15/09/2015 - 08:37

Đa dạng hóa ngành nghề đào tạo theo hướng hội nhập

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải đa dạng hóa loại hình, hình thức đào tạo để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cạnh tranh và khắt khe. Đây là hướng mở trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở TP Cần Thơ, nhưng khi triển khai vẫn còn không ít nỗi lo.

* Mở rộng ngành nghề

Theo Thạc sĩ Trần Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Miền Tây TP Cần Thơ, năm học 2015-2016, bên cạnh những ngành truyền thống, trường còn xét tuyển đào tạo chứng chỉ các chuyên ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, với thời gian 6 tháng. Nhất là xét tuyển đào tạo các ngành hệ chuyển đổi (giống như bằng thứ 2) thuộc lĩnh vực sức khỏe. Để tham gia khóa học chuyển đổi, người học phải có bằng trung cấp và học thêm 1 năm nữa để lấy bằng y sĩ, dược, điều dưỡng. Nếu đã tốt nghiệp ngành khác ở trình độ đại học, cao đẳng, học viên học thêm 1,5 năm để lấy bằng trung cấp y, dược. Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện cho các học viên có nhu cầu sang nước ngoài làm việc, trường tạo điều kiện cho học viên học thêm tiếng Anh hoặc tiếng Nhật (tại TP Hồ Chí Minh). Hiện nay, trường còn phối hợp với Công ty Newtatco, Nhật (hợp tác với Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ tuyển lao động đi làm việc tại Nhật Bản) tổ chức tư vấn, đào tạo kỹ năng "mềm" cho học sinh, cũng như dạy tiếng Nhật cho học sinh có nhu cầu. Bà Bình nói: "Thời gian qua, trường có một số học sinh đi làm việc ở Nhật. Nếu nhiều học sinh có nhu cầu học tiếng Nhật, trường sẽ phối hợp mở lớp đào tạo buổi tối. Định hướng của trường là đào tạo tích hợp, vừa đào tạo chuyên ngành, vừa lồng ghép giảng dạy ngoại ngữ. Sau khóa học, trường tạo điều kiện để học sinh tiếp cận nguồn vay ưu đãi để các em tham gia xuất khẩu lao động".

Giờ học thực hành của học sinh Trường Trung cấp Miền Tây TP Cần Thơ.

Không riêng gì Trường Trung cấp Miền Tây TP Cần Thơ, một số trường cao đẳng (CĐ) ở TP Cần Thơ như: CĐ Y tế Cần Thơ, CĐ Nghề Cần Thơ… đã và đang mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, nhất là ngành nghề chất lượng cao theo chuẩn quốc tế, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Từ năm 2008, Trường CĐ Y tế Cần Thơ đã đào tạo trung cấp các ngành tăng cường tiếng Anh, gồm: Điều dưỡng, dược, y sĩ... Đây được xem là chương trình đào tạo chất lượng cao của trường (giống chương trình bình thường nhưng gấp đôi thời lượng học tiếng Anh). Học sinh sau khi tốt nghiệp vững vàng về chuyên môn và giỏi về ngoại ngữ, có thể làm việc tại các đơn vị nước ngoài.

Là một trong những trường nghề trên cả nước được Tổng cục Dạy nghề Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đầu tư các dự án trọng điểm để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường CĐ Nghề Cần Thơ được thụ hưởng Dự án Đào tạo nghề trọng điểm một số nghề ở 3 cấp độ: tiêu chuẩn quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia. Sinh viên theo học chương trình này không chỉ vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn giỏi về ngoại ngữ; sau khi ra trường có thể làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Cần Thơ Nguyễn Trọng Sơn cho biết: Đầu năm 2015, trường là một trong 9 trường của Việt Nam được chọn đầu tư trở thành trường chất lượng cao theo chuẩn quốc tế và là một trong 25 trường được đầu tư đào tạo chuẩn quốc tế 12 nghề. Trường CĐ Nghề Cần Thơ đào tạo 2 nghề là Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm) và Quản trị mạng máy tính. Đối với trường nghề, phần thực hành chiếm 70% chương trình đào tạo nên học sinh vững vàng về tay nghề cùng với trang bị vốn ngoại ngữ, đủ khả năng làm việc ở môi trường nước ngoài.

* Còn nhiều nỗi lo

Những năm gần đây, để nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở đào tạo trên địa bàn TP Cần Thơ đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, phục vụ dạy và học. Chẳng hạn như, Trường Trung cấp Miền Tây TP Cần Thơ, chỉ sau vài năm thành lập, "cơ ngơi" của trường ngày càng khang trang, hiện đại khi hàng loạt phòng học, phòng thí nghiệm được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị, phục vụ dạy và học. Trường CĐ Nghề Cần Thơ đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng Nhà thi đấu đa năng, khối nhà xưởng 4 tầng và thư viện điện tử… Không chỉ đào tạo các ngành nghề truyền thống, các trường hướng đến đào tạo những ngành nghề theo hướng chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên quá trình thực hiện, các trường không khỏi lo lắng, trăn trở. Theo cán bộ các trường, trước tiên là trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) của học viên không đồng đều nên ít nhiều gặp khó khăn trong dạy và học. Kế đến là giảng viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe cần giỏi ngoại ngữ chuyên ngành này… Thạc sĩ Nguyễn Trọng Sơn cho rằng: "Khi triển khai chương trình chất lượng cao, trường gặp khó khăn lớn nhất là đội ngũ giảng viên không đủ, yếu về trình độ ngoại ngữ. Bởi quy định năm thứ nhất, giảng viên dạy chuyên môn bằng tiếng Anh khoảng 20%-30%; nâng dần đến năm cuối bằng khoảng 60%-80%. Trong khi trình độ ngoại ngữ của giảng viên chưa thể đáp ứng yêu cầu". Theo Thạc sĩ Trần Thị Thanh Bình, nguồn tuyển sinh luôn là nỗi lo đối với các trường trung cấp nói chung và trường Trung cấp Miền Tây TP Cần Thơ nói riêng. Bởi năm nay kỳ thi THPT diễn ra trễ hơn so với mọi năm nên ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ tuyển sinh của trường. Bên cạnh đó, tâm lý học sinh, phụ huynh vẫn "chuộng" học đại học hơn nên các trường đại học gần như lấy hết chỉ tiêu…

Các trường sẽ còn rất nhiều lo lắng, trăn trở cần "giải tỏa" khi triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao theo hướng hội nhập quốc tế, nhưng rõ ràng, việc mở rộng quy mô, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo đã cơ bản đáp ứng nhu cầu người học. Qua đó góp phần tích cực trong việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, phục vụ nhu cầu phát triển không ngừng của thành phố.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết