Hụi là một hình thức huy động vốn phổ biến, được nhiều người tham gia. Tuy nhiên, hụi cũng có nhiều biến tướng, là nguồn cơn của nhiều vụ tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, người chơi hụi cần nắm rõ các quy định pháp luật về hình thức huy động vốn này để đảm bảo an toàn cho tài sản của mình.
Tiềm ẩn rủi ro
Bị cáo Trương Thị Mỹ Linh, trong quá trình làm chủ hụi, đã dùng thủ đoạn gian dối, chiếm đoạt tiền của hụi viên, bị Tòa án Nhân dân thành phố tuyên xử 13 năm tù. Ảnh: KIỀU CHINH
Nhắc đến việc chơi hụi, bà Trần Bích T ở phường Thới Hòa, quận Ô Môn, tỏ ra ngao ngán. Bà T kể: “Tôi tham gia 21 dây hụi, mỗi dây hụi góp từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng. Tổng số tiền tôi đã đóng cho chủ hụi hơn 310 triệu đồng. Đến khoảng cuối tháng 8-2020, chủ hụi, bà Phan Thị K.L (ngụ cùng địa phương - PV) tuyên bố vỡ hụi. Thế là tôi phải kiện tụng, mong lấy lại vốn”.
Theo bà T, bà K.L làm chủ hụi từ năm 2014 nên nhiều người tin tưởng. Nguyên nhân vỡ hụi của bà K.L là do nhiều hụi viên đã hốt hụi rồi nhưng không đóng tiền lại. Để giữ chữ tín, tiếp tục làm ăn, bà K.L lấy tiền nhà bù vào. Dần dà, bà không còn khả năng chi trả...
Việc chơi hụi hiện nay khá phổ biến ở các địa phương. Tuy nhiên, rủi ro phát sinh tranh chấp do bị giật hụi, chậm đóng tiền, vỡ hụi… là khó tránh khỏi. Chị Nguyễn Thị Thu Huyền ở phường Phước Thới (quận Ô Môn), cho biết: “Vừa rồi, tôi có tham gia chơi hụi. Chẳng may, chủ hụi bị vỡ hụi. Trong trường hợp này, tôi không biết làm sao để đòi lại quyền lợi của mình”.
Trường hợp của bà Trương Thị Mỹ Linh ngụ phường Thới An, quận Ô Môn, quá trình làm chủ hụi, đã dùng thủ đoạn gian dối, chiếm đoạt trên 942 triệu đồng của 15 hụi viên... Với hành vi này, ngày 18-1-2022, Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ đã xét xử, tuyên phạt bà Linh 13 năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cần tuân thủ pháp luật
Pháp luật đã có quy định cụ thể, rõ ràng về hụi. Việc tổ chức hụi phải tuân thủ Nghị định 19/2019/NĐ-CP ngày 19-2-2019 của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường (Nghị định 19). Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, cho biết: “Để việc lập dây hụi, tổ chức chơi hụi hợp pháp, người chơi phải tuân thủ các điều kiện: thỏa thuận về lập dây hụi phải được thể hiện bằng văn bản. Khi tổ chức dây hụi, chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi nếu tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở từ 100 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức từ 2 dây hụi trở lên... Việc quy định này nhằm đảm bảo an toàn cho người chơi và tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của cấp xã”.
Nghị định 19 cũng quy định chủ hụi phải tuân thủ về lãi suất, nguyên tắc về việc tổ chức các dây hụi không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi; không được tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Trường hợp có tranh chấp về hụi thì các bên có thể thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định. Bên cạnh đó, chủ hụi, hụi viên có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về hụi như: cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật... Người gây thiệt hại thì phải bồi thường dân sự". Chủ hụi không thông báo đầy đủ về số lượng dây hụi, phần hụi, kỳ mở hụi hoặc số lượng thành viên của từng dây hụi; không lập sổ hụi; không thông báo cho các thành viên về nơi cư trú mới trong trường hợp có sự thay đổi... sẽ bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng. Hành vi không thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên; không thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức từ 2 dây hụi trở lên thì bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng... Đó là những quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022.
Ông Nguyễn Thành Tích, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, cho biết: “Trên địa bàn đã từng xảy ra vụ vỡ hụi, dẫn đến khiếu kiện kéo dài giữa các bên, ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn. Nguyên nhân là do các bên chưa tuân thủ đúng quy định pháp luật về hụi. Để tránh trường hợp này tiếp diễn, chúng tôi đã tăng cường công tác giáo dục, phổ biến pháp luật về hụi, giúp bà con nâng cao nhận thức, góp phần đưa hoạt động hụi trở nên lành mạnh, đúng quy định, cũng như hạn chế những rủi ro, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên khi tham gia hụi”.
CHẤN HƯNG