06/11/2011 - 20:19

FESTIVAL LÚA GẠO VIỆT NAM LẦN THỨ II

Đã sẵn sàng cho ngày hội lớn

Con tàu xuất khẩu và con đường lúa gạo
Việt Nam. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Đã nhiều năm trôi qua, kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay, người dân Sóc Trăng mới được sống trong bầu không khí của một lễ hội, mang tầm quốc gia và quốc tế. Đường phố, nhà cửa như rực rỡ, sạch đẹp hẳn lên với những sắc màu cờ hoa, băng rôn, áp pích... để đón chào, níu chân du khách gần xa... Sóc Trăng đã sẵn sàng đón chào ngày hội lớn!

* Lúa về... thành phố

Dù đã khá quen thuộc với cây lúa, hạt gạo, nhưng sự xuất hiện của những bụi lúa xanh rờn, oằn bông trên dải phân cách xuyên suốt tuyến đường Hùng Vương đã thật sự gây thích thú cho người dân TP Sóc Trăng. Con đường lúa gạo trải dài từ ngã ba Trà Men đến cổng Trung tâm Văn hóa-Triển lãm Hồ nước ngọt dài 1.200m đã được lấp đầy bằng 47.000 bụi lúa trên dải phân cách. Anh Phạm Hồng Vân, một chủ tiệm sửa xe lâu năm trên đường Hùng Vương chia sẻ: “Lâu nay, ai cũng nghĩ cây lúa chỉ sống được trên đồng. Đâu có ngờ nó còn có thể sống và trổ bông ngay cả ở trung tâm thành phố... Nhìn những bụi lúa oằn bông cứ ngỡ như đó là cánh đồng của mình vậy!”. Chị Huỳnh Thị Bích ở đường Hùng Vương, TP Sóc Trăng, nói trong niềm vui: “Tôi sống ở đây lâu rồi chưa bao giờ thấy thành phố đẹp, náo nức như bây giờ. Mở mắt ra thấy những bụi lúa trổ suốt đoạn đường, tôi cứ tưởng mình đang ở cạnh đồng lúa của vùng quê...”.

Các hạng mục chính của khu triển lãm đã được hoàn thiện các công đoạn cuối. Tại đây có các khu vực trình diễn các giống lúa của Việt Nam và thế giới (lúa hoang, lúa mùa, lúa cao sản, lúa lai); mô hình mạ, hình con chuồn chuồn từ mạ; trình diễn mô hình trồng lúa bậc thang; trưng bày các tiêu bản thể hiện sự tiến bộ công nghệ đối với cây lúa; trưng bày mô hình hạt lúa, bông lúa; các sản phẩm từ lúa; các mô hình thủy sản và cây lúa nước cùng nhau; sa bàn trưng bày các mô hình canh tác lúa (lúa cạn, lúa có tưới, lúa nước sâu, lúa nổi...); mô hình đặc trưng canh tác 3 miền (đồng bằng sông Hồng, đồng bằng ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long); poster trình bày về cây lúa và kỹ thuật canh tác; tái hiện cánh đồng quê với nhà rơm, cầu tre, trâu cày, gàu tát nước, giã gạo...

* Những sắc màu lễ hội

Trên các tuyến đường chính của trung tâm TP Sóc Trăng, những ngày này đỏ rực lên một sắc màu cờ, cùng những băng rôn, khẩu hiệu đón chào Festival Lúa gạo lần thứ II. Tại hai nút giao thông chính là ngã ba Trà Tim và Trà Men, những công việc cuối cùng đã hoàn thành. Đây cũng là hai điểm nhấn đầu tiên đối với du khách khi đến tham dự Festival. Những công trình phục vụ khác như: nút giao thông đường Trần Hưng Đạo-Lê Hồng Phong, vòng xuyên và cổng chào vào khu du lịch Chùa Dơi, sân khấu Hồ nước ngọt... cũng đã hoàn thiện sẵn sàng cho ngày hội lớn nhất này. Về đêm từ đường Trần Hưng Đạo xuôi về đường Lê Duẩn đến Lý Thường Kiệt qua cầu Méspero vừa mới xây xong, vòng qua khán đài đua ghe ngo đâu đâu cũng lung linh ánh đèn màu, cũng thấy xe và người đông đúc. Anh Trà Thanh Tiến ở xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, nói: “Tôi xem đài truyền hình và nghe bà con nói TP Sóc Trăng ngày này đẹp lắm, nên buổi tối tôi chở vợ con đến chơi. Quả thật, thành phố đẹp như mơ!”.

