14/01/2023 - 12:41

Đảm đang đón Tết 

Bài, ảnh: Kiến Quốc

Được trao quyền “tay hòm chìa khóa”, nhiều phụ nữ Việt Nam luôn vun vén cho gia đình. Đặc biệt, trong dịp Tết đến xuân về, các chị em càng phát huy sự đảm đang, khéo léo trong việc nấu nướng, chăm sóc nhà cửa... Không chỉ là niềm vui, hạnh phúc mà qua đó còn giúp các thành viên gắn kết tình cảm gia đình.

Chị Bích Vân đổ rau câu, làm bánh cho gia đình và khách hàng vào dịp Tết đến.

Chị Bích Vân đổ rau câu, làm bánh cho gia đình và khách hàng vào dịp Tết đến.

Những ngày cận kề Tết, dù công việc cơ quan bận rộn nhưng chị Bích Vân ở phường Trà An, quận Bình Thủy, luôn tự tay dọn dẹp nhà cửa tươm tất và chuẩn bị các món bánh trái. Trong gian bếp gọn gàng, thơm nức mùi bơ, sữa... những chiếc bánh bông lan, những ổ rau câu hình cá chép vừa ngon, vừa đẹp mắt do chị tự làm khiến ai cũng phải trầm trồ, thán phục. Chị Bích Vân bày tỏ, nấu ăn là niềm yêu thích của chị. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chị thường vào bếp và tìm hiểu kiến thức, kỹ năng nấu nướng trên internet để cho “ra lò” nhiều món ngon. Là gái miền Nam làm dâu Bắc, vào mỗi dịp xuân đến, chị còn làm nhiều món ăn đặc trưng miền Bắc, như bánh chưng, nem rán… Chị Bích Vân chia sẻ: “Tôi quan niệm, dù có làm gì, chức vụ ngoài xã hội thế nào thì về nhà vẫn phải tròn trách nhiệm của người con, người vợ, người mẹ trong gia đình. Bên cạnh đó, được tự tay nấu món ăn ngon cho các thành viên trong nhà, với tôi là một niềm hạnh phúc”. Không chỉ chuẩn bị Tết cho gia đình tươm tất, chị còn “tăng ca” với nghề “tay trái”, nhận làm các loại bánh bông lan trứng muối, rau câu plan phô mai hình cá chép… được nhiều khách hàng yêu thích, tin tưởng.

Mấy năm nay, cứ đến tháng chạp, nhà chị Mỹ Huyền, quận Ninh Kiều, lại tất bật làm kiệu, dưa món để dùng và biếu sui gia, các anh chị em trong gia đình. Từ chỗ biếu tặng, bà con hàng xóm cứ gần Tết là đặt hàng, nhờ vậy chị có thêm nghề “tay trái”. Nhìn chị thoăn thoắt cắt kiệu, sắp dưa món vào từng hũ gọn gàng ít ai biết rằng chị từng rất vụng về trong khoản tề gia nội trợ. Khi lập gia đình, làm dâu, thấy mẹ chồng khéo léo, chị học làm theo rồi mê nấu nướng lúc nào không hay. Được mẹ chồng tận tình chỉ bảo, giờ đây, chị có thể một mình quán xuyến thành thục, chuẩn bị tươm tất mâm cơm cúng gia tiên vào những dịp Tết đến. 

Đón Tết, chị em phụ nữ phải chuẩn bị các khâu từ dọn dẹp nhà cửa, đến nấu ăn… Ngày nay, quan niệm Tết cổ truyền với đại đa số phụ nữ đã có nhiều thay đổi theo xu hướng tích cực hơn. Chị Hoàng Oanh ngụ tại quận Ninh Kiều, kể: “Trước đây, khi mới lập gia đình, mỗi dịp Tết đến, tôi lại thấy sợ. Bắt đầu từ ngày 27, 28 Tết đã phải cùng mẹ đi chợ, bày trí bàn thờ gia tiên, rồi lại lo nấu nướng làm tiệc tất niên, đón giao thừa... Sang Mùng 1, 2, 3 là điệp khúc nấu nướng và dọn dẹp. Chưa kể, do nấu quá nhiều món nên năm nào cũng ăn không kịp, phải bỏ vừa tốn kém, vừa mất thời gian chuẩn bị, chế biến”. Cũng vì vậy mà 2 năm trở lại đây, chị Oanh chủ động bàn bạc cùng mẹ chồng tổ chức Tết gọn nhẹ, tiết kiệm để giải phóng thời gian, sức khỏe. Thay vì trực tiếp đến chợ, chị mua hàng trực tuyến. Chị Oanh chia sẻ bí kíp: “Gia đình chồng tôi rất thích ăn lẩu. Vì thế, thay vì nhọc công ninh xương vào mỗi lần nấu, vào những ngày giáp Tết, tôi mua rất nhiều xương, nấu trước và chia thành từng hộp, cất vào ngăn đá tủ lạnh. Khi có khách, chỉ cần lấy ra sẽ có ngay nồi lẩu, không mất nhiều thời gian nấu nướng”. Mặc khác, thay vì đảm đương việc nhà một mình, gia đình chị phân chia công việc, để các thành viên cùng tham gia dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đón Tết. Nhờ khéo léo sắp xếp nên mấy năm nay, gia đình chị đón Tết tươm tất và có nhiều thời gian vui chơi, thư giãn, tái tạo sức lao động, cân bằng cuộc sống trong dịp đầu năm mới.

Cuộc sống hiện đại mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ làm việc, tham gia vào nhiều vị trí quan trọng trong xã hội nhưng ở mỗi gia đình, các cô, các chị vẫn là “nội tướng”. Nhờ sự khéo léo, tinh tế của mình, nhiều chị em biết cách dung hòa để gia đình đón Tết chu đáo và đầm ấm hơn.

Chia sẻ bài viết