09/05/2016 - 19:59

DẠY VÀ HỌC MÔN LỊCH SỬ

Đang cơn bĩ cực...

Không chỉ là bộ môn khoa học nghiên cứu về quá khứ, môn Lịch sử còn có ý nghĩa giáo dục văn hóa, truyền thống, lòng yêu nước cho học sinh. Thế nhưng, thời gian qua, việc dạy và học môn Lịch sử tại các trường phổ thông ở TP Cần Thơ ngày càng ít dần, do đâu?

Đìu hiu

Bạn Lê Nhật Hào, học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, cho biết: "Năm nay, tôi dự định đăng ký xét tuyển ngành Quản trị du lịch và lữ hành của Trường Đại học (ĐH) Cần Thơ, với tổ hợp môn thi xét tuyển các khối A (Toán, Lý, Hóa), C (Văn, Sử, Địa) và D (Toán, Văn, Anh văn). Tôi chọn ngành này vì yêu thích, được đi nhiều nơi để mở rộng thêm kiến thức. Quan trọng hơn, tôi học khá tốt các môn học trong tổ hợp môn thi vào ngành này". Khi đặt vấn đề chọn môn yêu thích, Hào vẫn cho rằng mình thích học các môn khối C nhưng nếu chọn học để thi thì sẽ nghiêng về khối A vì đỡ học bài và nhớ số liệu. Còn bạn Nguyễn Hoàng Bảo, học sinh lớp 12A6, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, đăng ký dự thi khối C, để dự tuyển vào ngành công an vì ngành này chỉ tuyển tổ hợp các môn Văn, Sử, Địa.

Một buổi sinh hoạt dưới cờ của học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm, qua đó, định hướng chọn môn thi, cụm thi phù hợp năng lực của học sinh.

Năm nay, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Cái Răng) có 262 học sinh lớp 12 đăng ký dự kỳ thi THPT Quốc gia; trong đó có 119 học sinh đăng ký dự cụm thi đại học và 143 học sinh đăng ký dự cụm thi THPT. Những ngày này, thầy trò nhà trường "chạy nước rút" ôn tập các môn thi để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Song, vấn đề đăng ký môn thi tự chọn của học sinh khiến cán bộ, giáo viên nhà trường không khỏi lo lắng. Cô Nguyễn Thị Kim Loan, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Hằng năm, trường tổ chức sinh hoạt với học sinh, họp mặt phụ huynh học sinh để báo cáo tình hình học tập và định hướng các em chọn môn thi phù hợp với năng lực. Tuy nhiên, việc học sinh đăng ký các môn thi có sự "lệch pha" rõ rệt giữa khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn". Qua thống kê của trường, năm nay, trong 262 học sinh lớp 12, có 39 học sinh đăng ký môn Lịch sử, 187 học sinh đăng ký môn Địa lý.

Tương tự, Trường THPT Châu Văn Liêm có hơn 540 học sinh lớp 12 nhưng chỉ có 21 học sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử và 76 học sinh đăng ký dự thi môn Địa lý. Cô Lê Di Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, cho biết: "Trường tổ chức 3 đợt để học sinh đăng ký chọn môn thi, cụm thi; đồng thời tổ chức họp phụ huynh để định hướng học sinh chọn môn thi phù hợp. Mặc dù, trường nỗ lực tư vấn định hướng nhưng chỉ có 23 em đăng ký thi cụm THPT. Đó là chưa kể, đối với một số học sinh, các môn xã hội nhân văn vốn là sở trường nhưng không chọn dự thi. Chúng tôi khá lo lắng vì các em chưa định hướng đúng năng lực của mình".

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, TP Cần Thơ có 2 cụm thi: Cụm 1 (cụm thi đại học) do Trường Đại học (ĐH) Cần Thơ chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức, với mục đích xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH, cao đẳng (CĐ). Cụm 2 (cụm thi tốt nghiệp) do Sở GD&ĐT TP Cần Thơ chủ trì, phối hợp với Trường CĐ Cần Thơ tổ chức. Theo thống kê của ngành giáo dục thành phố, đến ngày 5-5-2016, thành phố có hơn 9.300 học sinh lớp 12 dự kỳ thi THPT Quốc gia 2016 (trong đó có hơn 6.000 học sinh đăng ký dự cụm thi đại học). Trong đó, số học sinh đăng ký dự thi (ở cả 2 cụm thi) ít nhất là môn Lịch sử (1.232 học sinh); môn Địa lý (hơn 4.000 học sinh). Theo Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, số liệu này có thể thay đổi chút ít và chốt lại sau ngày 10-5.

Do đâu?

Không thể phủ nhận sự nỗ lực đầu tư của ngành giáo dục, các đơn vị hữu quan nhằm duy trì, mở rộng và tạo sức hút đối với học sinh đến với môn Lịch sử. Cụ thể, các trường tổ chức học sinh tham quan khu di tích lịch sử, Bảo tàng TP Cần Thơ, lồng ghép tuyên truyền vào các hội thi… Tuy nhiên, thực tế triển khai môn học này ngày càng khiến các nhà quản lý giáo dục "đau đầu". Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngày càng ít học sinh theo học môn Lịch sử. Theo cán bộ quản lý các trường, chương trình học môn Lịch sử khá nặng, phương pháp giảng dạy chưa đổi mới; nhất là phải nhớ chi tiết từng sự kiện, số liệu từng giai đoạn lịch sử… khiến học sinh ngày càng "quay lưng" với môn học này. Cô Võ Thị Mỹ Tiên, giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, cho biết: "Chương trình môn Lịch sử lớp 12 khá nhiều (20 bài) nhưng phân bổ thời gian dạy rất ít. Bình quân 2 tiết học/1 tuần ở học kỳ I; học kỳ II thì 1 tiết/tuần. Để tiết dạy đạt hiệu quả, thu hút sự yêu thích của học sinh, chúng tôi thường dẫn chứng thực tế, hình ảnh sinh động vào bài học. Song, việc phân bổ thời gian và nội dung chương trình như hiện nay, giáo viên không đủ thời gian truyền đạt hết kiến thức cho học sinh, nên chăng cần có sự thay đổi phù hợp hơn".

Nhiều cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, tốc độ phát triển của nền kinh tế thị trường, thị hiếu con người thay đổi khiến việc chọn học ngành nghề để ra trường có việc làm, lương cao, ít nhiều tác động đến chọn ngành học của học sinh, phụ huynh. Theo cô Nguyễn Thị Kim Loan, việc bố trí thời lượng, nội dung chương trình sách giáo khoa chưa phù hợp với thực tế dạy và học ở trường phổ thông. Đó là chưa kể đến tổ hợp môn thi của khối khoa học xã hội nhân văn (dự thi xét tuyển đại học, cao đẳng) hẹp hơn so với các khối thi khác; nhu cầu sử dụng, tuyển dụng nhân sự môn Lịch sử ở các đơn vị ngày càng ít... Do đó, nhiều phụ huynh, học sinh không "mặn mà" theo học môn này. Cô Loan nói: "Nếu việc tuyển sinh khối ngành này không được cải thiện, đến lúc nào đó nguồn nhân lực môn Lịch sử sẽ thiếu trầm trọng. Xét góc độ nào đó, môn Lịch sử còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống dân tộc, đạo đức lối sống, chính trị cho học sinh".

Rõ ràng, nếu không có sự thay đổi đột phá từ lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các ban, ngành hữu quan, sẽ khó tránh khỏi viễn cảnh: môn Lịch sử ngày càng vắng bóng học sinh chọn học.

Bài, ảnh: NG.NGÂN

Chia sẻ bài viết