Hơn tháng qua, UBND TP Sóc Trăng đã phát động lời kêu gọi đến tất cả nhân dân trên địa bàn tham gia hưởng ứng sự kiện lớn này. Từng phường còn vận động nhân dân thực hiện lát gạch vỉa hè, làm đẹp các tuyến phố và làm mới cột cờ bằng inox ở các tuyến đường chính để treo cờ tổ quốc... Trong những ngày qua, lực lượng tình nguyện đi khắp các tuyến đường chính để thu gom rác thải, làm sạch, đẹp hơn cho đường phố. Người dân TP Sóc Trăng ngập tràn niềm vui đón chào sự kiện lớn diễn ra trên quê hương với quyết tâm xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, tạo được ấn tượng đẹp nơi du khách đến tham gia lễ hội. Ông Trần Giáp Long, Phó Chủ tịch UBND phường 2, cho biết: “Đây là sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn TP Sóc Trăng nên chúng tôi muốn tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Người dân trong phường cũng đồng tình rất cao và tích cực tham gia các hoạt động do chính quyền phát động...”.

* Kỳ vọng từ Festival

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Hội chợ quốc tế và phát triển nông thôn ( IFA), Ủy viên Thường trực Ban tổ chức Festival lúa gạo lần II cho biết: Từ kinh nghiệm tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần I, Festival lần này sẽ có những nét mới và độc đáo hơn trên nhiều phương diện. Các hoạt động tại Festival lần này có sự tham gia đông đủ với tinh thần trách nhiệm cao của các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ và những người tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam. Các hội thảo được chuẩn bị chu đáo, hội thi cũng có quá trình chuẩn bị tốt và có nội dung rõ ràng...

Ông Lâm Vĩnh Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Toàn tỉnh hiện có 30 khách sạn, gần có 750 phòng với sức chứa gần 8.820 khách. Số lượng này chỉ đáp ứng một phần so với nhu cầu. Bởi Festival lúa gạo Việt Nam lần II diễn ra ngay dịp Lễ hội Ok-om-bok - Đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer nên lượng khách đến tham quan rất đông. Vì thế, việc bình ổn giá cả dịch vụ và chất lượng phục vụ tại các khách sạn sẽ được tỉnh quan tâm và chỉ đạo sát sao.

Theo Hiệp hội Du lịch Sóc Trăng các nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ liên quan đến du lịch cũng nâng cấp cơ sở vật chất, tập huấn đội ngũ nhân viên để đảm bảo cung cấp chất lượng phục vụ tốt nhất.

Festival lần này có khoảng 1.000 đơn vị gian hàng tham gia. Vì thế, rất nhiều kỳ vọng được đặt vào sự kiện lớn này. Ông Trần Kiến Quốc, Chủ DNTN bánh pía, lạp xưởng Quảng Hưng, bày tỏ: “Không có cơ hội nào tốt hơn để làng nghề bánh pía lạp xưởng Sóc Trăng giới thiệu mình đến với du khách và nhà kinh doanh. Hy vọng, sau Festival sẽ có thêm nhiều du khách biết đến sản phẩm truyền thống của làng nghề như: bánh pía, mè láo, lạp xưởng... để sản phẩm làng nghề thêm vươn xa”. Anh Trần Lập Nghĩa, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Sóc Trăng, hào hứng: “Festival Lúa Gạo Việt Nam lần thứ II năm 2011, tổ chức tại Sóc Trăng sẽ mở ra cơ hội phát triển hoạt động giao thương, hợp tác đầu tư, thỏa thuận và thực hiện các hợp đồng kinh tế, cũng như thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các vùng miền trong cả nước và bạn bè quốc tế. Do đó, đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cũng như cả nước quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm một cách trực quan nhất”.

Anh Quách Văn Quang, Chủ nhiệm HTX sản xuất lúa giống chất lượng cao Vĩnh Tiền tranh thủ “tham quan” thành phố trước ngày khai mạc. Anh cho biết: “HTX Vĩnh Tiền chủ yếu là các loại giống lúa thơm Sóc Trăng 19, 20 (ST19, ST20). Chúng tôi cũng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP nên các xã viên HTX rất hy vọng, qua Festival này, gạo thơm Sóc Trăng sẽ được nhiều người tiêu dùng, nhà doanh nghiệp, trong và ngoài nước biết đến, như một loại gạo ngon nhất hiện nay”. Nữ nông dân sản xuất lúa giỏi vùng tôm-lúa Mỹ Xuyên, Nguyễn Thị Tươi cũng kỳ vọng: “Lúa thơm Sóc Trăng sản xuất trên vùng nuôi tôm không chỉ ngon mà còn an toàn bởi ít sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Tôi tin, sau Festival lần này sẽ có nhiều doanh nghiệp để mắt tới vùng nguyên liệu lúa thơm độc đáo này”.

* * *

Tất cả đã sẵn sàng cho ngày hội lớn để Sóc Trăng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp, không chỉ trên lĩnh vực lúa gạo mà còn ở các lĩnh vực kinh tế khác. Một sự kiện lớn, một cơ hội lớn đang mở ra và Sóc Trăng đang nỗ lực hết mình cho sự thành công của sự kiện lớn này.

Nhóm PV - CTV

Con tàu xuất khẩu và con đường lúa gạo Việt Nam. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết