25/06/2010 - 22:04

Xuất khẩu hàng may mặc

Đang giậm chân tại chỗ?

Do tác động của khủng hoảng kinh tế, rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm thị trường, trong đó có ngành may mặc- một lĩnh vực thu hút đông đảo lực lượng công nhân. Thêm vào đó, sự phục hồi chậm chạp cùng chính sách bảo hộ nền sản xuất trong nước của các nền kinh tế lớn đã làm cho nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành dệt may gặp khó khăn. Theo thống kê của Sở Công thương TP Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của thành phố chỉ mới đạt 27,3% kế hoạch năm và sụt giảm so với cùng kỳ. Nhiều DN khó tuyển dụng lao động. Ngành may mặc ở TP Cần Thơ đang giậm chân tại chỗ?

Khó khăn chồng chất

Năm 2007 được xem là năm tăng trưởng nóng nhất của ngành dệt may Việt Nam, dù phải đối phó với hàng rào kỹ thuật khắt khe của các nước nhập khẩu; trong khi đó, xuất khẩu hàng may mặc ở TP Cần Thơ chỉ đạt gần 60% kế hoạch năm và bằng 86% so với năm 2006. Theo thống kê của Sở Công thương TP Cần Thơ, năm 2007, các DN trên địa bàn chỉ xuất được trên 3,5 triệu sản phẩm may mặc, giá trị hơn 33,5 triệu USD. Còn năm 2009, xuất khẩu 3,7 triệu sản phẩm, chỉ đạt hơn 74,4% kế hoạch năm. Kế hoạch năm 2010 của ngành công thương, sản phẩm may mặc xuất khẩu đạt 5,5 triệu sản phẩm, với giá trị 44 triệu USD. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2010, các DN xuất khẩu may mặc trên địa bàn thành phố chỉ thực hiện được hơn 1,64 triệu sản phẩm, giá trị hơn 12 triệu USD, đạt 27,3% kế hoạch năm, giảm 5,1% so với cùng kỳ.

Theo các ngành chức năng và DN ngành may mặc, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc không đạt kế hoạch đề ra do tác động suy giảm kinh tế, thị trường sụt giảm, khó tuyển dụng lao động phổ thông... Thêm vào đó, nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất phải nhập khẩu càng làm tăng khó khăn cho các DN trong ngành. Ở TP Cần Thơ, hầu như không có DN nào theo đuổi ngành công nghiệp phụ trợ cho may mặc, nên DN phải chịu thêm phí vận chuyển khi mua nguyên phụ liệu. Giá gia công không tăng và DN không thể tăng lương cho công nhân, nên sự dịch chuyển lao động trong ngành may mặc rất lớn, công nhân chuyển sang các lĩnh vực khác với mức lương hấp dẫn hơn. Tại Cần Thơ, có 3 DN may mặc lớn gồm: Kwonglung Meko, Công ty cổ phần May Meko, Tây Đô, dù có đơn đặt hàng ổn định từ đầu năm đến nay, nhưng cũng khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Áo lông vũ là mặt hàng thế mạnh của May Meko xuất sang thị trường Nhật Bản. 

Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty cổ phần May Meko (KCN Trà Nóc), cho biết: “Nhật Bản là thị trường truyền thống của DN hơn 12 năm qua, hiện đơn vị có hợp đồng gia công đến hết năm 2010 và sang đầu năm 2011, nhờ duy trì chất lượng gia công và giữ uy tín tốt với khách hàng. Năm 2010, công ty dự kiến tuyển thêm 200 công nhân, nhưng từ đầu năm đến nay, số lượng tuyển dụng rất ít và hiện đơn vị còn thiếu khoảng 100 công nhân”. Theo ông Gia, lao động trong ngành may mặc chuyển đổi liên tục, nhất là những lao động mới vào nghề, còn những công nhân lành nghề, công ty có chính sách ưu đãi để giữ người, vì việc đào tạo nghề cho công nhân rất tốn kém. Hiện May Meko có khoảng 1.600 công nhân, mức thu nhập bình quân khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Gia cho rằng, ổn định lực lượng lao động tại DN sẽ góp phần duy trì những đơn đặt hàng lớn với đối tác khi cần gấp. Nhưng vấn đề này rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng.

Còn Phó Giám đốc Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Hào Tân (Cái Sơn- Hàng Bàng) Nguyễn Phùng Xuân, nói: “Thị trường xuất khẩu liên tục sụt giảm, nhưng DN có thị trường truyền thống Nhật Bản, nên đầu ra khá thuận lợi. Cái khó nhất hiện nay là công nhân trong ngành may mặc rất khó tuyển dụng, trong khi ngành thủy sản lại có mức lương cao hơn và thu hút đáng kể một lực lượng lao động từ may mặc chuyển sang. Thêm vào đó, vật giá thị trường tăng cao, với mức lương thấp, công nhân không thể trụ được”. Theo ông Xuân, từ đầu năm đến nay, công ty đã rao tuyển khoảng 120 công nhân, nhưng hiện mới tuyển được 30 người và toàn là lao động phổ thông, công ty phải chấp nhận đào tạo tay nghề cho lực lượng này. Hằng tháng, Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Hào Tân xuất khẩu khoảng 50.000- 60.000 sản phẩm (chủ yếu là đồ bảo hộ lao động) sang thị trường Nhật Bản. Giá gia công hiện dao động khoảng 1,5- 2 USD/sản phẩm, so với năm 2009 giá này không tăng. Trong khi đó, giá thành sản xuất đã đội lên 10-15% so với năm trước, DN phải đóng container tại cảng TP Hồ Chí Minh, làm đội phí vận chuyển lên rất cao.

Tính đến thời điểm hiện tại, kim ngạch và sản phẩm may mặc chưa đạt 50% kế hoạch năm. Chỉ còn 6 tháng nữa là kết thúc năm, nếu không đạt mục tiêu đề ra trong năm nay thì đây là năm thứ 3 liên tiếp, ngành may mặc Cần Thơ thụt lùi.

Tạo “đòn bẩy”

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, bên cạnh các thị trường truyền thống thì xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường mới như: Đài Loan, Hàn Quốc, các nước ASEAN... đều có mức tăng đáng kể. Đặc biệt là thị trường Mỹ tăng đến 15%, Nhật Bản tăng khoảng 10%... Hiện sản phẩm dệt may của Việt Nam chiếm khoảng 2,69% thị phần thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước ước đạt 4,56 tỉ USD, dù chưa đạt 50% kế hoạch năm 2010 (khoảng 10,5 tỉ USD) nhưng những tín hiệu tích cực từ thị trường nhập khẩu thì kim ngạch này có thể đạt mục tiêu vào cuối năm. Thêm vào đó, thị trường Nhật Bản, Mỹ là những thị trường chính của dệt may Việt Nam, với những thuận lợi về ưu đãi thuế theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản, nếu DN biết khai thác tốt thị trường thì việc đạt kế hoạch sẽ dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Phùng Xuân, Phó Giám đốc Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Hào Tân, cho biết: “Kế hoạch năm 2010, công ty xuất khoảng 600.000 sản phẩm. Trong tình hình khó khăn về lao động hiện nay, công ty không dám nhận thêm những hợp đồng lớn, vì không đủ nhân công để làm. Hơn nữa, giá gia công không tăng cũng khó mà thu hút lao động, nên đơn vị chỉ cố gắng đạt kế hoạch đề ra”. Hiện nay, ngoài thị trường Nhật Bản, thì Hào Tân còn gia công cho DN xuất khẩu ở TP Hồ Chí Minh sản phẩm (áo sơ-mi, quần tây) xuất sang thị trường Mỹ, nhưng số lượng không nhiều. Theo ông Xuân, công ty cần khoảng 400 lao động mới đảm bảo đơn đặt hàng với nhà nhập khẩu, nhưng hiện tại đơn vị chỉ có 330 công nhân, đành phải sản xuất theo năng lực thực tế của mình.

Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty cổ phần May Meko nêu nhận định, năm 2010 là năm tăng trưởng và cạnh tranh của ngành dệt may ở một số thị trường chính. Theo kế hoạch năm 2010, May Meko sẽ xuất khẩu trên 1 triệu áo lông vũ sang Nhật Bản với tổng kim ngạch khoảng 4 triệu USD, tăng so với năm 2009 (năm 2009 chỉ đạt 3,5 triệu USD). Từ đầu năm đến nay, nhiều đơn đặt hàng của đối tác Nhật Bản đã chuyển từ Trung Quốc sang hợp tác gia công tại Việt Nam, để được hưởng thuế ưu đãi theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản (có hiệu lực từ 1-10-2009). Đây là điều kiện thuận lợi để các DN gia tăng đơn đặt hàng, củng cố thị trường và nâng vị thế cạnh tranh.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Dương Nghĩa Hiệp, công nhân trong ngành may mặc hiện có thu nhập thấp hơn ngành thủy sản. Tuy nhiên, môi trường làm việc ít độc hại hơn và tính ổn định cũng cao hơn. Song, DN than là đào tạo lao động rất tốn kém về chi phí và thời gian, nếu bỏ ra khoản chi phí này, DN gặp nhiều khó khăn. Sở Công thương đã có văn bản trình UBND thành phố kiến nghị của DN ngành may mặc về việc hỗ trợ DN đào tạo tay nghề cho lao động và lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo ngành lao động quan tâm thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho DN. Thêm vào đó, thành phố cũng chỉ đạo ngành điện lực ưu tiên không cắt giảm điện đối với DN xuất khẩu, nhằm tạo điều kiện cho DN đảm bảo hợp đồng với đối tác. Ông Hiệp cho rằng, hiện tại kim ngạch xuất khẩu ngành may mặc của thành phố đạt chưa cao, nhưng những tháng cuối năm là mùa cao điểm của ngành dệt may, hy vọng sẽ đạt kế hoạch năm.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết