03/11/2016 - 21:45

Đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS

Dấu ấn của hợp tác quốc tế

Từ năm 1998 đến nay, các tổ chức quốc tế cùng TP Cần Thơ chung tay phòng, chống HIV/AIDS. Qua đó góp phần đưa TP Cần Thơ ra khỏi top 10 tỉnh, thành có số nhiễm HIV/AIDS cao nhất cả nước; trở thành điểm sáng trong phòng, chống HIV/AIDS.

* Trả lại niềm vui sống

Trong căn nhà tường sạch sẽ, ngăn nắp, chị L. đang vui vẻ chuẩn bị bữa cơm chiều cho cả nhà. Nhìn cảnh gia đình sum vầy, hạnh phúc, không ai nghĩ cả nhà chị, 3 người đều nhiễm HIV gần 14 năm nay. Năm 2003, khi đón nhận hung tin, chị L. và người thân khóc rất nhiều. Con chị mới ngoài 2 tuổi, da bọc xương, cháu chỉ bò, không đi nổi. Chị chuẩn bị sẵn sàng tâm lý "cả nhà cùng chết". Thời điểm đó, vợ chồng chị vừa cất nhà nên không còn tiền. Nhờ người thân động viên "còn nước còn tát", cả nhà đến TP Hồ Chí Minh điều trị. Lúc đó chưa có chương trình điều trị miễn phí nên hàng tháng chi phí tiền thuốc, khám, xét nghiệm cả gia đình khoảng 4-5 triệu đồng, chưa kể đi lại, ăn uống. May mắn là chị được người thân hỗ trợ chi phí. Năm 2006, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, TP Cần Thơ triển khai điều trị ARV miễn phí cho người nhiễm, cả nhà chị L. vui mừng vì được về "quê" điều trị. Chị L. cho biết: "Ba năm uống thuốc ở TP Hồ Chí Minh, con tôi hồi phục sức khỏe, ít bệnh lặt vặt nhưng không tăng cân. Khi về điều trị ở TP Cần Thơ, các chuyên gia nước ngoài hội chẩn, đổi thuốc điều trị nhiều lần, cháu "hợp thuốc" nên tăng cân, được tiếp tục đến trường". Con chị L đang học lớp 10 và năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến.

Bệnh nhân làm thủ tục nhận thuốc ARV do Tổ chức quốc tế cấp miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn.

Quá trình điều trị, chị L. tham gia các lớp chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân AIDS tại nhà; rồi lớp tập huấn hỗ trợ tuân thủ điều trị... do các dự án quốc tế tổ chức. Chị L. được chọn làm nhân viên hỗ trợ bệnh nhân ở phòng khám ngoại trú (chuyên điều trị cho bệnh nhân AIDS). Công việc của chị là đến nhà chăm sóc, rửa vết thương cho bệnh nhân AIDS. Đối với những bệnh nhân không tuân thủ điều trị, bỏ điều trị... chị đến nhà tìm hiểu, động viên, tư vấn. Chị L. cho biết: "Nhiều bệnh nhân ngại hỏi nhân viên y tế nhưng có thể tâm sự với tôi vì cùng cảnh ngộ. Chính vì thế, khi các dự án quốc tế triển khai hoạt động chăm sóc, điều trị, hỗ trợ bệnh nhân tại TP Cần Thơ, phần lớn đều chọn những người đang chung sống với HIV/AIDS tham gia". Sau khi được tập huấn, chị L. có kiến thức để chăm sóc gia đình cũng như hỗ trợ bệnh nhân. Hằng ngày, ngoài công việc ở phòng khám, chị L. nhận giúp việc nhà và may quần áo để có thêm thu nhập. Chị L. cho biết: "Nếu không được các tổ chức quốc tế hỗ trợ thuốc, chi phí xét nghiệm... và sự động viên, nhiệt tình điều trị của các bác sĩ, giờ này, cả nhà tôi không còn sống".

Không riêng chị L., nhiều bệnh nhân AIDS ở TP Cần Thơ đã có lại được cuộc sống bình thường nhờ các chương trình hợp tác, giúp đỡ của quốc tế. Hiện nay, toàn thành phố có trên 2.400 người được điều trị ARV. Tỷ lệ chuyển sang AIDS, tử vong và phát hiện nhiễm mới liên tục giảm nhiều năm liền. Quan trọng hơn, nhiều người dân hiểu về HIV/AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm như trước.

