09/10/2023 - 09:16

Đào tạo nghề chất lượng cao 

Những năm qua, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của TP Cần Thơ phát triển, mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề và lĩnh vực đào tạo. Ðể nâng cao chất lượng, các cơ sở GDNN đẩy mạnh công tác tuyển sinh song hành với đầu tư các nguồn lực phục vụ giảng dạy.

Một buổi học của sinh viên Trường CĐ nghề Cần Thơ.

Một buổi học của sinh viên Trường CĐ nghề Cần Thơ.

Tín hiệu vui từ tuyển sinh

Sinh viên Nguyễn Thị Hồng Hạnh (quê ở huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ), đang theo học ngành Công nghệ thực phẩm, Trường Cao đẳng (CÐ) Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: “Sau khi tốt nghiệp THPT, em đăng ký học cao đẳng, vì phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế gia đình và dễ tìm việc”. Còn sinh viên Nguyễn Văn Nguyên, ngành Công nghệ thông tin, Trường CÐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, bày tỏ em chọn học cao đẳng thời gian học ngắn, sớm tham gia thị trường lao động; sau đó vừa làm, vừa học liên thông bậc cao hơn.       

Những năm gần đây, việc cho con em học nghề sau khi tốt nghiệp phổ thông dần không còn tạo sự băn khoăn trong xã hội. Quan niệm vào đại học là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp cũng dần thay đổi. Ths Lê Hoàng Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường CÐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết hiện nay phụ huynh, người học dần có quan niệm thoáng hơn về việc bằng mọi cách vào đại học, vì nhiều thí sinh có điểm học bạ, thi tốt nghiệp THPT khá cao, nhưng vẫn chọn học cao đẳng. Sinh viên học cao đẳng trong 3 năm; sau khi ra trường có thể vừa làm, vừa học để liên thông lên trình độ cao hơn. “Năm 2023, trường tuyển sinh 20 ngành bậc cao đẳng, 14 ngành bậc trung cấp, với tổng chỉ tiêu 2.120 sinh viên. Ðến nay, số lượng các em đã đăng ký và trúng tuyển cao hơn so với chỉ tiêu tuyển. Qua hai lần xác nhận nhập học, khoảng 90% thí sinh đã xác nhận vào học tại trường”, Ths Lê Hoàng Thanh nói.

Câu chuyện trên là kết quả của việc nhiều năm qua các cơ sở GDNN trên địa bàn TP Cần Thơ đổi mới, đầu tư, nâng chất trong công tác mở rộng quy mô, đa dạng hóa chương trình đào tạo, đẩy mạnh hướng nghiệp và tuyển sinh. Nhờ đó, tỷ lệ tuyển sinh hằng năm của các trường luôn ổn định, đạt chỉ tiêu đề ra. Tuyển sinh năm 2023 đến hiện nay, các trường CÐ tuyển đạt trên 80% tổng chỉ tiêu tuyển sinh là: CÐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, CÐ Nghề Cần Thơ, CÐ Du lịch Cần Thơ... Theo Ths Nguyễn Minh Thơ, Hiệu trưởng Trường CÐ Du lịch Cần Thơ, tuyển sinh năm 2023 đến nay, trường có 317 thí sinh trúng tuyển vào các ngành nghề CÐ, trung cấp chính quy. Trong đó, có 238 học sinh, sinh viên nhập học chính thức, đạt 91,5% chỉ tiêu. Nhà trường tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển đến tháng 10-2023.  

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Sự kiện Trường CÐ Nghề Cần Thơ được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở GDNN mới đây, đã khẳng định vị thế, chất lượng đào tạo của trường nói riêng, lĩnh vực GDNN của thành phố nói chung. Chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cho Trường CÐ nghề Cần Thơ là minh chứng về đảm bảo mức độ đáp ứng mục tiêu GDNN theo yêu cầu của Luật Giáo dục. Ðây là trường CÐ đầu tiên tại TP Cần Thơ nhận được giấy chứng nhận này; đồng thời còn có 2 chương trình đào tạo nghề bậc CÐ (Ðiện Công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí) đạt chuẩn kiểm định chất lượng, nâng tổng số 3 chương trình của trường được công nhận. Ths Trang Vũ Phương, Hiệu trưởng Trường CÐ nghề Cần Thơ, cho biết trường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 1 trong 40 trường trọng điểm cả nước; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt 8 nghề trọng điểm (5 nghề quốc tế và 3 nghề ASEAN). Thời gian qua, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện đầu tư của trung ương và địa phương, tập thể nhà trường nỗ lực vượt khó khăn, từng bước thực hiện theo các mục tiêu đề ra.   

Tại sự kiện của Trường CÐ Nghề Cần Thơ, bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, nhấn mạnh hiện nay xã hội rất quan tâm và kỳ vọng với sự nghiệp đào tạo nghề, đây là thách thức nhưng cũng là một cơ hội rất lớn để các cơ sở dạy nghề trong cả nước nói chung và Trường CÐ Nghề Cần Thơ nói riêng tự khẳng định vượt lên phía trước. Vì thế, nhà trường chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên; thường xuyên cải tiến, đổi mới phương pháp dạy và học, chú trọng luyện kỹ năng thực hành, bảo đảm học đến đâu thạo nghề đến đó. Tập trung đào tạo các ngành, nghề mà doanh nghiệp, xã hội cần, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố; tăng cường liên kết đào tạo với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên… nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội.

Từ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, địa phương trong nhiều năm qua, hệ thống các cơ sở GDNN trên địa bàn TP Cần Thơ ngày càng được hoàn thiện về cơ sở vật chất, nguồn lực giảng viên. Các trường cũng đã thực hiện nhiều giải pháp như ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, dạy - học; cập nhật, điều chỉnh chương trình, tăng thời lượng thực hành... Các trường còn chủ động tăng cường gắn kết doanh nghiệp trong đào tạo, thực hành. Ðây là mũi đột phá khi các trường gửi giảng viên đến doanh nghiệp tiếp cận thực tế sản xuất, đưa sinh viên đến thực tập và nhận phản hồi về chương trình đào tạo để điều chỉnh phù hợp thực tiễn. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp ở nhiều cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố đạt từ 90% trở lên. Theo Ths Lê Hoàng Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường CÐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, trường hiện đang phối hợp, ký kết hợp tác với hơn 70 đơn vị, doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm; tổ chức ngày hội việc làm sinh viên… 

TP Cần Thơ hiện có 69 cơ sở GDNN (trong đó 14 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp); đặc biệt, có 11 trường được lựa chọn đầu tư với 41 ngành nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và cấp quốc gia. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, các cơ sở GDNN trên địa bàn thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Ðồng thời, tiếp tục đổi mới, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng các nghề trọng điểm đạt trình độ các nước khu vực ASEAN và thế giới theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình số 25-CTr/TU của Thành ủy Cần Thơ, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85-90%, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt tối thiểu 85%.

Bài, ảnh: ÐẶNG NGỌC

Chia sẻ bài viết