23/12/2010 - 14:31

Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 30 tại TP Cần Thơ

Đã đến lúc cần đổi mới toàn diện truyền hình cho trẻ em

“Vườn âm nhạc” - một chương trình thiếu nhi có nội dung khá hay của HTV, nhưng lại phát sóng vào 8 giờ sáng thứ năm. Ảnh: htv.vom.vn

Trong khuôn khổ Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 30, Hội thảo “Truyền hình cho trẻ em trước thách thức thời đại mới” là một trong những sự kiện được dư luận và người làm nghề trong lẫn ngoài nước quan tâm. Hội thảo đã rút ra nhận định: để truyền hình cho trẻ em làm tốt vai trò giáo dục, giải trí và định hướng chân thiện mỹ, cần phải đổi mới và đầu tư để thể loại này theo kịp nhu cầu của khán giả nhỏ tuổi.

Nhiều vướng mắc hay thiếu sự quan tâm?

Theo TS Huỳnh Văn Sơn, Trung tâm Ý tưởng Việt, qua cuộc điều tra xã hội học, hiện nay chỉ có 20-25% trẻ em thường xuyên xem các chương trình thiếu nhi trên truyền hình. Nguyên nhân đầu tiên là sự phát triển của công nghệ thông tin và các loại hình giải trí khác đã phân tán khán giả nhỏ tuổi. Nguyên nhân kế đó là áp lực học tập hiện nay khiến hầu hết trẻ em không còn nhiều thời gian giải trí. Tuy nhiên, bà Huỳnh Mai Hương, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, nêu lên một vấn đề cũng cần quan tâm: “Chúng tôi nhiều lần bị các em và phụ huynh chất vấn: Sao bây giờ khó tìm chương trình thiếu nhi. Có phải các đài ít chương trình hơn không?”.

40 năm trước đây, truyền hình Việt Nam chỉ có chương trình “Những bông hoa nhỏ” (chủ yếu là ca nhạc thiếu nhi và phóng sự ngắn) và một vài đầu phim hoạt hình của Liên Xô (cũ). Hiện nay nội dung và hình thức các chương trình thiếu nhi phong phú hơn rất nhiều, bao gồm cả sân khấu, phim truyện (ngắn và cả dài tập), trò chơi truyền hình, tạp chí truyền hình, ca nhạc, phim hoạt hình trong và ngoài nước... Vấn đề là ngày nay các chương trình dành cho người lớn lấn át chương trình thiếu nhi.

Thống kê từ lịch phát sóng của đài truyền hình trong năm 2010 cho thấy một thực tế đáng buồn, ở hầu hết các đài, thời lượng phát sóng chương trình thiếu nhi chỉ chiếm từ 1 đến 2%. Đài có tỷ lệ phát chương trình thiếu nhi cao như PT-TH Đà Nẵng, Hà Nội, VTV2, VT6, HTV... cũng chỉ gần 4 đến 10%. Khung giờ phát sóng chủ yếu là 6 giờ 30, 7 giờ 30, 14 giờ 30, 16 giờ 30, 17 giờ - rất “trái khoáy” so với lịch học tập và sinh hoạt của các em. Nếu như 40 năm trước các chương trình thiếu nhi luôn được ưu tiên “giờ vàng” 19 đến 19 giờ 30, thì hiện nay phần nhiều kênh truyền hình phát 12 đến 24 giờ mỗi ngày nhưng đều dành hết khung giờ vàng dành cho phim truyện và trò chơi truyền hình. Chương trình thiếu nhi bị đẩy vào những giờ các em phải đến trường, hoặc vào buổi sáng sớm và quá khuya.

Đáng nói là nội dung của một số không nhỏ chương trình gọi là “dành cho thiếu nhi’ cũng không hoàn toàn dành cho thiếu nhi, mà “kết hợp” phục vụ cả người lớn. Chất lượng của các chương trình thiếu nhi cũng chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ giải trí hiện nay, mà hầu hết theo lối mòn. Nhạc sĩ Thế Long, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Cần Thơ - nêu một thí dụ: “Trước đây, CVTV có trò chơi truyền hình, dạy hát, kể chuyện, tường thuật các liên hoan văn nghệ thiếu nhi... Nhưng hiện nay chỉ còn ca nhạc, tạp chí và sân khấu thiếu nhi. Chương trình sản xuất trong 2 năm gần đây giảm từ 147 chương trình/năm xuống còn 47”.

Nguyên nhân chính của các tình trạng trên là thiếu hụt nhân lực. Gần như ở hầu hết các đài truyền hình, người làm chương trình thiếu nhi được đào tạo từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ phải kiêm nhiệm nhiều công tác khác để đảm bảo thu nhập vì kinh phí sản xuất các chương trình thiếu nhi thường thấp hơn các thể loại khác. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, ngay cả khi có tiền, cũng chưa chắc sẽ có những chương trình thiếu nhi hấp dẫn, mới mẻ. Chị Thanh Loan, Biên tập viên chương trình thiếu nhi Đài PTTH Bình Dương, phát biểu: “Ở đài tôi kinh phí làm chương trình khá cao. Nhưng chỉ có vài người làm. Như tôi gắn bó với chương trình thiếu nhi 15 năm nay, chưa từng được tham gia các lớp tập huấn hay nghiệp vụ liên quan. Chỉ làm theo những gì mình biết và được truyền lại từ những người đi trước. Đôi lúc chúng tôi cũng trăn trở, tìm tòi ý tưởng mới, thì không có sự hỗ trợ”.

Đổi mới là chuyện bức xúc

Điều tâm đắc nhất là hội thảo nhất trí không thể cứ mãi đổ lỗi do hoàn cảnh khách quan hay chủ quan. Chương trình thiếu nhi trên truyền hình cần đổi mới để thích ứng sự bùng nổ của công nghệ thông tin và đòi hỏi ngày càng cao của khán giả nhỏ tuổi, đang được tiếp cận với đủ loại hình giải trí hiện đại và hấp dẫn của nước ngoài, nhất là đến từ Mỹ.

Bà Huỳnh Mai Hương, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh kiến nghị “Phải cải thiện chất lượng các chương trình thiếu nhi. Đội ngũ làm nghề cần được đào tạo và tiếp cận với những chuyên gia làm chương trình thiếu nhi ở các nước tiên tiến”. Những người làm truyền hình cho thiếu nhi rất mong muốn được hợp tác với các công ty truyền thông hay các kênh truyền hình chuyên về thiếu nhi trong và ngoài nước để học hỏi và nâng cao nghiệp vụ. Cơ chế thông thoáng sẽ kích thích sự sáng tạo, năng động, tạo nên nhiều chương trình thiếu nhi hay và đậm bản sắc văn hóa từng vùng miền, địa phương. Những ý kiến trên nhận được sự đồng tình ủng hộ lớn của nhiều người làm truyền hình cho thiếu nhi cả nước.

Những đề xuất từ Hội thảo đã được bà Jan Stradling đại diện kênh truyền hình quốc gia dành cho trẻ em Australia ABC, chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi cũng gặp phải những vấn đề như Việt Nam bây giờ. Khán giả dưới 15 tuổi gần như bị truyền hình bỏ quên. Chúng tôi đã thuyết phục chính phủ hỗ trợ thành lập đài ABC chuyên dành cho thiếu nhi và cũng đồng thời phát trên internet. Thời gian đầu, từng bước đi rất gian nan, gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đài nước ngoài, đặc biệt là của Mỹ. Cuối cùng chúng tôi đã tạo được một kênh truyền hình đậm bản sắc Australia cho khán giả nhỏ tuổi. Điều lớn nhất chúng tôi làm được là tô đậm những tính cách đặc trưng và tinh thần yêu thiên nhiên, ưa thích phiêu lưu của người Australia. Truyền hình dành cho thiếu nhi không đơn thuần là tạo cho các em một kênh giải trí, mà còn là khơi gợi và gìn giữ tinh thần dân tộc trong các em từ khi còn nhỏ”. Bà Wang Ke, đến từ kênh truyền hình dành cho trẻ em của đài truyền hình Trung ương Trung Quốc cũng đồng ý với nhận định của đài ABC.

Có thể nói rằng lần đầu tiên những người làm truyền hình Việt Nam cùng ngồi lại để thẳng thắn nhìn nhận chất lượng chương trình dành cho thiếu nhi. Tất cả những ý kiến sẽ được ghi nhận và đề xuất lên Ban Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, nhằm sớm có kế hoạch, chiến lược để khán giả nhỏ tuổi - những người chủ tương lai của đất nước - không bị thiệt thòi.

Xuân Viên 

Chia sẻ bài viết