Bài, ảnh: B.KIÊN
Sự chủ động tìm giải pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế (HTQT) của các ngành các cấp và các trường học, cùng sự hỗ trợ các đối tác nước ngoài, đã giúp hoạt động HTQT trong lĩnh vực Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) của TP Cần Thơ đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

GS Hà Thanh Toàn (thứ 2 từ phải qua), Hiệu trưởng Trường ĐHCT và ngài Phó Đại sứ, Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam Watanabe Shige (bìa phải) chụp hình lưu niệm tại Tòa nhà phức hợp Phòng thí nghiệm.
Dấu ấn hợp tác với AIMF
Sự kiện bàn giao và tiếp nhận máy tính xách tay cho 3 trường học trên địa bàn TP Cần Thơ, do Sở Ngoại vụ thành phố phối hợp với Ðiều phối viên Hiệp hội Quốc tế các Thị trường nói tiếng Pháp (AIMF) tại Việt Nam, thực hiện vào cuối tháng 11-2022, đánh dấu bước ngoặt quan trọng mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Ðặc biệt là việc dạy và học tiếng Pháp tại các trường phổ thông trên địa bàn TP Cần Thơ. Theo đó, Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều), Trường THCS Bình Thủy (quận Bình Thủy) và Trường THPT Lưu Hữu Phước (quận Ô Môn), mỗi trường được tài trợ 20 máy tính xách tay cho phòng học đa chức năng, phục vụ công tác giảng dạy và học tiếng Pháp. Tổng trị giá đợt trao máy tính hơn 878 triệu đồng, từ nguồn Dự án Khuyến khích học tập và giảng dạy tiếng Pháp tại các trường học trên địa bàn TP Cần Thơ do AIMF tài trợ.
Theo cô Mạch Lệ Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền, việc trường được tài trợ máy tính xách tay góp phần đa dạng hóa hình thức dạy và học môn tiếng Pháp, tạo không khí học tập sôi nổi, khơi dậy sự sáng tạo, chủ động học tập trong học sinh. Ðồng thời tạo thêm nguồn lực phục vụ chuyển đổi số trường học. Trường Tiểu học Ngô Quyền là một trong những trường đạt chuẩn quốc gia của thành phố, đang tổ chức khoảng 10 lớp tiếng Pháp.
Theo ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, thời gian qua, quy mô mạng lưới trường lớp của thành phố phát triển mạnh, đi đôi với đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị giảng dạy. Việc tài trợ máy tính xách tay cho các trường là hoạt động ý nghĩa, thúc đẩy thi đua học tốt dạy tốt, nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Pháp tại các trường. Qua đó còn góp phần giúp ngành Giáo dục thành phố thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Nhiều năm qua, TP Cần Thơ luôn duy trì chính sách đa ngôn ngữ trong giảng dạy ngoại ngữ ở các trường phổ thông. Sở GD&ÐT TP Cần Thơ đã tích cực nâng cao hiệu quả giảng dạy ngoại ngữ nói chung và tiếng Pháp nói riêng; đẩy mạnh việc hợp tác, giao lưu quốc tế, nhất là với các đối tác Pháp ngữ… Các quận ở Cần Thơ như Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, đều có trường phổ thông giảng dạy chương trình song ngữ tiếng Pháp. Dấu ấn HTQT với Pháp của ngành Giáo dục thành phố được thể hiện rõ nét tại Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng - đơn vị vinh dự được gắn biển "Label France Education" (công nhận trường xuất sắc trong giảng dạy song ngữ tiếng Pháp) của Viện Pháp tại Việt Nam hồi năm 2019. Ðây còn là đơn vị duy trì hoạt động "Không gian Pháp" nhiều năm qua; giúp các em học sinh yêu thích môn tiếng Pháp tra cứu sách, tài liệu, tranh ảnh để nghiên cứu, tự trau dồi, giao lưu học thuật...
Cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh HTQT
HTQT ở các cơ sở giáo dục đại học (ÐH) trên địa bàn TP Cần Thơ cũng đang khởi sắc sau thời gian bị tác động bởi dịch COVID-19, góp phần thúc đẩy hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở đơn vị.
Ðơn cử là sự kiện khánh thành hai công trình thuộc Dự án Nâng cấp Trường Ðại học Cần Thơ (ÐHCT) vào cuối tháng 10, đánh dấu mối quan hệ hợp tác giữa trường và đối tác nước ngoài. Ðó là Tòa nhà phức hợp Phòng thí nghiệm và Tòa nhà Công nghệ cao; với tổng kinh phí khoảng 850 tỉ đồng. Ðây là 2 trong các hạng mục công trình của Dự án Nâng cấp Trường ÐHCT sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản; với mục tiêu nâng cấp Trường ÐHCT thành trường xuất sắc về đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ và quản trị ÐH. Dự án được thực hiện trong 7 năm (từ năm 2015 đến 2022), có tổng kinh phí 2.250 tỉ đồng.

Lễ tiếp nhận và bàn giao máy tính xách tay cho Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Ngô Quyền, do AIMF tài trợ.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, ngài Watanabe Shige, Phó đại sứ, Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam, đã nhấn mạnh mối quan hệ khắn khít giữa Nhật Bản và Trường ÐHCT, ngôi trường được các trường ÐH và doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm. Với các công trình này, trường sẽ phát huy vai trò quan trọng để đạt được mục tiêu của Chính phủ Việt Nam trong phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, giải quyết các vấn đề quan trọng quốc gia như đảm bảo an ninh lương thực, thích ứng biến đổi khí hậu… “Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Trường ÐHCT với vị trí trung tâm của ÐBSCL sẽ có nhiều sự kiện dẫn dắt chuỗi sự kiện kỷ niệm ở khu vực”, ngài Watanabe Shige nói.
Theo Ban Giám hiệu Trường ÐHCT, trong 2 năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động HTQT của trường bị ảnh hưởng, dù vậy các đơn vị thuộc trường đã nỗ lực tìm giải pháp để kết nối, tổ chức hoạt động phù hợp, như tổ chức hội nghị, hội thảo trực tuyến… Trong năm học 2021-2022, trường đã đón tiếp 105 đoàn với 550 lượt khách quốc tế đến trao đổi, tham quan, giảng dạy và học tập tại trường; cử 134 sinh viên, học viên học ngắn hạn và giao lưu với các trường ÐH ngoài nước.
Tại Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, năm học vừa qua đã thực hiện 14 bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác; tăng cường kết nối và tiếp nhận các thông báo tuyển sinh, đào tạo sau ÐH của các trường ÐH trên thế giới để giới thiệu cho viên chức, giảng viên tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Trung tuần tháng 11-2022, trường tổ chức thành công Hội thảo khoa học Công nghệ Sinh - Hóa - Thực phẩm, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, có sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các trường ÐH của Ðức, Hàn Quốc, Thái Lan…
Tại Trường ÐH Y Dược Cần Thơ, công tác HTQT cũng được chú trọng phát triển và mở rộng. Năm học qua, trường tiếp đón và làm việc với 21 đoàn khách đến trường làm việc về ký kết hợp tác; trong đó 8 đoàn quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Bỉ, Thái Lan, Ấn Ðộ làm việc về hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và khám chữa bệnh. Trường ký kết 12 bản ghi nhớ hợp tác mới với các viện, trường, cơ quan, tổ chức. Ðịnh hướng của trường đến năm 2030, phát triển thành trường ÐH định hướng ứng dụng trọng điểm quốc gia, một trong 5 trường ÐH khoa học sức khỏe hàng đầu Việt Nam và xếp hạng trong 1.000 trường ÐH hàng đầu châu Á. Do đó, trường tiếp tục xây dựng trường ÐH ứng dụng tiên tiến, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ y - sinh - dược, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong vùng, cả nước và quốc tế.
* * *
Việc đẩy mạnh HTQT trong ngành Giáo dục, trong các cơ sở giáo dục ÐH không chỉ tạo dấu ấn hội nhập, mà còn thúc đẩy sự phát triển các đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng GD&ÐT.