10/03/2012 - 20:51

Đất đô thị bị "bỏ hoang"

Nhà máy, xí nghiệp chưa biết bao giờ hoàn thành, nhưng hiện tại đất nông nghiệp đã trở thành “đất hoang”.

Khu đô thị mới Nam Cần Thơ theo điều chỉnh quy hoạch mới dự kiến sẽ nâng diện tích lên trên 3.200ha, trở thành khu đô thị lớn, hiện đại nhất ĐBSCL trong tương lai. Hiện nay, tại khu đô thị này đã hình thành khoảng 10.000 căn nhà tại các dự án khu dân cư, hàng chục ngàn nền nhà đủ cơ sở hạ tầng; nhiều nhà máy, xí nghiệp lớn nhỏ đã hình thành ở khu công nghiệp Hưng Phú (khu 1 và 2); dân cư sinh sống đông đúc và ngày một nhiều hơn khi chất lượng và điều kiện sống nơi đây ngày càng tốt hơn...

Tuy nhiên, điều mà nhiều người trăn trở mỗi khi qua khu đô thị - tuyến đường Nam sông Hậu là đất nông nghiệp trong thời kỳ “quá độ” (không xác định thời gian hoàn thành) này lại biến thành “đất hoang”, không người trồng trọt. Ông Hai Ngon, một nông dân cố cựu ở vùng đất Bến Bạ, thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng, cho biết: “Đất ở đây đa phần “dính” vô quy hoạch hết rồi chú ơi. Có nhà đã nhận tiền đền bù rồi, có nhà chưa, người nhận đền bù rồi cứ bỏ đất hoang, người có đất sát ranh cũng không canh tác được. Làm lúa thì chuột bọ cắn phá hết, trồng rẫy thì không còn đê bao để giữ nước tưới tiêu. Đành phải bỏ hoang thôi(!)”.

Đứng trên tầng cao nhất của tòa nhà Tây Nguyên Plaza nhìn xuống, sông Hậu mênh mông nước, cây xanh um tùm, nhưng hầu hết đều là vườn cây tạp, ruộng lúa chẳng còn là bao, phần lớn cỏ dại lấn chiếm... Đem những băn khoăn này chia sẻ với một nhà đầu tư ở khu Nam Cần Thơ (xin được giấu tên), ông bảo: “Cứ để hoang như vậy sẽ dễ đền bù...”. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án khu đô thị Nam Cần Thơ, toàn khu hiện có diện tích 2.100 ha (chưa điều chỉnh quy hoạch), thì mới có khoảng 1.500ha có nhà đầu tư, trong đó diện tích giải phóng mặt bằng chỉ đạt khoảng 60-80% diện tích, tùy dự án. Từ con số này cũng không khó để mường tượng ra diện tích đất nông nghiệp không thể khai thác hiệu quả hoặc có nơi bỏ hoang là bao nhiêu.

Ở các nước tiên tiến trên thế giới, nơi nào không thể trồng lúa được, họ mới chuyển sang làm công nghiệp, sân golf... Còn vùng đất ven sông Hậu không chỉ phù sa mầu mỡ mà còn thuận lợi đường thủy, đường bộ để chuyển sang công nghiệp, đô thị. Đất lúa bị mất ngày càng nhiều là một thực tế đáng báo động. Nông dân cao tuổi khi bị đô thị hóa sẽ rất khó chuyển đổi nghề nghiệp vì họ đã quen tác phong nông nghiệp. Còn thanh niên ít học nếu không có đất làm ruộng hoặc không thể chuyển sang trồng cây khác, hay mục đích khác, họ chỉ còn có nước kéo nhau lên thành thị làm công. Chính vì vậy, trong giai đoạn “quá độ” lên đô thị hóa - công nghiệp hóa này, chính quyền địa phương cần có chính sách cùng với các nhà đầu tư dự án làm sao tạo điều kiện cho nông dân sử dụng đất, hạn chế thấp nhất tình trạng bỏ đất hoang trong khi nông dân không có đất để canh tác. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhiều lần phát biểu trên các diễn đàn, phải bằng mọi cách để giữ lại diện tích đất nông nghiệp, nếu chuyển đổi phải xem xét (đất tốt hay xấu) để quy hoạch phù hợp. Bởi nông nghiệp - cây lúa không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, mà còn để người nông dân tồn tại, bảo vệ được môi trường sống...

AN KHÁNH

Nhà máy, xí nghiệp chưa biết bao giờ hoàn thành, nhưng hiện tại đất nông nghiệp đã trở thành “đất hoang”.

Chia sẻ bài viết