03/04/2022 - 08:37

Chào mừng Liên hoan Ðờn ca tài tử quốc gia lần thứ III - Cần Thơ 2022

Dấu ấn Cần Thơ trong tiến trình phát triển đờn ca tài tử Nam Bộ 

ÐĂNG HUỲNH

Tiếp theo loạt bài viết về quá trình hình thành, phát triển và những nghệ nhân tiền bối của nghệ thuật đờn ca tài tử (ÐCTT) Nam Bộ, Báo Cần Thơ giới thiệu bài viết về một vài dấu ấn, đóng góp của quê hương Cần Thơ trong tiến trình phát triển của loại hình nghệ thuật này. “Ôn cố tri tân” là cách các nghệ nhân tài tử Tây Ðô hôm nay tiếp bước tiền nhân, đem tiếng đờn lời ca làm rạng danh xứ sở.

Nghệ sĩ Nhà hát Tây Đô biểu diễn kịch bản cải lương của soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền. Ảnh: DUY KHÔI

Ban tài tử Ái Nghĩa - cái nôi từ miệt vườn

Trong quá trình tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển nghệ thuật ÐCTT, sân khấu cải lương Cần Thơ, chúng tôi có được nhiều tư liệu về Ban tài tử Ái Nghĩa, một trong những địa điểm quy tụ giới tài tử sinh hoạt, giao lưu sớm nhất ở Cần Thơ. Không quá lời khi gọi Ban tài tử Ái Nghĩa là cái nôi ÐCTT của Cần Thơ từ miệt vườn Phong Ðiền, bởi từ đây, nhiều nhân tài của ÐCTT đã được chắp cánh.

Tên gọi Ái Nghĩa được ghép từ hai làng nổi tiếng ở miệt vườn Phong Ðiền là Nhơn Ái và Nhơn Nghĩa. Ban tài tử Ái Nghĩa được hình thành vào đầu thế kỷ XX, nhiều người đoán định vào khoảng từ năm 1910-1915. Nơi đây quy tụ nhiều anh tài cầm - kỳ - thi - họa khắp nơi. Và sau này, họ là những người tiên phong của nghệ thuật ÐCTT, trở thành thầy của nhiều lớp hậu bối.

Chân dung cụ Mạnh Tự - Trương Duy Toản. Ảnh tư liệuChào

Người đầu tiên trong Ban tài tử Ái Nghĩa phải nhắc đến là ông Mạnh Tự - Trương Duy Toản, một trí thức yêu nước, chí sĩ của phong trào Duy Tân. Khoảng năm 1913-1914, cụ Trương Duy Toản bị chính quyền Pháp bắt khi hoạt động phong trào Duy Tân, sau thời gian ngồi tù thì được đưa về Phong Ðiền, Cần Thơ để giam lỏng, dưới chiêu bài “an trí”. Ðến nay, thời điểm cụ Trương Duy Toản bị “an trí” tại Phong Ðiền vẫn chưa được xác định rõ nhưng có thể đoán khoảng năm 1913-1915. 

Tại Phong Ðiền, cụ nhanh chóng kết thân với các chí sĩ yêu nước và nghệ nhân, tài tử. Cụ là một trong những thành viên đầu tiên, cốt cán của Ban tài tử Ái Nghĩa. Là trí thức, giỏi văn chương, cụ soạn bài ca cho các tài tử trong ban ca. Bài ca văn vẻ, lại nhiều điển cố, điển tích, mùi mẫn của cụ được tài tử rất mến mộ. Từ những bài ca nhỏ, cụ viết thêm bài ca dài, có thêm động tác, cử chỉ, cảm xúc… sau gọi là ca ra bộ (như các bài viết trước đã trình bày). Bài ca ra bộ đầu tiên của ÐCTT Nam Bộ tên “Bùi Kiệm thi rớt” chính là sáng tác của cụ.

Sau bài ca này, cụ lại lấy cảm hứng từ truyện thơ “Lục Vân Tiên” của cụ Ðồ Chiểu mà viết tiếp “Lão Quán ca”, “Vân Tiên mù”, “Khen chàng Tử Trực”, “Thương nàng Nguyệt Nga”… Những bài ca này sau đó được cụ tập hợp, kết hợp thêm văn nói, làm thành kịch bản đầu tiên của sân khấu cải lương với tên gọi “Lục Vân Tiên”. Trong công trình “Ðịa chí Văn hóa TP Hồ Chí Minh” có đoạn: “Trương Duy Toản đã từng hoạt động tích cực trong phong trào Duy Tân, có thời gian bị an trí ở Cần Thơ. Ở đó có ban nhạc tài tử Ái Nghĩa. Trong lúc nhàn rỗi, Trương Duy Toản soạn bài ca cho ban này ca chơi… Ông Trương Duy Toản là người đầu tiên sáng tạo ra hình thức ca ra bộ rồi hát chặp, hát lớp…”. 

Ban tài tử Ái Nghĩa còn đi giao lưu, hoạt động ở nhiều nơi, về sau kết hợp với nhóm ÐCTT nổi tiếng ở Bình Thủy lập nên Gánh hát cải lương Ái Nghĩa. Về chi tiết này, trong công trình “Ðịa chí Cần Thơ” có ghi thêm rằng, nhóm tài tử ở Bình Thủy do tài tử Tám Quắn làm chủ công. Người ta kể rằng, giọng ca của Tám Quắn còn hay hơn cả Bảy Cao, Năm Nghĩa, Út Trà Ôn… ở đất miền Tây. Theo GS. Viện sĩ, Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, ông Tám Quắn đờn cổ nhạc rất giỏi. Gánh hát cải lương Ái Nghĩa quy tụ những “cây đa cây đề”. Ðiển hình như nhạc sư Sáu Hóa vang danh trong giới tài tử, thầy đờn của nhiều đại bang cải lương danh tiếng với ngón đờn tranh. Nhạc sư Sáu Hóa còn gắn liền với giai thoại đờn cho vua Bảo Ðại nghe và được vua ngự ban cây đờn tranh quý báu. Trong gánh Ái Nghĩa còn có ông Sáu Cận và ông Tám Ðỏ - hai người anh ruột của ông Chín Ðiều - tức soạn giả Ðiêu Huyền, tác giả những vở cải lương vang danh “Tiếng hò sông Hậu”, “Gió bụi biên thùy”…

Tập Ích Ban - nơi “khởi nghiệp” của Hậu Tổ cải lương

Trong cuốn “Ðờn ca tài tử, sân khấu cải lương Cần Thơ” có đoạn viết: “Nhóm tài tử của ông Vương Có ở Thốt Nốt hình thành khoảng năm 1914-1915. Nhóm này có một số nghệ sĩ trụ cột: Trần Ngọc Ðảnh, Song Hỷ, Tư Bền, Bảy Nhiêu; các nhạc công: Chín Dinh (đờn tranh), Tư Hạnh (đờn kìm)”. Chi tiết này cho thấy, nhóm tài tử với nhiều gương mặt anh tài đã hình thành từ rất sớm ở Thốt Nốt.

Ông Vương Có là người gốc Hoa, chủ công-xi rượu Phước Hiệp. Cha ông Vương Có là Vương Thiệu - kép hát Tiều. Do có truyền thống từ gia đình, lại nhìn quanh các tỉnh miền Tây, nhiều gánh hát ăn nên làm ra như gánh Thầy Thận ở Sa Ðéc, gánh Thầy Năm Tú, gánh Ðồng Bào Nam ở Mỹ Tho, gánh Tân Thinh ở Sài Gòn… nên ông Vương Có nung nấu ý định lập gánh hát ở Thốt Nốt. Từ nhóm tài tử đã định hình với những gương mặt nghệ nhân, nghệ sĩ tên tuổi, ông Vương Có lập ra gánh Tập Ích Ban.

