24/05/2022 - 10:21

Tín dụng ưu đãi phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Đáp ứng kịp thời, đúng đối tượng 

Bài, ảnh: MỸ THANH

Ngày 30-1-2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình (Nghị quyết số 11/NQ-CP). Từ đó, nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được ban hành; trong đó có các chính sách tín dụng ưu đãi cho đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Sau gần 4 tháng triển khai, các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã phát huy hiệu quả...

Lao động làm việc tại Công ty TNHH Quốc tế Tri Việt.

Nỗ lực

Ngay sau khi Nghị quyết số 11/NQ-CP ra đời, NHCSXH đã ban hành kế hoạch số 933/KH-NHCS triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP. Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH, cho biết: "Tổng nguồn vốn vay trong năm 2022 dự kiến là 19.000 tỉ đồng. Căn cứ nhu cầu các địa phương, NHCSXH kịp thời giao chỉ tiêu kế hoạch từng chương trình tín dụng chính sách. Ðến nay, NHCSXH đã giải ngân 2.319 tỉ đồng của các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Trong đó, cho gần 40.000 khách hàng vay 2.033 tỉ đồng hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho 12.554 khách hàng vay 146 tỉ đồng mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; cho 794 khách hàng vay 140 tỉ đồng mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 320 triệu đồng, với 4 khách hàng".

Theo ông Ðào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sau khi Nghị quyết số 11/NQ-CP ban hành, chỉ trong khoảng 1 tháng, NHCSXH đã giải ngân đạt 2.190 tỉ đồng đến các đối tượng thụ hưởng. Song song với các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, NHCSXH còn giải ngân các chương trình, chính sách tín dụng khác và đạt kết quả tích cực. Ðây là nỗ lực rất đáng ghi nhận. Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ xây dựng và trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng ưu đãi đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua NHCSXH. Ðến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành nhiệm vụ được giao thông qua phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NÐ-CP về chính sách tín dụng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Ông Nguyễn Ðức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết: Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ Tài Chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 448/QÐ-TTg về chương trình quản lý nợ công giai đoạn 2022-2024 và kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022. Trong đó phê duyệt mức bảo lãnh phát hành trái phiếu đối với NHCSXH năm 2022 tối đa là 20.400 tỉ đồng. Ðây là cơ sở để NHCSXH huy động, tạo lập nguồn lực tài chính phục vụ chương trình. Bộ Tài chính cũng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 05/QÐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QÐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Ðồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.

Tiếp tục đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Nghị quyết  số 11/NQ-CP còn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu giải ngân cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 dự kiến là 19.000 tỉ đồng. Do đó, nhiệm vụ huy động trái phiếu của NHCSXH từ nay đến cuối năm là rất lớn. Trong khi đó, thị trường tài chính, thị trường vốn có nhiều biến động, lãi suất có chiều hướng tăng. Bên cạnh các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết  số 11/NQ-CP, NHCSXH còn quản lý nhiều chương trình khác, trong đó nhiều chương trình dư nợ cao, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Ðiều này tạo áp lực lớn cho NHCSXH về quản lý, theo dõi thu hồi nợ, giải ngân cho vay đối với các chính sách để đảm bảo hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Ông Huỳnh Văn Thuận cho biết: Thời gian tới, NHCSXH tập trung thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch dư nợ các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP; kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh kế hoạch từ các chương trình cho vay có tiến độ giải ngân thấp sang chương trình có tiến độ giải ngân nhanh, nhu cầu lớn. NHCSXH cũng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan quan tâm, tạo điều kiện để NHCSXH phát hành thành công trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh số tiền 20.400 tỉ đồng đảm bảo đủ nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Ðể các chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, ông Ðào Minh Tú đề nghị Ủy ban Dân tộc, Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư hướng dẫn các địa phương xác nhận, phê duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách. Chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH để tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, đảm bảo nguồn vốn ưu đãi nhanh chóng, kịp thời đến đúng đối tượng hỗ trợ. Một số ý kiến đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, xác định nhu cầu vốn các chính sách cho vay ưu đãi qua NHCSXH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP cho từng năm 2022 và 2023. Ðồng thời, dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cùng với nguồn vốn Trung ương thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP trên địa bàn.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị NHCSXH tiếp tục cho vay kịp thời, đúng đối tượng, minh bạch, khách quan nguồn vốn ưu đãi thực hiện các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Dân tộc, Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư hướng dẫn theo Nghị định số 28/2022/NÐ-CP  về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để NHCSXH ban hành văn bản hướng dẫn làm cơ sở thực hiện. Ủy ban MTTQVN các cấp, đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành chỉ đạo, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách cho vay cũng như nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng vay vốn của người dân; tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình triển khai chính sách đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Chia sẻ bài viết