những tay giang hồ tứ chiếng, những kẻ trốn nợ nần, những tù binh, phạm nhân
hoàn cảnh đã xui họ gặp nhau:
Trai tứ chiếng, gái giang hồ
Gặp nhau ta nổi cơ đồ cũng nên.
Rồi tất cả những người ấy đi về đất phương Nam với nhiều tâm trạng vui buồn ngổn ngang, lẫn lộn:
- Mênh mông trời nước một màu
Nhóc nhen kêu rộ bắt xàu ruột gan.
- U Minh, Rạch Giá thị quá Sơn Trường
Gió đưa bông sậy dạ buồn nhớ ai.
Nhưng rồi cảnh quan, môi trường mới cùng với quyết tâm, ý chí của những con người đi khai mở đất, ta lại nghe được giọng điệu lạc quan, yêu đời:
Đường rừng có bốn cái vui
Lúc chống, lúc lạo, lúc bơi, lúc chèo.
Họ đi tìm một chân trời mới, một cuộc sống mới. Những người đi khai khẩn sẽ phải đối mặt với không gian hoang dã, xa lạ, bí ẩn, khắc nghiệt, tiềm ẩn những hiểm nguy khôn lường:
Đến đây xứ sở lạ lùng
Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê
Bất an, lo sợ càng tăng lên khi tận mắt chứng kiến những cảnh mà họ chưa bao giờ từng thấy nơi quê hương, cố quán:
Rừng thiêng nước độc thú bầy
Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội đầy
như bánh canh
Hay:
Cỏ mọc thành tinh
Rắn đồng biết gáy
Tuy nhiên, khi đã tạm ổn định trên vùng đất mới:
Chim bay về núi Biên Hòa
Chồng đây vợ đó ai mà muốn xa.
Nếu những người đi khai khẩn thời ấy xâm nhập Nam bộ qua đường biển theo các cửa sông Cần Giờ, Soài Rạp vào sâu nội địa thì sẽ gặp:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về
Sau một thời gian lao động cần cù, mưu trí, đầu tiên tiền nhân ta đã đứng vững trên vùng đất Đồng Nai mà cụ thể là miền Đông Nam bộ bây giờ, gồm mạn bắc sông Sài Gòn và lưu vực các sông Đồng Nai, Vàm Cỏ ngày nay. Vùng đất tiếp theo được chinh phục là lưu vực sông Tiền gồm phần lớn các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh. Ca dao, hò, vè mô tả cảnh quan vùng đất mới xuất hiện sớm ở đây:
-Tháp mười sinh nghiệp phèn chua
Hổ mây, cá sấu thi đua vẫy vùng
-Muốn ăn bông súng cá kho
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm
-Tháp Mười nước mặn, đồng chua
Nửa mùa nắng cháy nửa mùa nước dâng
- Ai ơi về miệt Tháp Mười
Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn.
(ca dao Đồng Tháp)
- Chèo ghe sợ sấu ăn chưng
Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma.
-Chiều chiều én liệng trên trời
Rùa bò dưới đất, khỉ ngồi trên cây.
(ca dao Bến Tre)
Ngoài miền đất Hà Tiên do Mạc Cửu (1655-1755) khai phá sớm vào giữa thế kỷ 17. Phần còn lại của Tây Nam bộ là vùng đất khai thác sau cùng -Năm 1757 chúa Võ Vương Nguyễn Phước Khoát (1738_1765), lập các đạo Đông Khẩu (Sa Đéc), Tân Châu (Tiền Giang), Châu Đốc (Hậu Giang) do Nặc Tôn hiến để đền ơn. Lấy đất Giá Khê (Rạch Giá) lập đạo Kiên Giang, và Cà Mau lập đạo Long Xuyên. Cuộc khai mở đất phương Nam kết thúc. Lúc này cương thổ của Đàng Trong đã đến tận Hà Tiên, Phú Quốc.
Miền Tây sông Hậu thuộc Tây Nam bộ (Đồng bằng sông Cửu Long) gồm các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang An Giang ngày nay, trừ những vùng đất cao ven sông, rạch lớn được khai khẩn sớm, phần đất còn lại đa số là hoang hóa, đầm lầy, lung bãi, rừng rậm bạt ngàn, đến thế kỷ 20 mới khai thác hết- Dấu vết còn lại ngày nay là vùng U Minh Thượng và Hạ, vùng Lung Ngọc Hoàng, Tứ giác Long Xuyên. Dấu ấn thời khẩn hoang ở Tây sông Hậu được mô tả, đi vào dân gian qua ca dao khá phong phú. Lúc ấy xứ Cà Mau vẫn còn là nơi hoang địa:
-U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường
Dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua.