Về thời điểm khai trương gánh, trong hồi ký “Những nỗi vui buồn trong đời đi hát” của nghệ sĩ Bảy Nhiêu, người Thạnh Hòa - Trung Nhứt, Thốt Nốt, kép chánh của Tập Ích Ban, có ghi: “Ðoàn Tập Ích Ban khai trương ngày 18-10-1921 ở Thốt Nốt. Tôi được lãnh 17 đồng 1 tháng nhưng gia đình lại khóc lu bù… vì tôi theo gánh luôn…”. Theo tác giả Nhâm Hùng trong cuốn “Soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền (1876-1953) Hậu Tổ nghệ thuật cải lương”, Tập Ích Ban lập ra theo lối cổ phần. Ông Vương Có gánh vác việc chung, ứng trước 3.000 đồng chi phí, số người khác thì hùn công. Gánh phân công: ông Vương Có làm bầu gánh, ông Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền làm thầy tuồng, ông Nguyễn Bá Phương làm quản lý, kép chánh là nghệ sĩ Bảy Nhiêu và ban đờn do ông Trần Ngọc Ðảnh phụ trách.

Chân dung soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền đang được hậu duệ thờ. Ảnh: DUY KHÔI chụp lại

Lúc đầu, Tập Ích Ban dù còn hát theo kiểu chặp nhưng có đầy đủ tuồng tích, phục trang đẹp, sân khấu có cảnh trí nên thu hút người xem. Ông Nguyễn Trọng Quyền lúc này còn làm Hương quản, gọi là Hương quản Quyền, sau vì muốn trọn lòng với gánh mà ông đệ đơn xin thôi làm Hương quản.

Theo tác giả Nhâm Hùng, thời điểm những năm 1920, việc bỏ ra 3.000 đồng để lập gánh hát “là điều hết sức dũng cảm”, bởi số tiền ấy tương đương đến 6.000 giạ lúa - gần bằng 3 tỉ đồng bây giờ. Theo giao kèo, cụ Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền mỗi tháng soạn 1 tuồng, bán đứt cho ban với giá 150 đồng - con số không nghề nhỏ nếu nói kiểu bây giờ là “tiền tác quyền”. Tác giả Nhâm Hùng kể thêm: “Thời gian đầu, soạn giả Mộc Quán chịu trách nhiệm làm thầy tuồng trông coi tập tuồng tại chỗ, nhưng không đi theo gánh, vì chưa được nghỉ việc làng. Riêng kép nhứt Bảy Nhiêu được lãnh 17 đồng/tháng, sau tăng dần đến 50 đồng/tháng. Các đào, kép khác từ 10-12 đồng/tháng”.

Từ gánh hát Tập Ích Ba, soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền nổi lên như một ngôi sao sáng. Giỏi soạn tuồng, biết đưa bài ca mới lạ vào kịch bản rồi lại giỏi tập luyện, chỉ bảo cho nghệ sĩ, hàng loạt kịch bản của cụ đến giờ trở thành mẫu mực, kinh điển của sân khấu cải lương. Cụ lại là người nhân đức, sống lễ nghĩa, được nghệ sĩ khắp nơi kính trọng. Vậy nên, cụ được hậu thế xưng tụng là Hậu Tổ cải lương.

Có thể nói, từ Tập Ích Ban, một gánh hát nổi lên từ nhóm tài tử ở Thốt Nốt, đã phát hiện và vun bồi bậc Hậu Tổ cải lương. Ðóng góp đó của Cần Thơ với nghệ thuật sân khấu nước nhà thật lớn lao và đáng tự hào!l

--------

Tài liệu tham khảo:

- “Địa chí Cần Thơ”, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Cần Thơ, 2002

- “Đờn ca tài tử, sân khấu cải lương Cần Thơ”, Thái Ngọc Anh, NXB Đại học Cần Thơ, 2014

- “Soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền (1876-1953) Hậu Tổ nghệ thuật cải lương”, Nhâm Hùng, NXB Đại học Cần Thơ, 2018

Chia sẻ bài viết