20/03/2022 - 11:58

Đan chặt tình nan 

Truyện ngắn: HOÀNG KHÁNH DUY

 

Đò ghé bến cũ. Tôi đi thong dong về nhà. Đường quê giờ thênh thang. Lần về nhà này tôi không gọi điện báo trước với má, một phần vì chuyến đi đầy bất ngờ sau cuộc trò chuyện với biên tập về đề tài tình yêu nghề truyền thống.

Tôi vẫn thường về quê, nơi có căn nhà tường được cất theo kiểu xưa nằm sau khoảng sân nhỏ bên dòng sông. Tôi đã lớn lên và in dấu chân khắp từ trong nhà ra ngoài sân, cả hàng hiên nhỏ ông nội thường ngồi chẻ tre vót vành rồi cung lại thành vòng tròn định hình cái thúng, cái rổ. Ngày nhỏ ở nhà, ước mơ tôi thả trôi theo cánh chim trời bay ngang qua cánh đồng trong những chiều lộng gió về phương nào đó phồn hoa đô hội. Đến khi lớn lên, ra đời, trở thành phóng viên đi khắp nơi, tôi vẫn tranh thủ những ngày rảnh rỗi, hoặc những lần công tác tạt ngang qua thăm nhà, dù đôi khi một khoảnh khắc ngắn ngủi, chỉ kịp để ôm má và đưa cho ông nội tôi chai dầu nóng để xoa bóp mấy chỗ đau nhức khi trời trở gió… Vậy cũng đủ làm lòng mình ấm áp.

Tôi về xóm Nan. Cái xóm nhỏ chừng năm mươi hộ dân nằm ở hai bên bờ dòng sông nhỏ. Con đường quen lá bạch đằng khô rơi xao xác. Tôi cuốc bộ về nhà. Vừa vào xóm tôi đã nghe được tiếng chẻ trúc giòn rụm làm nan, tiếng chẻ tre rôm rốp để làm vành. Tiếng mấy sợi nan bện vào nhau tí tách nghe vui tai. Tiếng nói cười của mọi người ngồi đan đát trong khuôn viên hợp tác xã. Những âm thanh chuyên cần rộn ràng ấy thành dòng, thành suối chảy vào tâm hồn tôi. 

Hồi bảy tuổi, có lần tôi theo má ra chợ bán thúng, rổ, mẹt, nia… Thường thì mỗi tháng má tôi đi bán một lần bằng chiếc ghe con chạy bằng chiếc máy cũ mượn từ nhà hàng xóm. Má giựt máy khi vòm trời còn trăm ngàn ngôi sao đua nhau sáng rực cho tròn một đêm. Đến khi tới chợ thì trời hửng sáng. Bình minh trên sông gió phần phật, lạnh tê da, ngó ra chợ thấy những xóm nhà xúm xít ở chợ đông đúc, huyên náo. Tôi theo má lên chợ. Má quảy một chùm rổ, thúng… xâu lại phía sau lưng rồi mời hàng. Nắng lòa xòa trên chiếc nón lá tàng của má.

Ba tôi bỏ đi từ lâu. Tôi không nhớ rõ, mà má cũng không kể lại cho tôi nghe ba đi như thế nào, với ai, chỉ nói cái cớ nửa đùa nửa thật: “Tại vì ba con không chịu sống bằng nghề đan đát”. Tôi sống với má, với ông bà nội, trong căn nhà ngày đêm lách tách tiếng những sợi nan cọ bện vào nhau. Nhiều lần tôi nói với má:

- Hay mình đi tìm ba, ha má?

Nhắc đến, má tôi lại buồn như sông chiều:

- Đời mênh mông, biết ba ở đâu mà tìm. Mà tìm thì biết ba có chịu về với má con mình không…

Nước mắt tôi chảy ướt cả cái rổ vừa được kết chặt vào cái vành tre tròn vo, được lận vành khéo léo. Bà nội nói tôi giống ba như đúc, bà còn kèm thêm một câu: “Giống gì thì giống, chứ đừng giống cái nếp sống bội bạc, phũ phàng”. Bà nội thương má tôi lắm! Má nói, chừng ấy năm sống với nội, nội toàn binh má. “Con gái người ta về nhà mình sống, hiếu thảo với mình, cớ gì không đối đãi tốt như con đẻ”, nội nói.

Tôi không còn nghĩ đến cảnh sẽ đi tìm ba, cho đến một hôm theo má ra chợ bán rổ. Khi đồ nhựa phổ biến là lúc rổ thúng từ tre trúc sụt giá. Bàn tay má thì ngày càng thêm vết trầy trụa khi cưa trúc, cưa tre, chẻ nan, ngón tay tươm máu khi vót nan, móng tay cùn hết khi đan mê, lận vành, bện dây… Má quảy xâu rổ đi cùng khắp chợ đông, má đi trước, tôi đi theo sau.

Má dừng lại trước một gánh hàng bán mấy thứ lặt vặt như dao cạo râu, ví đựng tiền, bao thuốc… Đứng như chôn chân xuống đất. Tôi nhìn theo hướng má. Một người đàn ông râu ria lồm xồm ngồi cạnh người phụ nữ đầu đội nón lá đang ẵm đứa nhỏ. 

- Ba con đó - má chợt nói.

Tôi ngớ người. Lặng yên. Hình ảnh ba trong tưởng tượng của tôi không phải như vậy. Tôi tự nói ba bỏ má con tôi đi rồi đời ba khấm khá hơn mới phải. Lòng tôi xót xa mà nước mắt vẫn không tuôn ra được một giọt nào.

Má dẫn tôi đi ngang qua ba. Chứ biết đứng lại để làm gì nữa. Má đi đường má, ba đi đường ba, không gặp lại. Tôi ngoái lại thấy ba nhìn theo, mắt ba trĩu buồn. Chiều đó bà nội lấy khăn thấm nước mắt rồi lại đan mấy sợi nan được vót mỏng vào mê thúng, nói:

- Thôi con, đó là con đường mà thằng Hai chọn, thì để nó đi cho hết...

Bên hiên lại vang lên tiếng nổ giòn rụm của ống tre mà ông nội tôi chẻ ra, vót láng mịn rồi cung lại thành vành thúng. Cái hiên ấy lúc nào cũng in hình bóng ông nội tôi. Tiếng chẻ tre, tiếng đan nan lách tách lúc nào cũng ngân vang trong căn nhà đơn sơ như một giai điệu. Người dạy bà nội tôi đan lát nay đã nằm sâu dưới ba tấc đất. Má từ xứ khác về đây làm dâu, bà nội dạy má tôi nghề đan. Từ cái thuở bà cầm tay má đan từng sợi nan tạo thành mê thúng, mê rổ, rồi lận vành… cho đến khi má tôi lành nghề, khéo léo… 

Những năm tháng xa nhà, tôi vẫn thường về thăm má, thăm ông bà nội. Nghề đan vẫn còn. Từ khi xóm Nan có hợp tác xã, thường xuyên có nhiều đơn hàng lớn. Nội tôi nói sức yếu, mắt đã kém nên chỉ làm đồ hàng chợ để khách mua về sử dụng. Má tôi đã thạo nghề, đôi tay khéo léo hơn xưa nên má làm những đơn hàng để người ta đem lên thành phố làm quà tặng, trang trí...

“Tách… tách… tách…”

Tôi bấm máy ảnh liên hồi. Ông tôi giật mình ngoái lại, thấy tôi núp sau đống rơm trước nhà. Nắng sợi thanh sợi mảnh phủ trùm. Tôi ló đầu ra, má cũng vừa từ nhà sau đến đón tôi về...

Tôi ghi chép đầy đủ tư liệu thì xách máy tính ra cái bàn nhỏ dưới gốc cây me sau nhà ngồi viết liền một mạch, đến khi bài viết hoàn thành thì tôi đã ngửi thấy mùi cá rô kho rắc thêm tiêu, hành, ớt, nồi canh chua cá ngát thơm nức mũi… thoảng ra từ gian bếp quen thương. Khi tôi gửi xong bài viết cho biên tập thì cơm canh đã được dọn sẵn, hệt như hồi tôi còn nhỏ, mỗi lần đi học, đi chơi về đều thấy cơm canh tươm tất để trên bàn. Má tôi luôn chu đáo. Tôi tự hỏi, có bao giờ mình tươm tất như vậy với má hay chưa?

… Một buổi sáng, trên bàn làm việc cạnh cửa sổ hướng ra con kênh đẹp nhất nhì thành phố, tôi cầm quyển báo trên tay, lật thật nhanh sang trang báo có in bài viết của tôi. Bài được trang trí rất đẹp, giữa bài là hình ảnh ông bà tôi ngồi ở tư thế thoải mái nhất, ông vót vành, bà đan mê rổ, cười hiền.

Tôi tỉ mẩn đọc lại những chữ mình đã viết: “Những đôi tay sần níu giữ hồn quê”.

Chia sẻ bài viết