01/04/2012 - 17:26

THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG:

Đảm bảo cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ tăng trưởng ở mức hợp lý

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3-2012. Ảnh: Chinhphu.vn.

Trong 2 ngày 31/3-1/4, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 3-2012, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I-2012; Báo cáo bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2011, triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2012; Báo cáo bổ sung tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2011, triển khai thực hiện ngân sách nhà nước năm 2012; Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010. Bên cạnh đó, Chính phủ thảo luận về dự thảo Đề án đề tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020; dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia; Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam.

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I-2012, các thành viên Chính phủ nhận định, trong quý I-2012, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2012 của Chính phủ, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng. Nổi bật là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý I-2012 đã có xu hướng giảm dần và có tốc độ tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước. So với tháng trước, CPI tháng 3-2012 chỉ tăng 0,16%; so với tháng 12-2011, CPI tháng 3-2012 tăng khoảng 2,55%; thấp hơn nhiều so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2011 tăng 6,12%; năm 2010 tăng 4,12%).

Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng của ngân hàng như giảm trần lãi suất huy động, giảm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, liên ngân hàng... Lãi suất tín dụng hiện nay đã giảm khoảng 1 - 1,5% so với đầu năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm 2012 tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, ước quý I-2012 đạt trên 24,5 tỉ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, đặc biệt một số thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của nước ta bị giảm sút, thêm vào đó là giá cả xuất khẩu một số mặt hàng giảm so với trước.

Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng cũng đã có chuyển biến, cải thiện bước đầu trong tháng 3-2012. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I-2012 ước đạt 4% (quý I-2010 tăng 5,84%, quý I-2011 tăng 5,57%).

Công tác an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật được quan tâm;... Trong quý I-2012, tạo việc làm cho khoảng trên 341 nghìn người, trong đó xuất khẩu lao động ước đạt xấp xỉ 18,5 nghìn người. Các cấp, các ngành tích cực triển khai tốt chính sách an sinh xã hội, như hỗ trợ thiếu đói, giá điện, nhà ở, tín dụng; đào tạo nghề cho lao động nông thôn;... Bên cạnh tập trung phân tích những kết quả đạt được, Chính phủ cũng đã phân tích, thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, yếu kém nội tại của nền kinh tế, trong đó nổi lên việc xuất hiện dấu hiệu suy giảm; sản xuất công nghiệp chế biến và chế tạo gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, tiêu thụ chậm, tồn kho còn ở mức cao, dẫn đến quy mô sản xuất thu hẹp, nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất hoặc phá sản, giải thể; lãi suất giảm nhưng còn cao, việc tiếp cận vốn còn khó khăn;...

Ý kiến của nhiều thành viên chính phủ cho rằng, thời gian tới, ngoài nhiệm vụ ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cần chú trọng nhiệm vụ duy trì tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội; việc duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý cũng là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Trước các thông tin nhiều chiều trên các loại hình báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động hơn nữa công tác cung cấp thông tin cho báo chí, nhằm định hướng dư luận, tránh tình trạng báo chí phản ánh sai lệch, không nhất quán về các vấn đề, sự việc.

Ngoài ra, việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy thị trường trong nước, đưa hàng hóa dịch vụ về thị trường nông thôn; đổi mới các kênh thu mua phân phối; tiếp tục ưu tiên tín dụng cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động... cũng là những vấn đề lớn được nhiều thành viên chính phủ đề cập và cho rằng cần được triển khai hiệu quả và đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa.

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong quý I-2012 tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, khẳng định chúng ta đã đi đúng hướng. Mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội... thấy hiện hữu khá rõ trong quý I-2012.

Mục tiêu kiềm chế lạm phát ở 1 con số trong năm nay là khả thi; tỷ giá tiếp tục giữ được ổn định; lãi suất có chiều hướng giảm; thanh khoản ngân hàng được cải thiện một bước cơ bản; thị trường chứng khoán xanh lên; dự trữ ngoại hối đạt kết quả đáng mừng; nhập siêu giảm mạnh; mặc dù thấp hơn các năm trước song tăng trưởng quý I vẫn đạt 4% ; tổng đầu tư xã hội tăng...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức phía trước còn rất lớn, không thể chủ quan, thỏa mãn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực khắc phục những khó khăn, tồn tại; chủ động bám sát tình hình kịp thời đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp ứng phó kịp thời với tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp.

Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm đảm bảo cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số, đồng thời bảo đảm được tăng trưởng ở mức hợp lý (khoảng 6%) ; tập trung giải quyết nhanh thanh khoản của ngân hàng; khoanh vùng các ngân hàng yếu kém để có các giải pháp xử lý hiệu quả; hạ dần lãi suất phù hợp với thanh khoản của ngân hàng và chiều hướng giảm dần của lạm phát ; giải quyết các mâu thuẫn trong nội tại của nền kinh tế để phục vụ cho phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành phải triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Xem xét các chính sách về thuế, phí cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với các gia đình chính sách, người nghèo, người yếu thế, không để tình trạng thiếu đói xảy ra. Lưu ý thực hiện đồng bộ các giải pháp chống ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn giao thông và trật tự xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục triển khai tốt công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí; lưu ý các cơ quan thông tấn báo chí khi đăng tải, tuyên truyền về các vấn đề, sự việc phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, hết sức tránh những từ ngữ mang tính kích động, gây bất lợi cho lợi ích của đất nước, của nhân dân...

Đảm bảo tăng trưởng tín dụng hợp lý để vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát; bảo đảm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, ổn định tỷ giá; hỗ trợ tín dụng xây dựng nhà cho các đối tượng xã hội, người có thu nhập thấp. Cùng với đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nắm chắc về tình hình doanh nghiệp; phân tích, làm rõ thực trạng những khó khăn của doanh nghiệp, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo giải quyết việc làm cho người lao động.

Về dự thảo Đề án đề tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục làm rõ hơn những nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ của cơ quan mình; cần bám sát định hướng, quan điểm chỉ đạo về tái cơ cấu kinh tế; đánh giá thực trạng, thuận lợi, khó khăn của quá trình tái cơ cấu; làm rõ mục tiêu của tái cơ cấu, nội dung của tái cơ cấu, giải pháp thực hiện... để hoàn thiện đề án này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội.

Tại phiên họp, Chính phủ cũng thảo luận, đóng góp ý kiến bước đầu về các dự án luật: Phòng, chống khủng bố; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Việc làm.

THIỆN THUẬT (TTXVN)

Chia sẻ bài viết