22/05/2023 - 10:17

Đa dạng các kênh tiêu thụ cho trái măng cụt 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Măng cụt trồng tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL đã cho thu hoạch rộ nên lượng măng cụt đưa về bán tại các chợ và điểm kinh doanh trái cây rất dồi dào. Từ giữa tháng 5-2023, giá bán lẻ trái măng cụt chín tại nhiều chợ và điểm kinh doanh trái cây trên địa bàn chỉ còn trên dưới 60.000 đồng/kg, trong khi trước đó một vài tuần có giá lên đến 80.000-90.000 đồng/kg. Tuy vậy, nhìn chung giá bán măng cụt vẫn còn ở mức khá cao so với nhiều loại trái cây khác và nhà vườn trồng măng cụt vẫn còn nhiều thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh tiêu thụ trái măng cụt chín, nhiều nhà vườn  trồng măng cụt tại TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL còn có thể bán được măng cụt trái còn sống với mức giá từ 40.000-50.000 đồng/kg.

Do nguồn cung tăng khi bước vào mùa thu hoạch rộ, giá măng cụt đã giảm đáng kể so với trước. Trong ảnh: Măng cụt được bày bán tại một điểm kinh doanh trái cây trên địa bàn TP Cần Thơ.

Do nguồn cung tăng khi bước vào mùa thu hoạch rộ, giá măng cụt đã giảm đáng kể so với trước. Trong ảnh: Măng cụt được bày bán tại một điểm kinh doanh trái cây trên địa bàn TP Cần Thơ.

Năm nay, nhu cầu tiêu thụ trái măng cụt sống tại nhiều địa phương đã tăng mạnh khi gỏi măng cụt thịt gà trở nên nổi tiếng và nhiều người tiêu dùng muốn thưởng thức món ăn này được chế biến từ trái măng cụt sống. Món gỏi măng cụt thịt gà đã được quảng bá rầm rộ trên nhiều hội nhóm và trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok… đã thu hút sự quan tâm của nhiều người và trở thành món ăn hút khách. Nhiều tiểu thương cũng đã tìm đến tận vườn của nông dân để mua măng cụt sống với số lượng khá lớn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhà vườn TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL trong tiêu thụ trái măng cụt. Theo nhiều nhà vườn trồng măng cụt ở TP Cần Thơ, thương lái thu mua trái măng cụt sống không chỉ giúp nông dân giảm chi phí nhân công chăm sóc và thu hoạch trái mà còn góp phần giảm áp lực trong tiêu thụ sản phẩm khi bước vào mùa măng cụt chín rộ, hạn chế được tình trạng rớt giá. Măng cụt khi thu hoạch trái sống có thể thu hoạch đồng loạt, còn thu hoạch bán trái chín, nông dân phải tốn nhiều công sức để tuyển lựa những trái chín. 

Bán được trái măng cụt sống là tín hiệu vui cho người trồng măng cụt, giúp đa dạng kênh tiêu thụ và mở ra triển vọng trong nâng cao giá trị cho vườn măng cụt. Tuy nhiên, việc tiêu thụ trái măng cụt sống tại nhiều địa phương vẫn còn hạn chế do nhiều người vẫn còn thiếu thông tin và chưa rành về cách sử dụng và chế biến món ăn từ trái măng cụt sống. Hiện có không ít nhà vườn ngại bán trái măng cụt sống do sợ tuyển lựa bán trái sống sẽ gặp khó khi kêu bán trái lúc chín, nhất là khi thương lái không bao tiêu thu mua trọn vườn. Thực tế cho thấy, trái măng cụt sống chủ yếu được rao bán rầm rộ trên các trang mạng xã hội và hình thức bán hàng online, chứ lượng măng cụt sống được bày bán tại các chợ và điểm bán trái cây cố định vẫn hạn chế và sức tiêu thụ cũng khá chậm. Do vậy, ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân nắm bắt và phát huy việc tiêu thụ trái măng cụt sống  bền vững và lâu dài. Chú ý đẩy mạnh tiêu thụ trái măng cụt sống gắn với phát triển du lịch. Nâng cao khả năng bảo quản, chế biến và xuất khẩu trái măng cụt để giúp nông dân trồng măng cụt thoát khỏi điệp khúc “rộ mùa, rớt giá”.

Măng cụt không những là loại trái cây ngon mà nó còn chứa nhiều loại vitamin và dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Đây cũng là loại trái cây rất an toàn cho người sử dụng bởi cây măng cụt ít bị sâu bệnh nên trong quá trình trồng, nông dân ít sử dụng các loại thuốc hóa học để phun cho cây. Tuy nhiên, trồng loại trái cây này, nông dân phải tốn rất nhiều công sức và thời gian để thu hoạch trái. Nguyên nhân do trái măng cụt không thể thu hoạch đồng loạt để xử lý cho trái chín mà phải chờ cho trái chín tự nhiên và phải lựa từng trái chín trên cây để thu hoạch bằng phương pháp thủ công. Những năm qua, vào các mùa thu hoạch rộ, giá bán trái măng cụt tại nhiều nơi chỉ còn ở mức 25.000-30.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn. Hiện nay, việc xuất khẩu trái măng cụt của nước ta còn hạn chế và măng cụt Việt Nam phải cạnh tranh với măng cụt của Thái Lan ngay trên sân nhà. Mùa măng cụt chín của Thái Lan thường đến sớm hơn so với măng cụt của Việt Nam nên họ có nhiều lợi thế để xuất khẩu sang nước ta.

Chia sẻ bài viết