Nền nông nghiệp Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu và hội nhập mạnh mẽ. Song những hạn chế về trình độ, kỹ năng và năng suất lao động thấp đang là cản ngại của ngành. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải có chiến lược phát triển kỹ năng nghề ngành Nông nghiệp để nâng cao trình độ, phát triển kỹ năng, chuẩn hóa năng lực lao động nông nghiệp. Qua đó, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập người dân.
Kỹ sư Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, Tập đoàn Lộc Trời, nghiên cứu, nhân giống các giống lúa mới.
Thiếu kỹ năng
Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp gần 14% tổng giá trị sản phẩm quốc gia và sử dụng nhiều lao động. Năm 2019, lao động ngành nông lâm thủy sản chiếm 34,5% tổng lực lượng lao động xã hội nhưng nhiều lao động lĩnh vực này vẫn sống trong điều kiện nghèo hoặc cận nghèo. Bên cạnh đó, một thực trạng đang diễn ra hiện nay là lao động nông nghiệp đang có xu hướng giảm dần. Giai đoạn 2011-2015, trung bình mỗi năm lao động nông nghiệp giảm gần 307.000 người, từ 24,4 triệu người năm 2011 (48,4% tổng lực lượng lao động xã hội) còn 23,1 triệu người năm 2015 (43,5%). Giai đoạn 2016-2019, trung bình mỗi năm lao động nông nghiệp giảm 1,1 triệu người, từ 22,2 triệu người năm 2016 (41,6%) còn 18,83 triệu người năm 2019 (34,5%).
Lý giải về tình trạng thu nhập thấp của lao động trong nông nghiệp, TS Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho rằng, đa số lao động nông lâm thủy sản làm việc tại các hộ gia đình, canh tác nhỏ lẻ (chiếm 98% lực lượng lao động toàn ngành), có trình độ, kỹ năng thấp; lao động chưa qua đào tạo vẫn chiếm tỷ lệ lớn; xu hướng lao động nông lâm thủy sản đang phải đối mặt với xu hướng già hóa nhanh. Những hạn chế trên làm cho năng suất lao động trong ngành Nông nghiệp thấp nhất trong các nhóm ngành kinh tế Việt Nam và thấp hơn nhiều các nước trong khu vực. Năng suất của lao động nông lâm thủy sản nước ta chỉ bằng 38% năng suất chung của tất cả lao động. So với các nước trong khối các nước Ðông Nam Á, năng suất lao động của lao động nông nghiệp Việt Nam thấp hơn rất nhiều, như: Malaysia cao gấp 11,9 lần mức năng suất lao động nông nghiệp của Việt Nam, Indonesia gấp 2,4 lần, Thái Lan gấp 2,1 lần và Philippines gấp 1,8 lần.
Theo PSG.TS Nguyễn Thị Thuận, Chủ tịch lâm thời Hội đồng Kỹ năng nghề quốc gia ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp đánh giá người lao động là sinh viên sau khi ra trường mới đáp ứng được từ 50-80% yêu cầu của công việc. Trong đó, các kỹ năng đánh giá tốt nhất của người lao động là: bảo đảm an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp, làm việc nhóm và giao tiếp. Trong khi đó, sinh viên các ngành liên quan đến nông nghiệp đang yếu các kỹ năng về ngoại ngữ; tin học; tư duy sáng tạo, chủ động trong công việc và kinh doanh.
Không chỉ là số lượng
Xuất phát từ thực tế trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã soạn thảo Chiến lược kỹ năng nghề ngành nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo dự thảo Chiến lược kỹ năng nghề ngành nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, nước ta phấn đấu đến 2030 có khoảng 17 triệu lao động nông nghiệp được đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Trong đó, có khoảng 8,5 triệu người đạt trình độ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3 hoặc tương đương; 5,1 triệu người đạt trình độ kỹ năng nghề quốc gia bậc 2 trở xuống hoặc tương đương và 3,4 triệu người lao động đạt trình độ kỹ năng nghề quốc gia bậc 4 và 5 hoặc tương đương.
TS Nguyễn Chí Trường cho biết: Chiến lược kỹ năng nghề ngành nông nghiệp nhằm xác định một số giải pháp phát triển năng lực làm việc cho lực lượng lao động ngành nông lâm thủy sản. Từ đó, thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu lao động hiện tại và tương lai của ngành; thúc đẩy phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, xanh và bền vững; góp phần bảo đảm an ninh lương thực, tăng trưởng kinh tế quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, lực lượng lao động nông nghiệp cần chú ý đến vấn đề liên kết ngành nghề, xuyên ngành nghề, đa ngành nghề; linh hoạt thích ứng với bối cảnh thị trường “bất định, bất ngờ, bất an, diễn biến nhanh, khó dự báo”…
Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, với định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao, lao động trong nông nghiệp không chỉ cần kỹ năng cứng mà còn phải trang bị cả kỹ năng mềm. Do đó, Chiến lược kỹ năng nghề ngành nông nghiệp ngoài việc đảm bảo số lượng cần rèn luyện cho lao động các kỹ năng cơ bản, nền tảng như: đàm phán, quản trị, làm việc nhóm,... Song song đó, tạo mọi điều kiện để nông dân, doanh nghiệp tiếp cận với thành tựu khoa học mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.
Theo nhiều chuyên gia, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học đang gặp khó khăn trong tuyển sinh các nghề nông nghiệp trong khi doanh nghiệp rất cần lao động có kỹ năng. Do đó, Nhà nước cần phân luồng mạnh để học sinh có thể học nghề sau khi kết thúc THCS và THPT. PGS.TS Nguyễn Thị Thuận, nhấn mạnh: Các doanh nghiệp có sự khác biệt về quy mô, trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất kinh doanh nên nhu cầu về lao động ngành Nông nghiệp cũng không đồng đều. Vì vậy, ngành chức năng cần có khảo sát để đánh giá đúng sự thiếu hụt kỹ năng và như cầu nâng cao kỹ năng cho các đối tượng lao động. Ðồng thời, xây dựng Dữ liệu lớn (Big Data) về trình độ kỹ năng người lao động để xây dựng chiến lược/kế hoạch nâng cao kỹ năng cho người lao động và phục vụ các mục đích quản lý khác...
Bài, ảnh: MỸ THANH