05/02/2009 - 20:23

Khu thương mại Tịnh Biên

Đã có siêu thị bán hàng miễn thuế

Siêu thị Đại Phúc Hàng với đa dạng hàng tiêu dùng miễn thuế.

Khu thương mại Tịnh Biên (thuộc Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên) vừa được đưa vào hoạt động. Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu (TMXNK) Đại Phúc Hàng và Công ty TNHH Á Đông đã mở cửa siêu thị bán hàng miễn thuế phục vụ khách du lịch mua sắm.

Ông Trần Hồng Phước, Giám đốc Công ty TNHH Á Đông, cho biết: Công ty đã đưa vào hoạt động siêu thị bán hàng miễn thuế (200 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu) phục vụ khách tham quan du lịch mua sắm nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc. Dự án xây dựng siêu thị bán hàng miễn thuế của Á Đông tại Khu thương mại Tịnh Biên trên diện tích 12.000m2 với tổng vốn đầu tư 200 tỉ đồng. Cơ cấu hàng hóa trong siêu thị miễn thuế gồm 30% hàng sản xuất trong nước và 70% hàng ngoại nhập từ Mỹ, châu Âu, Úc... Theo ông Phước, doanh nghiệp được tỉnh An Giang ưu đãi thuê đất, hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt nên giá bán rất cạnh tranh so với hàng ngoại nhập bán ở nội địa. Đến tháng 5-2009, Á Đông sẽ xây dựng hoàn thành hệ thống siêu thị và bán 500 mặt hàng nội, ngoại nhập.

Cùng với Á Đông, siêu thị Đại Phúc Hàng cũng chính thức khai trương siêu thị bán 15 mặt hàng miễn thuế phục vụ người tiêu dùng (rượu, bia, nước giải khát, mỹ phẩm, đồ trang trí nội thất, hàng điện máy, quà lưu niệm...). Ông Huỳnh Văn Phúc, Giám đốc Công ty TNHH TM XNK Đại Phúc Hàng, cho biết: Ngoài hệ thống siêu thị rộng 300m2, công ty còn có kho dự trữ hàng hóa khoảng 1.000m2 tại Khu thương mại Tịnh Biên với tổng vốn đầu tư trên 5 tỉ đồng. Sau Tết, siêu thị Đại Phúc Hàng sẽ tăng thêm 50 mặt hàng (vải sợi, quần áo, mắt kính thời trang, thực phẩm và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác) để phục vụ khách tham quan du lịch. Hàng hóa bán tại siêu thị miễn thuế Khu thương mại Tịnh Biên giá cả rẻ hơn từ 15-20% so với thị trường nội địa.

Tuy nhiên, đối tượng nào được mua hàng miễn thuế tại hệ thống các siêu thị Khu thương mại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, số lượng hàng hóa trị giá bao nhiêu... đang được nhiều người quan tâm. Ông Lưu Tuấn Bình, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ – Cục Hải quan An Giang cho biết, theo Quy chế hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang (ban hành kèm theo Quyết định số 65/2007/QĐ-TTg ngày 11-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ), đối với khách tham quan du lịch trong và ngoài nước (trừ cư dân huyện Tịnh Biên) vào khu thương mại công nghiệp tại khu vực cửa khẩu Tịnh Biên được mua các loại hàng hóa nhập khẩu và được miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) mang về nội địa với trị giá không quá 500.000 đồng/người/ngày. Tại Thông tư số 162/2007/TT-BTC (Bộ Tài chính ban hành ngày 31-12-2007 hướng dẫn chế độ tài chính và thủ tục hải quan áp dụng đối với Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang) quy định, trường hợp khách tham quan du lịch mua hàng miễn thuế có giá trị vượt mức 500.000 đồng/người/ngày, người mua hàng phải nộp các loại thuế nói trên cho phần vượt quy định. Hàng hóa được kê khai thủ tục ngay trong siêu thị do Chi cục Hải quan Tịnh Biên kiểm soát.

Khu thương mại Tịnh Biên rộng 10 ha, có 6 doanh nghiệp thuê 100% diện tích đất xây dựng siêu thị, cửa hàng và kho bãi. Trong đó, một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở cho thuê. Ông Nguyễn Minh Trí, Trưởng Ban quản lý Khu Thương mại Tịnh Biên, cho biết: Dự kiến tháng 5-2009, Khu thương mại Tịnh Biên sẽ khánh thành và chính thức hoạt động. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã mở cửa bán hàng dịp Tết để thu hút khách tham quan du lịch, đồng thời rút kinh nghiệm khi chính thức đi vào hoạt động. Sau Tết, các siêu thị Mỹ Nhựt, An Biên, Tân Á... đồng loạt bán hàng miễn thuế.

Ông Lê Hữu Trang, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang, nói: “Khu thương mại Tịnh Biên được Chính phủ cho phép áp dụng chính sách đặc thù là khu vực phi thuế quan, có tác động lớn và thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư. Tuy nhiên, để các khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh An Giang phát triển đồng bộ, đề nghị Chính phủ tiếp tục cho An Giang được hưởng chính sách đặc thù tương tự tại khu vực cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (Tân Châu) và cửa khẩu quốc gia Khánh Bình (An Phú). Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đầu tư cơ sở hạ tầng cầu đường ra biên giới”. Theo ông Trang, kinh tế mậu biên phát triển sẽ thúc đẩy kinh tế – xã hội tỉnh An Giang và khu vực ĐBSCL phát triển. Thương mại phát triển sẽ thu hút khách tham quan du lịch mua sắm, kéo theo nhiều dịch vụ phát triển, hình thành các khu đô thị biên giới, góp phần chuyển dịch lao động khu vực nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ và du lịch.

Bài, ảnh: HÒA BÌNH

Chia sẻ bài viết