14/01/2012 - 20:52

Cuối năm, bập bềnh chợ nổi Cái Răng

* PHÙ SA LỘC

Chiếc tàu du lịch chở chúng tôi tới cầu Cái Răng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Từ xa đã thấy những chiếc ghe, xuồng đậu choáng gần nửa sông. Chợ nổi Cái Răng đây rồi. Tàu chạy chậm, len lỏi qua những chiếc ghe đang mua bán. Anh Lê Văn Tứ sắp sửa nổ máy cho ghe rời chợ cho biết anh từ Kiên Giang tới đây mua cam quýt về đó bán. Theo anh, từ xa xưa cam vùng Phong Điền, Cần Thơ nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh. Tuy ngày nay cam Phong Điền đã bớt đi vị “ngọt” ít nhiều nhưng khách hàng của anh vẫn chuộng. Vợ chồng anh sống khấm khá với chiếc ghe 5 tấn bập bềnh trên sông nước từ hàng chục năm qua. Ghé vào một chiếc ghe đang lên dưa khóm, chủ ghe, chị Trần Thị Tươi cho biết số khóm nầy chị chở từ Cầu Đúc (Vị Thanh, Hậu Giang) tới đây. Anh Vương Đắc Dụng, người đang nhận hàng nói rằng khóm Cầu Đúc lừng danh xưa nay nhờ ngọt thanh nên bán rất chạy. Trả lời chúng tôi là một chiếc xuồng năm lá gắn máy đuôi tôm chở ba người tấp vô. Hai thanh niên ngồi giữa, mỗi người cầm một cuốn sổ ghi ghi chép chép, còn người ngồi mũi vừa xé một tờ giấy nhỏ trong cùi đưa cho anh Dụng rồi nhận tờ bạc 5.000 đồng từ tay anh. Anh Dụng giải thích đây là thuế hoa chi.

Mua bán ở chợ nổi. Ảnh: DUY KHÔI 

Chợ Cái Răng đã có từ rất lâu đời. Theo Vương Hồng Sển, tên Cái Răng bắt nguồn từ tiếng Khmer “Karan”, có nghĩa là “cà ràng” (ông táo). Xưa kia Xà Tón (Tri Tôn, An Giang) là địa phương nổi tiếng sản xuất đồ gia dụng thô bằng đất nung, trong đó có cà ràng. Họ chở vật dụng nấu bếp nầy tới đây bán vì được người địa phương ưa chuộng, nên chợ có tên như vậy. Còn chợ nổi Cái Răng có từ bao giờ, theo một số người cho biết thì chợ nổi có sau năm 1975. Lúc đó, đường sá hư, xấu, xe cộ chạy cà rịch cà tang, đi lại, vận chuyển hàng hóa khó khăn, nên chợ nổi là giải pháp tối ưu trong giao thương giữa nông dân và tư thương, nhất là trong vận chuyển... Chợ nổi Cái Răng từ đó tập trung buôn bán các mặt hàng nông sản, như: cam, chanh, quýt, bưởi, xoài, hành, ớt..., là chợ đầu mối cung cấp hàng đi nhiều nơi trên địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí hàng còn được chuyển bằng đường thủy sang Campuchia. Tới chợ nổi, cứ nhìn trên đầu ghe là biết đó là ghe mua hay ghe bán. Ghe mua không có cây “bẹo” như ghe bán. Bẹo là cây sào tre dài cắm trước mũi ghe, bên trên treo sản vật mà người ta muốn bán. Ví dụ treo bưởi, cam... là ghe bán cam, bưởi. Giữa những chiếc ghe lớn buôn bán hàng nông sản là hàng bao nhiêu chiếc xuồng ba lá qua lại như con thoi để phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho những người “mua bán lớn”. Nào là hủ tiếu, mì, phở, bánh canh, bún bò Huế..., thậm chí cả vé số, sim cạc điện thoại... Không khí chợ nổi sôi động y như chợ trên bờ trên cái nền âm thanh tiếng máy nổ và sóng nước làm những chiếc ghe xuồng bập bềnh, linh hoạt. Chen trong số ghe xuồng đó còn có những chiếc tàu du lịch chở khách tham quan, trong đó có nhiều khách Tây. Có lẽ họ rất lạ lẫm và khoái một lần được đắm mình trong không khí giao thương đặc biệt này. Ông Smith, một du khách Mỹ, thổ lộ: “Chợ nổi Cái Răng ở Việt Nam hấp dẫn hơn chợ nổi ở Thái Lan. Ngoài cung cách buôn bán, người ta còn sống trên chiếc ghe làm nhà với tivi, tủ lạnh, nuôi chó mèo, trồng kiểng... Hấp dẫn là không gian chợ rộng lớn, thoáng đãng với sông nước hữu tình, không khí thanh sạch. Chợ nổi nào ở Việt Nam cũng có những ưu điểm đó, nhưng có lẽ chỉ riêng chợ nổi Cái Răng mới có điều hi hữu sau đây: có ghe phục vụ ca cổ” - ông cười.

Chiếc tàu du lịch “lạng” một vòng chợ nổi, đưa chúng tôi tới một chiếc ghe neo chặt gần bờ, cách chân cầu Cái Răng chừng 500m. Ghe treo tấm bảng vẽ mấy hàng chữ “màu mè rất... tài tử: “CÀ-PÊ LÝ-TÀI CA CỔ TÀI TỬ”. Sở dĩ viết sai chính tả như vậy vì ông chủ “quán đờn ca tài tử” nầy, học hành hạn chế vì cuộc sống mưu sinh. “Quán” có tên Lý Tài là vì Lý Hùng quý đứa con trai duy nhất trong số 4 người con của ông, nên lấy làm “thương hiệu”. Lý Hùng tên thật Nguyễn Văn Lượm, 51 tuổi. Hơn hai mươi năm trước, ông đi cắt lúa mướn, đào đất thuê ở quê nhà Long Tuyền (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), cực quá, không đủ sống. Thấy người ta mua bán trái cây bằng ghe sống khỏe, nhà có chiếc tam bản ông bèn bắt chước, mua nước đá cây chở đi bán ở chợ nổi với ước vọng nuôi 2 đứa con khôn lớn. Trời thương, mỗi ngày ông kiếm được tiền mua một thùng gạo, ăn cả chục ngày, nên đầy hứng khởi. Nhưng thời gian qua, xuồng càng xuống cấp, có lỗ mội. Ông Lượm lấy đất sét trét bịt, đậy tấm ván và đạp lên cho nước bớt vô xuồng. Ông chèo ghe, vợ ông lo tát nước. Lân la buôn bán ở chợ nổi Cái Răng, buồn miệng ông hay cất tiếng ca mấy câu vọng cổ. Ai nghe cũng khen mùi. Rồi khi nghe ông đờn, họ hô “ngọt”, bèn “phong” ông nghệ danh Lý Hùng. Chút tài đó được, “người chợ nổi” khuyến khích ông chuyển qua phục vụ ca cổ trên chợ nổi để tăng thêm thi vị, hấp dẫn khách du lịch, nhất là để gia đình ông có cuộc sống tốt đẹp hơn. Người cho ông mượn 5 triệu đồng, kẻ giúp 10 triệu đồng... Ông Lượm mua chiếc trẹt, nhạc cụ cùng dàn âm thanh. Tháng 6-2011, ông “khai trương” “quán” ca cổ Lý Tài, thu hút ngay một số khách ghé thưởng thức. Con trai Lý Tài (4 tuổi) của ông nếu được khách “mời” sẽ phục vụ mỗi một bài hát “Cháu lên ba”. Thế Nhân là người tiếp ông Lượm (Lý Hùng) có khả năng vừa ca cổ nhạc vừa ca tân nhạc. Thế Nhân tên thật Nguyễn Văn Nhân, là thành viên trong ban ca nhạc phường An Bình (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Năm nay 46 tuổi, ngoài phục vụ ca hát anh sống chính bằng nghề mua nông sản ở Phong Điền chở tới bán cho mấy chiếc ghe lớn hoặc “sang tay” cho chiếc ghe nào đó “ưng giá”.

Quán chỉ phục vụ cà phê, giải khát, bia và một số trái cây, khách ghé đây khá đông, có cả khách Tây. Ông cười thích thú: “Có ông Tây nghe tui hát xong liền nhào lên hát. Ca cổ đàng hoàng nghen, rành một cây”. Thấy không gian “quán” hẹp quá, Lý Hùng mua chiếc ghe khác ráp lại. Bây giờ “quán” của ông khá rộng nhưng vẫn không đủ sức chứa một lượng khách lớn. Ông Lượm kể rằng là có bữa hai chiếc tàu lớn, mỗi tàu chở 40 khách, ghé một lượt, họ phải “bắt thăm” lên nghe ca cổ. Khách, một số lên “coi”, số ít còn lại ngồi dưới tàu “nghe ké”. Cũng như bao người khác sống trên chợ nổi, vợ Lý Hùng, bà Nguyễn Thị Kim Chưởng, 50 tuổi, có chiếc ghe nhỏ, bán cà phê, nước đá, nước ngọt. Con gái lớn của họ lấy chồng về tuốt Bạc Liêu, cô con gái thứ hai phục vụ nước uống tại “quán”, nên cuộc sống gia đình Lý Hùng cũng tương đối tốt.

***

Tết Nguyên đán đang gần kề. Những chiếc ghe bán bông tấp nập tới lui trên chợ nổi Cái Răng. Anh Nguyễn Văn Lợi (Út Nhỏ), 42 tuổi, sống gần “quán” ca cổ Lý Hùng. Trưa nay, vừa bán hết hàng, bước qua đòn dài anh vô “quán” nghe ca cổ. Anh làm nghề bán hàng bông đã 15 năm ở chợ nổi. Hai năm trước, chợ nổi Cái Răng, ghe xuồng đặc nghẹt, chớ không như bây giờ “loe hoe” khoảng trên 100 chiếc. Anh cho biết: ngoài nước ngập lâu dài, bây giờ đường sá ngày một tốt, thông thương, đi tuốt vô vùng sâu vùng xa chưa biết lượng khách mua bán. Một số người chuyển lên bờ buôn bán. Sắp tới chợ sẽ dời vô khá xa... Chợ nổi đang “bập bềnh”, không biết “chìm” lúc nào vì nhiều lẽ. Chẳng biết, trong tương lai, nét văn hóa – văn minh giao thương đặc sắc vùng sông nước Cửu Long nầy sẽ được bảo tồn như thế nào?

Chia sẻ bài viết