26/02/2023 - 11:32

Đặc điểm cư trú của người Việt vùng Tây Nam Bộ 

Trần Phỏng Diều

Tập quán cư trú theo làng xã - nơi lấy ngành nghề và quan hệ huyết thống làm đầu - của người Việt thay đổi khi theo bước chân những người đến Tây Nam Bộ khẩn hoang. Vì điều kiện môi trường sinh thái và xã hội đặc trưng của vùng đất, những người đi khẩn hoang không thể duy trì thói quen cư trú như ở quê nhà. Trong đó, việc lựa chọn địa bàn cư trú có ý nghĩa rất quan trọng, bởi an cư mới lạc nghiệp.

Nhà ven kinh rạch là đặc trưng ở Nam Bộ. Ảnh: DUY KHÔI

Việc trước tiên mà những người khẩn hoang phải làm là tìm đất để dựng nhà, ổn định cuộc sống lâu dài trên vùng đất mới. Do đó “quá trình định cư của những lưu dân thường diễn ra theo trình tự: lập làng, lập chợ, lập đình... Ở thời kỳ đất đai còn hoang vu, những lưu dân thường chọn nơi có bến sông thuận tiện và những nơi thoáng đãng có sẵn nước ngọt (có thể là nơi có sông suối, kênh, rạch, hoặc có thể đào giếng lấy nước), tránh những nơi nê địa, sình lầy, vừa có điều kiện ngừa được bệnh tật, vừa phòng được thú dữ, rồi từ đó mở rộng dần địa bàn khai phá đất đai, phát triển sản xuất”(1).

Cho nên sống gần sông rạch là loại hình cư trú phổ biến nhất ở khu vực Tây Nam Bộ. Việc cư trú ven sông đã tạo thuận lợi cho việc di chuyển bằng đường thủy, phù sa sông rạch bồi đắp quanh năm thuận lợi cho việc dẫn thủy nhập điền, tưới tiêu ruộng đồng, hoa màu; nơi ở thoáng mát cùng bao tiện ích của cuộc sống sinh hoạt thường nhật: tắm giặt, đánh bắt thủy hải sản, giao lưu trao đổi hàng hóa, bán buôn… rồi dần dần hình thành nên những phố thị ven sông. Ðiều này đã được Trịnh Hoài Ðức miêu tả trong “Gia Ðịnh thành thông chí” về phố chợ Sa Ðéc: “Phố chợ dọc theo bờ sông, nhà cửa hai bên tương đối liên tiếp 5 dặm; dưới sông có những bè tre, gác làm phòng ốc, đậu sát với nhau, hoặc bán hàng lụa khí dụng ở Nam Bắc chở đến, hoặc bán dầu rái, than, mây, tre v.v… trên bờ và dưới sông trăm thức hàng hóa tốt đẹp, trông khá vui vẻ, thật là thắng địa phồn hoa vậy”(2).

Dạng cư trú phổ biến đầu tiên và rất phổ biến ở vùng Tây Nam Bộ là trước sông sau ruộng. Người ta sống tập trung nhau thành một dải dài theo dòng chảy của con sông. Mỗi nhà cách nhau bằng một khoảnh đất trống, một bụi chuối, hay hàng cây nào đó. Nhà ở chính giữa, phía trước là lộ đất nhỏ rồi mới tới sông. Ở bến sông, người ta bắt cây cầu ván de ra mé sông để làm nơi giặt giũ, tắm gội, rửa chén cũng như mọi sinh hoạt khác cần đến nguồn nước. Có khi người ta chỉ để một hoặc hai thân cây dừa nằm lài từ trên bờ đến mé sông để làm cầu. Trên thân dừa, người ta dùng dao đẽo một vài miếng tạo thành bậc thang phòng trơn trợt khi cây dừa ngâm dưới nước lâu ngày. Kế bên cầu thường là chỗ đậu ghe, xuồng để thuận tiện mỗi khi di chuyển. Có khi, người ta cất một mái lá de ra sông để ghe xuồng đậu tránh nắng mưa. Dọc theo triền sông thường là những hàng cây so đũa, điên điển, bần, dừa… Mô hình này rất thuận lợi cho nông dân ở vùng sông nước. Sáng ra sau nhà làm đồng, mò cua, bắt ốc; trưa, chiều ra bờ sông phía trước tắm, giặt giũ, câu cá, đặt vó, kéo lưới… Nếu không có việc phải đi xa, nông dân ở đây chỉ quẩn quanh từ trước tới sau nhà thì nhu cầu cơ bản của cuộc sống cũng tạm đáp ứng được.

Người Nam Bộ vẫn tư duy về địa thế nhà ở: “nhất cận thị, nhị cận giang”, “trên bến, dưới thuyền”. Ảnh: DUY KHÔI

Dạng cư trú thứ hai mà ta cũng thường thấy đó là địa bàn cư trú ở vùng giáp nước. Nơi đây thường diễn ra các buổi họp chợ, buôn bán, trao đổi hàng hóa, giao lưu, trao đổi thông tin. Giáp nước là nơi đổi con nước, ghe xuồng ngược xuôi thường hay ghé lại nghỉ ngơi, vào hàng quán để ăn uống đợi con nước sau. Ðiều này rất thuận tiện, vì cả hai chuyến đi về đều đi con nước xuôi, chèo chống đỡ mệt, khỏi phải tốn nhiều công sức. “Ði trên kinh rạch Nam Việt, gặp chỗ giáp nước thì luôn luôn ta thấy một cái chợ hoặc lớn hoặc nhỏ, ít nhất cũng là một xóm có vài quán bán hàng, vì chỗ giáp nước là chỗ đổi con nước; mười ghe thì chín ghe đậu lại đợi con nước sau. Trong khi nghỉ, người ta lên bờ mua thức ăn, đồ dùng, uống trà, cà phê, thế là tự nhiên nổi lên cái chợ. Tóm lại, chỗ giáp nước cũng tựa như một nhà ga có chỗ tránh trên đường thủy vậy”(3).

Ngoài việc mở hàng quán bán đồ ăn, thức uống, những nhà cư trú nơi giáp nước cũng mở các cửa tiệm: nhà may, sửa máy xuồng, máy ghe, vá xoong, vá chảo, tiệm tạp hóa… Giáp nước là nơi làm ăn được, nên càng ngày người ta kéo đến ở càng đông, rồi cửa tiệm thi nhau mọc lên, tạo nên một xóm chợ đông đúc và vui nhộn. Lần lần hình thành nên những khu, những xóm dân cư sinh sống cùng một nghề, cùng chia sẻ những hoạn nạn, khó khăn, thương yêu và đùm bọc lẫn nhau.

Dạng cư trú kế tiếp là trước đường sau sông. Ðặc điểm cư trú này hình thành sau hai mô hình kia. Mô hình nhà ở này hình thành khi công cuộc khai phá đất hoang đã hoàn tất, cuộc sống xã hội phát triển, nhu cầu giao thương đã cao. Mô hình nhà ở này thường tập trung ở nơi dân cư đông đúc, đường sá thuận tiện. Phía trước nhà là đường đất, hoặc đã được lót đan, có khi tráng xi măng, tráng nhựa. Ðường tương đối lớn, đối diện bên kia đường thường là một dãy nhà, tạo nên thế đối diện và tâm điểm là con đường này. Phía sau nhà thường là sông lớn, người ta cho bắc cầu để tiện việc sinh hoạt. Nhà kiểu này thường có đặc điểm trước là nền đất sau là nhà sàn. Phía nhà sàn dùng cho sinh hoạt cá nhân của các thành viên trong gia đình, như: nấu bếp, đặt vài cái lu chứa nước, làm nhà tắm, nhà vệ sinh. Ðôi khi người ta cất thêm một cái chái bên nhà để làm chỗ đậu ghe xuồng. Nhà ở kiểu này ngoài tiện cho cho việc sinh hoạt vì ở gần nguồn nước còn thuận lợi khác là được cả hai mặt tiền. Mặt trước, mặt sau đều có thể buôn bán, hoặc có việc đi lại khi cần.

***

Do cư trú dọc theo các triền sông và mật độ dân cư thưa thớt, trải dài trên một không gian rộng nên làng xã ở Tây Nam Bộ không có cổng làng như ở Bắc Bộ. “Nhà ở thì ít khi có hàng rào chắc chắn. Ranh giới giữa nhà này với nhà khác có khi là một con mương rộng độ vài mét. Nếu có hàng rào thì cũng nặng về quy ước ranh giới và để trang trí hơn nhằm mục đích bảo vệ, chống trộm cắp. Cổng vào nhà cũng vậy, cánh cổng thường không đóng, nhiều nơi chủ nhà trồng hai bên ngõ hai cây bông giấy hoặc dâm bụt và uốn giao cành với nhau, tạo thành một vòm cong làm cổng tượng trưng”(4). Như vậy, do đặc điểm môi trường sinh thái đặc trưng ở Tây Nam Bộ mà việc lựa chọn địa bàn trú của người dân nơi đây cũng khác biệt. Sự khác biệt này đã hình thành nên nếp nghĩ, lối sống, phong tục… mang nét riêng của người dân nơi đây.

---------------------

(1) Thạch Phương - Hồ Lê - Huỳnh Lứa - Nguyễn Quang Vinh (1992), “Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ”, NXB KHXH, tr.54-55.

(2) Trịnh Hoài Đức (1972), “Gia Định thành thông chí”, Nha văn hóa Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, tr.128.

(3) Nguyễn Hiến Lê (2002), “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.34.

(4) Thạch Phương - Hồ Lê - Huỳnh Lứa - Nguyễn Quang Vinh, Sđd, tr.55-56.

Chia sẻ bài viết