* Mô hình phù hợp

Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, năm 1992, lần đầu tiên, thành phố phát hiện trường hợp nhiễm HIV là thủy thủ Thái Lan. Năm 1993, phát hiện ca nhiễm là người Cần Thơ. Đến cuối năm 1996, Cần Thơ là 1 trong những tỉnh có người nhiễm HIV cao nhất cả nước. Để đáp ứng yêu cầu chăm sóc người nhiễm, năm 1997, tỉnh Cần Thơ với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, triển khai mô hình quản lý, chăm sóc, tư vấn tại cộng đồng và đẩy mạnh truyền thông. Thời điểm này, hình thái lây nhiễm HIV chủ yếu do quan hệ tình dục không an toàn, nên Cần Thơ triển khai chương trình "100% bao cao su" với nhiều hoạt động như: thi trưng bày bao cao su; xây dựng mạng lưới đồng đẳng viên tiếp cận đối tượng nguy cơ cao, truyền thông, tiếp thị xã hội bao cao su; hình thành và duy trì điểm bán bao cao su tại các tiệm tạp hóa, bi da, nhà nghỉ, khách sạn… Mô hình thành công, được Trung ương và các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Năm 2000, có sự gia tăng đột biến về tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy trẻ (trên 20% qua giám sát trọng điểm). Đặc biệt, lần đầu ghi nhận trường hợp 11 tuổi bị nhiễm HIV do tiêm chích ma túy - tín hiệu đe dọa sự xuất hiện của làn sóng dịch HIV/AIDS mới tại Cần Thơ. Đứng trước đại dịch, tỉnh Cần Thơ tích cực triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Trước hết là thông tin giáo dục truyền thông với các hoạt động: thiết kế, sản xuất tài liệu truyền thông, pa nô, áp phích; văn nghệ truyền thông tại cộng đồng; tiếp cận truyền thông trực tiếp các nhóm nghiện chích ma túy, gái mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới, dân di biến động và nam sinh viên. Song song đó, triển khai các chương trình: bao cao su - bơm kim tiêm; điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; chương trình tư vấn xét nghiệm HIV; chương trình chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS... Tỉnh Cần Thơ tổ chức các hoạt động đêm hội trăng rằm cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS dịp Tết Trung thu; hỗ trợ quà Tết, thăm và tặng quà cho bệnh nhân AIDS; đốt nến cầu nguyện cho những người chết do HIV/AIDS, góp phần giảm sự kỳ thị phân biệt đối xử đối với bệnh nhân và gia đình.

Kỹ sư Đinh Thanh Nam, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, cho biết: "Phần lớn hoạt động trên được các dự án hợp tác quốc tế với: Tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc tế (FHI); Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét; DKT, JICA, CDC; Ngân hàng thế giới (WB); Tổ chức Y tế thế giới (WHO); Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS); Tổ chức dịch vụ dân số thế giới (PSI)... hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật. Nguồn lực từ các dự án hợp tác quốc tế điều phối phù hợp với tình hình dịch HIV/AIDS ở các quận, huyện trong thành phố. Qua đó góp phần đưa TP Cần Thơ ra khỏi các tỉnh, thành phố có số người nhiễm HIV cao nhất cả nước". Ngoài ra, qua các đợt giám sát, hỗ trợ kỹ thuật từ các dự án, cán bộ phòng, chống HIV/AIDS từ tuyến thành phố đến quận, huyện có điều kiện làm việc, học hỏi kinh nghiệm với các chuyên gia. Giai đoạn 2003-2013, có năm kinh phí phòng, chống HIV/AIDS toàn thành phố hơn 20 tỉ đồng. Trong đó kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế chiếm 80-85%, phần còn lại là kinh phí từ Trung ương và địa phương.

* Nỗ lực duy trì thành quả

Với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, năm 2010, TP Cần Thơ không còn nằm trong danh sách 10 tỉnh, thành có số người nhiễm HIV/AIDS cao nhất nước. Theo số liệu báo cáo 9 tháng năm 2016, thành phố phát hiện mới 152 người nhiễm HIV, 143 người chuyển sang AIDS và 31 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2015, giảm 25 người nhiễm HIV (14,1%); giảm 32 bệnh nhân AIDS (18,3%); giảm 20 người tử vong (39,2%). Với kết quả này, Cần Thơ tiếp tục là 1 trong 10 tỉnh, thành phố có số người nhiễm HIV phát hiện mới giảm nhiều năm liền. TP Cần Thơ được Bộ Y tế chọn là 1 trong 2 tỉnh, thành trong cả nước triển khai thực hiện kế hoạch "Thành phố hướng tới mục tiêu 3 không về HIV/AIDS" (không có ca nhiễm mới; không có tử vong liên quan AIDS; không kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan HIV/AIDS); là 1 trong 2 tỉnh, thành triển khai "Sáng kiến thí điểm điều trị 2.0". Đồng thời TP Cần Thơ được Bộ Y tế đánh giá là điểm sáng thu hút các dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS.

Năm 2010, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình và năm 2014 các dự án phòng, chống HIV/AIDS của các tổ chức quốc tế bắt đầu cắt giảm kinh phí hỗ trợ. Năm 2016, tổng kinh phí phòng, chống HIV/AIDS toàn thành phố còn 45% so với năm 2013. Năm 2013, kinh phí phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ từ các dự án hợp tác quốc tế chiếm 76%, đến năm 2016 giảm còn 29%, chủ yếu tập trung các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao cho địa phương.

Bác sĩ Nguyễn Quang Thông, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, cho biết: "Thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt thành quả đáng kể nhờ sự góp phần rất lớn từ các tổ chức quốc tế. Qua đó xây dựng nền móng vững chắc cho công tác phòng, chống HIV/AIDS như: mạng lưới cán bộ, cộng tác viên được đào tạo, các cơ sở điều trị... Thành phố đang và sẽ tiếp tục duy trì, phát huy thành quả đó". Từ năm 2013, thành phố bắt đầu cấp kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để bù đắp phần thiếu hụt do các dự án quốc tế cắt giảm. Thành phố thực hiện chi trả phụ cấp cho nhân viên tiếp cận cộng đồng các nhóm nguy cơ cao, các cộng tác viên phòng, chống HIV/AIDS phường, xã; bố trí biên chế tại các cơ sở điều trị Methadone... Theo bác sĩ Nguyễn Danh Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, để kết thúc được dịch AIDS năm 2030, Cần Thơ tiếp tục củng cố quan hệ đối tác hợp tác với các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, hợp tác ở giai đoạn này có thể là các hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết