Vùng đất rừng U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau, nơi in đậm dấu ấn lịch sử hào hùng và mất mát đau thương trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc ta. Giờ đây, vùng đất này đã và đang phát triển mạnh mẽ, viết tiếp nên câu chuyện về tinh thần vươn lên trong thời bình.
.webp)

Xã Khánh Lâm được đầu tư về hạ tầng giao thông nông thôn.
Vùng căn cứ anh hùng
Từ trung tâm thị trấn U Minh, chúng tôi đi trên đường nhựa rộng 8m về xã Khánh Lâm, huyện U Minh. Hai bên đường là những ngôi nhà tường khang trang san sát, phía sau là những cánh đồng lúa - tôm cho thu nhập ổn định, xa xa là những vạt rừng tràm, keo lai xanh mướt. Cùng đi trên xe để về khu vực kinh Dớn Hàng Gòn (ấp 3, xã Khánh Lâm), ông Huỳnh Văn Chiến (Năm Chiến, du kích xã Khánh Lâm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ) chia sẻ rằng, thời chiến, đồn địch đóng tứ phía, cứ sau mỗi đợt đưa quân vào đánh rút ra thì ngay sau đó, pháo địch ở các đồn, tàu chiến ngoài biển nã vào, trên không máy bay thả bom liên tiếp. Cứ thế, khu vực kinh Dớn Hàng Gòn chịu bom đạn giày xéo liên tục, nhưng đau xót nhất là năm 1969, máy bay B52 của địch rải bom đã gây mất mát lớn cho đồng bào ta. Cả khu vực dài khoảng 2km, trải rộng, bị tàn phá tan hoang, nặc nồng mùi thuốc súng. Vụ ném bom khiến 65 người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương. Như gia đình ông Hai Ẩn có 4 người thiệt mạng toàn bộ. Không có ván gỗ, bà con tập trung lại, lấy ván xuồng đóng quan tài mà không đủ để đưa tiễn đồng bào, nhiều người phải chôn chung 1 quan tài.
“Mất mát, đau thương càng khơi dậy tinh thần chiến đấu kiên trung của anh em chúng tôi. Ngày đó không nghĩ đến chết chóc, cứ thế chiến đấu hết mình để giải phóng dân tộc. Anh em chung một lý tưởng, bà con chung một lòng...” - ông Năm Chiến nói.
Ông Dương Văn Bé (Ba Bé, du kích địa phương) kể: “Mấy má nuôi bộ đội như nuôi con. Bộ đội bị thương, gởi dân nuôi, có gì bà con cũng dành cho. Quân với dân gắn bó, nhờ nhân dân đùm bọc, bộ đội mới đánh giặc được. Đi tới đâu đói bụng là dân nấu cơm cho ăn, không kể ngày đêm. Mấy má, mấy chị lúc nào cũng hết lòng, thấy bộ đội là làm gà, vịt cho ăn. Rất thân thương!”.
Ông Ba Bé cũng kể lại chiến công của ông Phan Văn Thuấn bằng giọng đầy tự hào. Trong một trận đánh ác liệt, ổ bụng ông Thuấn đầy vết thương, ông cột khăn ngang bụng tiếp tục chiến đấu đến khi ngất xỉu tại chỗ. Đồng đội cõng về, may gặp được y sĩ dọc đường, phẫu thuật tại chỗ với 9 đoạn ruột bị thủng. Ông Thuấn thoát chết, trở thành biểu tượng của người lính anh dũng diệt giặc để người dân vùng đất rừng U Minh noi theo.
“Đất lửa” chuyển mình
Ngày nay, khu vực kinh Dớn Hàng Gòn còn “bia căm thù”, ngày 11-9 hằng năm, bà con tổ chức lễ tưởng nhớ những người đã mất trong trận máy bay B52 ném bom. Khi những cựu chiến binh như ông Ba Bé, Năm Chiến ngồi lại với nhau, họ nhớ về đồng bào đã ngã xuống khi xưa, kể về những giây phút ác liệt của cuộc chiến... và rồi chia sẻ những mô hình kinh tế hiệu quả, những cách làm hay để cùng vươn lên. Tinh thần cách mạng của những người lính khi xưa vẫn còn đó, nhưng ý chí vượt khó giờ đây được vận dụng vào mặt trận phát triển kinh tế. Năm nay đã gần 80 tuổi nhưng ông Ba Bé vẫn chăn nuôi, làm ruộng vườn. “Thống nhất đất nước, tôi về sống trên phần đất 2ha của ông bà. Làm ruộng, chăn nuôi mỗi năm cũng có thu nhập hơn 200 triệu đồng. Đất nước hòa bình, kinh tế vùng này dần ổn định và phát triển, đời sống bà con khấm khá hơn trước rất nhiều” - ông Ba Bé nói.
.webp)
“Bia căm thù” - nơi tưởng nhớ những người đã mất trong trận máy bay B52 ném bom tại U Minh Hạ.
Vùng căn cứ cách mạng bao gồm xã Khánh Lâm, Khánh Hòa, Khánh Hội và Khánh Tiến cũng đã được đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng. Các hộ có công với cách mạng được quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Đất rừng U Minh Hạ 50 năm trước bị bom đạn tàn phá nặng nề, xóm làng điêu tàn, rừng cây xác xơ, nhưng với tinh thần tự lực, tự cường, những người con đất rừng đã bắt tay vào công cuộc khôi phục và xây dựng quê hương. Ngày nay, những cánh rừng xanh bạt ngàn trải rộng, gắn liền với đó là nghề gác kèo ong truyền thống - nghề Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; còn có những dòng kênh thơ mộng, những vườn tràm nguyên sinh đầy tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và cũng đang là những điểm đến hấp dẫn du khách. U Minh Hạ cũng đầy triển vọng phát triển lâm nghiệp, cùng với đó là sự trù phú về nông nghiệp, thủy sản.
Ông Trần Quốc Sự, Phó chánh Văn phòng UBND huyện U Minh, cho biết: “Thời chiến U Minh là vùng căn cứ cách mạng, đây cũng là nơi thể hiện truyền thống, tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. U Minh hiện nay vẫn phát huy truyền thống, thể hiện sự nhất trí, đồng lòng trong phát triển. Nhắc đến U Minh người ta còn nhắc đến khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm Khánh An, đây là một trong những khu công nghiệp lớn của tỉnh, vùng ĐBSCL. Ngoài khu công nghiệp này, huyện cũng quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng của huyện đều đảm bảo các chỉ tiêu”.
U Minh Hạ đã và đang hồi sinh mạnh mẽ, trở thành vùng đất giàu tiềm năng. Kinh tế - xã hội của huyện U Minh đang phát triển khá toàn diện. Từ năm 2009 đến nay, huyện đã xây dựng hơn 3.000 căn nhà cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 của huyện là 16,7%; cuối năm 2024 huyện còn 723 hộ nghèo, chiếm 2,7%. Câu chuyện về vùng đất rừng U Minh Hạ vươn mình là minh chứng cho sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý chí vươn lên của người dân vùng đất rừng nói riêng và của người dân vùng đất cực Nam Tổ quốc - Cà Mau, nói chung.
Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: Trong 2 cuộc trường kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, U Minh Hạ là vùng căn cứ của Tỉnh ủy, Khu ủy, Trung ương cục Miền Nam. Các đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp đã từng bám trụ nơi đây để lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam trong những năm chiến tranh ác liệt nhất. Đã có hàng ngàn người con đất rừng tòng quân đánh giặc, góp phần làm thất bại Chiến lược chiến tranh “cục bộ”, chiến tranh “đặc biệt”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, bẻ gẫy chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh” của Mỹ - ngụy, đi đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị - một nghị quyết lịch sử về cách mạng miền Nam đã được đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn soạn thảo trên vùng đất rừng U Minh Hạ. |
Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA