15/11/2021 - 10:31

Dấn thân vì bệnh nhân COVID-19 

Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ đảm nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch của thành phố. Hơn 3 tháng qua, từ khi BV chuyển đổi công năng, đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng nơi đây đã điều trị cho hơn 1.000 người bệnh COVID-19 khỏi bệnh. 

Kỹ thuật viên hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Ảnh do BV cung cấp.

Kỹ thuật viên hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Ảnh do BV cung cấp.

Tình hình dịch bệnh của thành phố vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc COVID-19 gia tăng, có ngày phát hiện hơn 500 trường hợp F0. BV Đa khoa TP Cần Thơ chỉ sau 2 tuần hoạt động khám chữa bệnh bình thường, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cấp thiết của người dân mắc các bệnh ngoài COVID-19 đã trở lại tiếp nhận khám chữa bệnh cho người mắc COVID-19 nặng và nguy kịch. Hiện lượng bệnh đã vượt quá quy mô 450 giường theo nhiệm vụ BV được giao, trong đó bệnh nhân COVID-19 nặng đã kín 50 giường.

Vừa qua, chị Lương Thị Thanh Hoài, Điều dưỡng Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (ICU) BV Đa khoa TP Cần Thơ vào ca trực mới trong thời gian 3 tuần. Đây là lần thứ 6 chị Hoài tham gia các ê-kíp trực điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 tại BV. Mặc dù có thâm niên, kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức tích cực, chị Thanh Hoài và đội ngũ điều dưỡng vẫn gặp không ít khó khăn bước đầu khi thực hiện nhiệm vụ mới.

Chị Hoài kể, đầu tháng 8-2021, lượng bệnh nhập viện đông, rất nhiều trường hợp cần hỗ trợ hô hấp và chăm sóc hồi sức tích cực. Một số điều dưỡng không chịu đựng nổi áp lực công việc khi chăm sóc cho 50 bệnh nhân nguy kịch. Thời gian đầu, bộ phận ICU thiếu máy móc, vật tư y tế để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Ngay sau đó, BV nhận được sự chung tay đóng góp của cộng đồng, các nhà hảo tâm ủng hộ nhiều trang thiết bị đảm bảo điều kiện làm việc cho nhân viên y tế. Bên cạnh điều trị thuốc men theo chỉ định của bác sĩ, quá trình “chiến đấu”, đẩy lùi bệnh của người mắc COVID-19 phụ thuộc hoàn toàn vào việc chăm sóc tận tình cả về thể chất lẫn tinh thần của đội ngũ điều dưỡng. Mỗi ngày, điều dưỡng giúp bệnh nhân thực hiện vệ sinh răng miệng 2 lần để cải thiện vị giác. Thời tiết nóng nực, bệnh nhân khó thở, bực bội, các điều dưỡng phải lau, vệ sinh, gội đầu cho bệnh nhân, để họ thoải mái tinh thần hơn, giảm nguy cơ nhiễm trùng. Các điều dưỡng cũng chú trọng chăm sóc dinh dưỡng, đút từng muỗng cơm, thìa sữa cho người bệnh. Bộ phận ICU sớm thực hiện tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân COVID-19 nặng, giúp bệnh nhân cải thiện chức năng phổi, thông khí, giảm đau do cứng khớp, hạn chế biến chứng và tình trạng chuyển từ nhẹ sang nặng.

Kỹ thuật viên Trần Thế Kiệt, nhân viên khoa Y học cổ truyền - Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng BV Đa khoa TP Cần Thơ, đã tham gia 3 tua trực tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân COVID-19 tại ICU. Anh Thế Kiệt kể: “Nửa giờ tập cho bệnh nhân COVID-19 thôi là mồ hôi ướt như tắm trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Nhưng sau mỗi buổi hướng dẫn cho bệnh nhân vận động hệ hô hấp, tập thở, giúp lưu thông đàm, tình trạng bệnh nhân nặng cải thiện từng chút, cả ê-kíp đều mừng”. Quá trình chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân, anh Thế Kiệt và đồng nghiệp còn tâm tình, động viên, vực dậy tinh thần người bệnh. “Cả nhà cô chết hết mấy người rồi, còn mình ên cô thôi”, hay “Lỡ cô có bề gì, con đưa những món đồ này lại cho người thân cô dùm nghen!”, là những câu chuyện, lời dặn dò khiến anh Kiệt và các đồng nghiệp rớt nước mắt. Vì thế, dù vất vả, cực nhọc, các “chiến sĩ áo trắng” không nản lòng, tận tâm chăm sóc người bệnh. Một số người bệnh do tác dụng phụ của thuốc, vô tình phản ứng tiêu cực với nhân viên y tế trong cơn lơ mơ, không kiểm soát được ý thức, nhưng các y bác sĩ không buồn lòng mà lấy làm vui trước các dấu hiệu bệnh nhân dần hồi phục, trở về từ cõi tử.

Hơn 3 tháng ròng rã, đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng BV Đa khoa TP Cần Thơ đã làm việc hết công suất. “200%, 300% sức lực để thực hiện nhiệm vụ, đồng hành cùng bệnh nhân COVID-19 ở nơi lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết”, chị Thanh Hoài, Điều dưỡng Trưởng khoa ICU COVID-19 tâm sự. Ngoài chuyên môn chăm sóc bệnh nhân, các điều dưỡng còn thực hiện phần việc vệ sinh môi trường, đảm bảo lưu lượng oxy và giữ an toàn nơi làm việc. Mỗi sáng, các bác sĩ, điều dưỡng thay nhau liên hệ với người nhà người bệnh, thực hiện những cuộc gọi kết nối giữa người bệnh với thân nhân để tiếp thêm sức mạnh tinh thần, giúp người bệnh an tâm điều trị. Mặc dù đã cố gắng hết sức, các thầy thuốc không tránh khỏi những lúc đau lòng trước những trường hợp không qua khỏi. Có những gia đình mất người thân, một gia đình hai mẹ con mất cùng ngày vì COVID-19…, không chỉ để lại đau thương cho thân nhân mà còn là nỗi ám ảnh, xót xa đối với nhân viên y tế. Sau những ngày dài trong trận chiến cam go, những người phụ nữ ở ICU hao gầy cả sức khỏe lẫn tinh thần nhưng vẫn giấu nước mắt vào trong, vì sợ làm yếu lòng, chùn bước những đồng đội đang dấn thân vì người bệnh.

Nhiều “chiến sĩ áo trắng” ở BV Đa khoa TP Cần Thơ đã và đang cống hiến hết sức mình vì sức khỏe của nhân dân, vì sự bình yên của thành phố trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đầy gian nan, nguy hiểm...

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết