26/10/2020 - 09:45

Dân dã dưa môn “nhà làm” 

Thành thạo, chăm chút từng công đoạn, chị Thạch Thị Cẩm Vân, hội viên phụ nữ dân tộc Khmer, ấp Thới Hòa B, Tổ trưởng tổ làm dưa môn thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, trộn đều hỗn hợp gia vị ớt, tỏi, gừng xay nhuyễn vào thau dưa môn xanh, giòn, lan tỏa mùi thơm, kích thích vị giác... Khéo léo xếp dưa môn vào keo, chị Vân cẩn thận dán nhãn hiệu “Dưa môn thị trấn Cờ Đỏ” chuẩn bị đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Chị Vân xếp dưa môn vô keo bán cho khách hàng.

Năm 20 tuổi, chị Vân lấy chồng về ấp Thới Hòa B. Hằng ngày, chồng đi làm thợ hồ, chị Vân phụ giúp làm ruộng, kinh doanh tiệm tạp hóa nhỏ, lần lượt sinh 2 người con. Lúc đó, chị Vân được cha chồng hướng dẫn cách làm dưa môn để bổ sung trong bữa ăn hằng ngày. Chị Vân kể: “Thời đó đời sống khó khăn, ăn uống kham khổ, thiếu thốn nên món dưa môn dân dã giúp cả nhà tôi có bữa ăn ngon miệng hơn. Hơn thế nữa, món ăn này giúp tôi có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình bao năm qua”.

Cha chồng chị Vân thường làm dưa môn để vô chén mang ra chợ bán, kiếm tiền trang trải chi tiêu sinh hoạt. Món dưa môn cha chồng chị Vân làm xanh, giòn và thơm tự nhiên nên bán rất đắt hàng. Khi 2 con khôn lớn, gia đình thêm nhiều khoản chi tiêu, chị Vân bắt đầu làm dưa môn bán ở chợ mỗi sáng và trưng bày tại tiệm nhà mình. Theo chị Cẩm Vân, món dưa môn muốn giữ màu xanh, độ giòn phải chọn cây môn tươi non, các công đoạn chế biến đảm bảo sạch. Cây môn tươi rửa sạch, để ráo, đập giập, cắt khúc tầm 2 lóng tay, rồi bóp muối nhiều lần. Sau đó, đem số môn này nhận và gài chặt trong khạp, qua 2 đêm 3 ngày có thể dùng được. Người dùng chỉ cần gắp ra, nêm nếm gia vị theo sở thích. Món này ăn giống như dưa cải nhưng ngọt thanh, không có mùi cay nồng. Chị Vân cho biết: “Tôi muốn lưu giữ nghề truyền thống dân tộc Khmer cha chồng để lại nên chủ yếu lấy công làm lời. Các công đoạn chế biến đảm bảo sạch, tự nhiên để sản phẩm giữ được độ giòn và dùng trong 15 ngày”.            

Thời gian đầu, mỗi ngày, chị Vân bán vài ký dưa môn, sau tăng dần số lượng, chưa kể các đơn đặt hàng phục vụ hội nghị, đám tiệc. Chị Vân cho biết, cứ 35kg môn tươi chế biến được 10kg dưa môn thành phẩm. Ðể chủ động nguồn nguyên liệu, đảm bảo cung ứng dưa môn phục vụ người tiêu dùng hằng ngày, bên cạnh trồng 1 công môn tại nhà, chị Vân “đặt hàng” 20 hộ trong ấp trồng và cung ứng nguồn nguyên liệu môn tươi sạch cho mình. Cùng với chị Vân, 6 chị tham gia Tổ làm dưa môn tự chế biến và bán sản phẩm mỗi ngày, góp phần thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Chị em chị Thạch Thị Tum và Thạch Thị Tim, thuộc hộ dân tộc Khmer cận nghèo, quanh năm sống nhờ thu nhập nghề bó chổi và nghề làm dưa môn. Tuy không bán số lượng nhiều như chị Vân nhưng cũng giúp hai chị em có đồng ra đồng vào với nghề truyền thống…     

Dưa môn là món ăn truyền thống dân tộc Khmer nên hầu hết phụ nữ dân tộc đều biết chế biến món này trong thực đơn bữa ăn hằng ngày hay các dịp lễ, Tết cổ truyền. Dưa môn đảm bảo sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm vì từ nguyên liệu đến các phụ phẩm chế biến là các loại gia vị dùng hằng ngày trong gia đình. Chị Lý Thị Nhanh, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Cờ Ðỏ, cho biết: “Ðể giúp chị em lưu giữ món ăn truyền thống, phát huy tay nghề và thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, năm 2018, Hội LHPN thị trấn khuyến khích thành lập Tổ làm dưa môn với 7 thành viên trực tiếp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các chị chế biến món dưa môn, bày bán hằng ngày ở chợ; đồng thời, giới thiệu phục vụ các dịp lễ, hội trong và ngoài huyện. Tuy nhiên, hiện các chị tự sản xuất và tiêu thụ nhỏ, lẻ, với mức thu nhập phù hợp”. Ðể phát huy mô hình nghề truyền thống dân tộc Khmer, Hội LHPN thị trấn Cờ Ðỏ mong muốn được ngành, đơn vị chức năng hỗ trợ giới thiệu, quảng bá rộng rãi món ăn dân dã “Dưa môn thị trấn Cờ Ðỏ”, giúp chị em ổn định thu nhập, cải thiện cuộc sống.                                                                         

Bài, ảnh:  ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết