03/01/2013 - 23:18

Đánh thức tiềm năng kinh tế biển ĐBSCL

* GIA BẢO- MINH HUYỀN

Bài cuối: Chiến lược đi kèm quyết tâm

Ðột phá tư duy, đột phá chiến lược theo hướng nào và cơ chế chính sách ra sao để phát triển hiệu quả hơn kinh tế biển ở ÐBSCL là một bài toán khá nan giải. Theo các nhà chuyên môn, nhà khoa học, việc lựa chọn chính sách và ban hành chính sách cần dựa trên thực tế của sự phát triển. Hiện nay, các địa phương ÐBSCL đã xác định chiến lược để vực dậy kinh tế biển, trong điều kiện sản xuất nông nghiệp nhiều rủi ro, tác động của biến đổi khí hậu.

Ðột phá từ chính sách

 Tàu biển neo đậu tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: MỸ THANH

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh quốc tế, hình thức khu kinh tế (KKT) ven biển tự do sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn kinh tế lớn hội tụ và hoạt động. Cần lựa chọn một vài khu để xây dựng thành KKT tự do ven biển với những điểm chung: thể chế hiện đại, áp dụng luật pháp quốc tế, nguồn lực phát triển đa dạng, mức độ tập trung cao, thời gian xây dựng ngắn… Về mặt ý tưởng, tư duy chiến lược, không nên hoàn toàn sáng tạo ra mô hình mới "của ta" mà có thể lựa chọn, áp dụng những mô hình sẵn có của thế giới. Để tạo lực đẩy cho các KKT ven biển phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn 5 KKT ven biển: Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Đình Vũ- Cát Hải (TP Hải Phòng), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh) và KKT đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới (tỉnh Kiên Giang) đầu tư bằng ngân sách nhà nước (tối đa 65%) giai đoạn 2013 -2015.

Hiện nay, các KKT ven biển ĐBSCL dù còn nhiều khó khăn, nhưng tất cả đều đã sẵn sàng kế hoạch nhập cuộc. Ông Nguyễn Minh Ái, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Cà Mau cho rằng, định hướng phát triển thành KKT tổng hợp, đa ngành, KKT Năm Căn có khả năng thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn, quan trọng và có sức lan tỏa tới sự phát triển kinh tế- xã hội khu vực ĐBSCL. Đã có nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu và có ý định đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu tại Năm Căn; xây dựng khu dự trữ khí hóa lỏng cung cấp nhiên liệu cho vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Hiện nay, dự án công nghiệp tàu thủy đang triển khai và sẽ mở rộng thời gian tới, nên KKT Năm Căn có khả năng thu hút các dự án sửa chữa, bảo dưỡng tàu biển, lắp ráp giàn khoan thăm dò dầu khí… Dự án dịch vụ cảng biển trên cơ sở đầu tư nâng cấp mở rộng cảng Năm Căn, phát triển dịch vụ hậu cần nghề biển. Đặc biệt với lợi thế của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là Khu Ramsar thế giới, nên KKT Năm Căn có thể là trung tâm điều hành du lịch sinh thái rừng ngập mặn ven biển và du lịch biển. Tỉnh đang phối hợp cùng các bộ, ngành Trung ương lập Đồ án quy hoạch chung xây dựng KKT Năm Căn đến năm 2030…

Còn KKT Định An sẽ có cảng nước sâu cho tàu 100.000 DWT và kho bãi chứa hàng cho các địa phương ĐBSCL. Riêng tỉnh Cà Mau đang trình Chính phủ cho phép đầu tư cảng nước sâu tại Hòn Khoai để kết hợp cùng các cảng khu vực khai thác vận tải biển, làm dịch vụ hậu cần nghề biển… Trong xu thế phát triển toàn cầu, vận tải biển được xem là ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng trong thời kỳ mở cửa và hội nhập để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trên trường quốc tế. Nếu hệ thống cảng vùng ĐBSCL được đầu tư đồng bộ sẽ tạo nên cực phát triển quan trọng cho cả nước và đưa ĐBSCL tiến nhanh ra biển.

Theo quy hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, khu vực ĐBSCL thuộc nhóm cảng biển số 6. Khả năng bốc dỡ thiết kế đến năm 2015 đạt 50 - 70 triệu tấn/năm, đến năm 2020 đạt 132 - 152 triệu tấn/năm và đến năm 2030 đạt 216 - 305 triệu tấn/năm. Trong số này, nhóm cảng loại 1 (nhóm cảng đầu mối, khu vực) là cụm cảng Cần Thơ gồm: Cái Cui, Trà Nóc và Hoàng Diệu, và số còn lại là loại II và cảng chuyên dùng. ĐBSCL cần một cảng biển nước sâu, công suất lớn để xuất khẩu hàng hóa trực tiếp mà không trung chuyển lên TP HCM, giải quyết vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu địa điểm xây dựng tại ĐBSCL, vừa tăng hiệu quả xuất khẩu, vừa có thể giúp thu ngân sách địa phương thông qua thuế và lệ phí.

Hình thành Trung tâm nghề cá vùng

Bên cạnh các KKT ven biển đang gấp rút mời gọi đầu tư hạ tầng thì ý tưởng hình thành Trung tâm nghề cá tại TP Cần Thơ đang tiến hành để khơi dậy tiềm năng KKT biển cho vùng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)Vũ Văn Tám, nói: "Để phát triển thủy sản ở ĐBSCL bền vững cần nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp quan trọng là kết nối và phân công nhiệm vụ giữa các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Ý tưởng đưa ra là xây dựng trung tâm nghề cá cho vùng, lấy Cần Thơ là trung tâm. Điều này phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ. TP Cần Thơ được xem là đầu mối về giao thông, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm thương mại… của vùng sẽ thuận lợi trong mời gọi đầu tư, nhất là mời gọi các dịch vụ hậu cần phục vụ cho nghề cá". Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, vấn đề vốn đầu tư sẽ thể hiện cụ thể thông qua các quy hoạch, các đối tượng nuôi chủ lực của ĐBSCL, thứ hai là phụ thuộc danh mục các dự án mà các địa phương đưa ra. Hiện nay, ngành thủy sản là một trong những ngành nhận rất ít nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhưng lại đi đầu về việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn được phân bổ. Do vậy, cần hướng tới kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho ngành thủy sản. Muốn làm được điều này phải có quy hoạch rõ ràng, ổn định và có chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp. Trong quy hoạch của Bộ NN&PTNT, tới đây cả nước sẽ có 5 trung tâm nghề cá gắn với 5 ngư trường trọng điểm; TP Cần Thơ là trung tâm thứ 6 với đặc thù riêng biệt (không gắn với ngư trường), nhiệm vụ chính là phục vụ cho vùng nuôi trồng thủy sản ĐBSCL và kết nối với tỉnh Kiên Giang- địa phương có kinh tế biển, hậu cần nghề cá phát triển khá mạnh; đồng thời là ngư trường đánh bắt thủy hải sản trọng điểm trên vùng biển Tây.

PGS-TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Trung tâm nghề cá vùng ĐBSCL tại Cần Thơ sẽ trở thành cực thu hút đầu tư và tạo động lực cho ngành thủy sản của vùng phát triển năng động, bền vững. Với vai trò trung tâm nghề cá, TP Cần Thơ sẽ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất và xuất khẩu, trung chuyển hàng hóa thủy sản gắn với các cụm công nghiệp chế biến sâu với công nghệ hiện đại. Và là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển ngành thủy sản của vùng, quốc gia. Đặc biệt, với vị trí trung tâm vùng, TP Cần Thơ sẽ đảm nhiệm chức năng trung tâm thông tin, xúc tiến thương mại thủy sản, kết nối các nhà đầu tư trong và ngoài nước tạo thế mạnh chuyên biệt trong lĩnh vực thủy sản. Tuy nhiên, TP Cần Thơ cần được đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực hệ thống quản lý và kiểm định chất lượng hàng hóa thủy sản, phát triển các trung tâm dịch vụ thủy sản để hỗ trợ tích cực cho các địa phương lân cận và các nhà đầu tư.

Theo kế hoạch, Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020 để thực hiện chiến lược phát triển và kêu gọi đầu tư vào thủy sản. Hiện ĐBSCL chiếm 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước, các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu tập trung phần lớn tại vùng, nhưng khi xuất khẩu phải vận chuyển hàng hóa thông qua cảng ở TP HCM. Do vậy, nếu cảng đầu mối khu vực đặt tại Cần Thơ được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, luồng cho tàu lớn vào sông Hậu được khơi thông thì cơ hội xuất khẩu trực tiếp sản phẩm ra nước ngoài qua hệ thống cảng tại TP Cần Thơ sẽ rất lớn, tăng cơ hội cạnh tranh cho doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh hạ tầng cơ sở đồng bộ thì cần xây dựng một trung tâm hội chợ cho những mặt hàng nông sản của ĐBSCL; trong đó đặc biệt là hội chợ quốc tế về thủy sản tại TP Cần Thơ. Hiện nay, Việt Nam đứng trong tốp 10 thế giới về xuất khẩu thủy sản, trong khi chúng ta chưa có hội chợ quốc tế về thủy sản thường kỳ hằng năm. Nếu tổ chức được hội chợ quốc tế thủy sản hằng năm tại TP Cần Thơ (giống như hội chợ thủy sản ở Busan- Hàn Quốc) sẽ góp phần kêu gọi đầu tư thủy sản cho vùng. Điều đó còn tạo động lực vươn ra biển mạnh mẽ cho ĐBSCL, tuy nhiên vấn đề còn lại là chính sách, cơ chế và phân bổ các nguồn lực đầu tư hợp lý để thúc đẩy sự phát triển này.

- Quy hoạch tàu thuyền khai thác thủy sản (KTTS) đến năm 2020, cả nước có khoảng 110.000 tàu cá các loại với tổng công suất 6,5 triệu CV; đến năm 2030 giảm còn 95.000 tàu, tổng công suất 6,7 triệu CV. Trong đó, phân theo vùng biển được quy hoạch thì vùng biển Tây Nam bộ chiếm 20% tổng số tàu cá cả nước (được quy hoạch đến năm 2020).

- Ðến năm 2020, tổng sản lượng KTTS cả nước đạt 2,4 triệu tấn (ÐBSCL chiếm 22,05%). Ðến 2030 sản lượng khai thác đạt 2,5 triệu tấn.

- Ðến năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước đạt 1,2 triệu ha. Trong đó, ÐBSCL khoảng 805.460 ha, với tổng sản lượng đạt trên 2,97 triệu tấn.

(Theo Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản - Bộ NN&PTNT)


Chia sẻ bài viết