-Cà Mau khỉ khọt trên bưng
Dưới sông sấu lội trên rừng cọp um.
-Trời xanh kinh đỏ đất xanh
Đỉa bu muỗi cắn làm anh nhớ nàng.
Cần Thơ hồi ấy do vị trí đắc địa của mình nên đã sớm hình thành nên miền đất trù phú, sung túc:
-Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai về xứ bạc thong dong cuộc đời.
Câu này còn có dị bản:
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về.
Bạc Liêu là nơi có khá nhiều người Hoa lánh nạn nhà Thanh (1662) đổ bộ lên miệt ven biển Vĩnh Châu. Đa phần họ là dân thuộc nhóm Triều Châu chuyên nghề làm rẫy (trồng hành, hẹ, củ cải):
-Bạc Liêu nước chảy lờ đờ
Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu.
Ở vùng An Giang thì có ông Ngữ, có lẽ xứ đâu tận miền ngoài, theo ông bà cha mẹ anh em đi khẩn hoang:
-Chiều chiều ông Ngữ thả câu
Sấu lôi ông Ngữ cắm đầu xuống sông
Nhưng rồi có lẽ "ông Ngữ"sẽ tìm được niềm an ủi trong cuộc mưu sinh nơi vùng đất mới, tôm cá đầy sông:
-Chiều chiều quạ nói với diều
Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm.
(ca dao An Giang)
Từ sau khi vua Gia Long lên ngôi (1802) dài đến Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), liên tục có những cuộc khẩn hoang. Phần do nhân dân tự phát, phần do Nhà nước phong kiến phát động. Thời thuộc Pháp (1887-1945), Nam kỳ thành đất thuộc địa, những cuộc khai khẩn đất hoang với quy mô lớn có cơ giới hỗ trợ, cụ thể như việc đào các kinh xáng lớn ở Tây sông Hậu như kinh xáng Xà No (1903), kinh Rạch Giá Hà Tiên (1914). Thời kỳ này trong dân gian xuất hiện khá nhiều ca dao, hò vè cận đại:
Kinh Xáng mới đào, tàu Tây mới chạy
Thương thì thương đại, bớ điệu chung tình
Con nhạn bay cao khó bắn,con cá dưới ao Quỳnh khó câu.
Ở miệt Phong Điền giáp với Ô Môn (Cần Thơ), thời ấy có những con kênh do người Pháp đào bằng xáng. Kinh đào bằng máy dài, thẳng băng. Kinh được đào theo kiểu "lấn dủi" cuốn chiếu. Chủ chiếc xáng đào thường là tư nhân người Pháp được chính quyền thuộc địa thuê mướn làm những công trình dài hơi. Do đó, những ông Tây chủ xáng thường đem theo vợ con ở luôn dưới xáng. Chiều chiều, "bà đầm" là vợ "ông Tây" thường đứng sau xáng ngắm cảnh sông nước xứ "An Nam". Hình ảnh chiếc xáng (tàu Tây) đã đi vào ca dao.
Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành
Tàu Tây kia kiệt máy, anh mới đành bỏ em!
Hiện nay ở Cần Thơ, địa danh Bà Đầm Thác Lác vẫn còn (xã Trường Xuân- Ô Môn)
Ca dao một bộ phận trong kho tàng văn hóa dân gian, nó ghi lại dấu vết của thời quá khứ và cận đương đại. Những sự kiện, đối tượng, nhân vật được phản ánh, thể hiện rất rõ nét qua các thể văn vần dễ thuộc, dễ nhớ với ngôn ngữ có khi bình dân, có khi cũng văn hoa, sâu sắc. Đấy chính là văn hóa phi vật thể mang đậm đà bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn mà chúng ta cần phải gìn giữ, bảo tồn cho các thế hệ mai sau.
Đặng Hoàng Thám
-------------
Tài liệu tham khảo:
-Lịch sử khẩn hoang miền Nam Sơn Nam - Nxb Trẻ 2007(tái bản)
- Từ điển địa danh văn hóa và thắng cảnh Việt Nam NXB Khoa học- Xã hội 2004
- Ca dao tục ngữ chọn lọc- NXB Đồng Nai 2004 Nam bộ
- Địa chí Cần Thơ - TU&UBND tỉnh Cần Thơ XB 2003.