01/08/2019 - 07:32

Cùng tập yoga 

Cứ vào giờ nghỉ trưa, cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ hào hứng cùng nhau tập yoga. Trên nền nhạc du dương, mọi căng thẳng, mệt mỏi dường như tan biến.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, các chị cùng nhau tập yoga.

Giờ nghỉ trưa, ở khoảng trống trước cửa hội trường bệnh viện, các chị em hào hứng trải thảm, chuẩn bị cho buổi tập. Trong khu vực tập, bệnh viện đầu tư thùng loa, gắn kiếng, bình phong di động để tạo sự riêng tư cho lớp học. Thầy giáo đến, các học viên tề tựu đông đủ. Nhạc cất lên, thầy chậm rãi hướng dẫn từng động tác hít thở, chào mặt trời, bồ câu… và buổi tập kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ. Ngoài cán bộ, nhân viên của bệnh viện, người dân ở gần cũng đến xin tham gia tập yoga.

Chị Hồng Anh, Phòng Tài chính kế toán bệnh viện, chia sẻ: “Ai cũng nghĩ tập thể dục buổi trưa, không nghỉ ngơi, không ngủ thì sẽ mệt. Nhưng khi tập mới thấy đầu giờ vào làm việc rất tỉnh táo, hiệu quả, không buồn ngủ. Có chị tranh thủ sau giờ tập chợp mắt 10-15 phút. Tập thể dục hiệu quả, nên tôi theo từ lúc mới mở lớp đến nay”. Chị Dung, công tác ở Khoa Dược, cho biết: “Mình lớn tuổi nên khó ngủ, lại bị suy giãn tĩnh mạch chân. Tham gia tập yoga, về nhà ăn ngon, ngủ sâu, giảm đau nhức, cải thiện sức khỏe tốt hơn và giảm căng thẳng. Cứ vài ngày không tập là uể oải, mệt mỏi”.

Chị Nguyễn Thị Kim Phượng, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng của bệnh viện cho biết, cách đây 3 năm, chị bị thoái hóa cột sống, viêm xoang mạn tái đi tái lại. Chị Phượng tìm đến yoga, tập một thời gian thấy không còn bị những cơn đau cột sống, viêm xoang hành hạ. Mỗi lần bị căng thẳng, áp lực trong công việc, cuộc sống, đến với yoga, mọi mệt mỏi cũng tan biến. Vì thế, khi Bộ Y tế kêu gọi cán bộ, nhân viên ngành y tế chăm sóc sức khỏe, tăng cường tập thể dục tại nơi làm việc, bác sĩ Trần Văn Dễ, Giám đốc bệnh viện, phát động phong trào thể dục tại bệnh viện. Đa phần các anh, chị, em trong bệnh viện đều yêu thích môn thể thao yoga, đây thật sự là môn thể thao phù hợp với những người làm công tác y tế, vừa giúp rèn luyện trí não, lại vừa tạo sự dẻo dai sức bền cho xương khớp.

Ban đầu có khoảng 30 anh, chị đăng ký tập. Lớp khai giảng vào ngày 19-2-2019, học từ trưa thứ hai đến trưa thứ sáu. Mỗi buổi tập, học viên đóng góp 25.000 đồng/buổi hoặc 400.000 đồng/tháng. Sau một thời gian tập, có anh chị do đi học, mang thai, nghỉ hộ sản... nên nghỉ tập hoặc tự tập ở nhà. Đến nay, mỗi ngày có trên 10 anh chị vẫn luyện tập đều đặn. Bên cạnh việc cải thiện sức khỏe, giảm căng thẳng trí óc, việc tập luyện còn giúp tăng cường mối quan hệ giữa các cán bộ, nhân viên ở các khoa, phòng trong bệnh viện. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu vận động thể lực là 1 trong 4 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ làm gia tăng nhanh gánh nặng bệnh không lây nhiễm, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và làm giảm tuổi thọ của người dân. Trong khi rèn luyện thể dục, thể thao đầy đủ sẽ giảm 30% nguy cơ thiệt mạng do mọi nguyên nhân; giảm từ 20 - 40% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư đại trực tràng, ung thư vú ở phụ nữ; giảm nguy cơ mắc trầm cảm, phòng ngừa bệnh loãng xương, cải thiện trí nhớ và giúp kiểm soát cân nặng.

Tháng 2-2019, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát động tập thể dục giữa giờ tại nơi làm việc, giúp thay đổi tư thế, đỡ mệt mỏi và tăng năng suất lao động cũng như cải thiện sức khỏe, giảm bớt nguy cơ bệnh tật. Bài tập thể dục giữa giờ khoảng 3 phút cũng được Bộ Y tế thực hiện clip tập mẫu để hướng dẫn nhân viên ngành y và kêu gọi mọi người dân có thể thực hiện. Nhân viên y tế và người dân có thể rèn luyện sức khỏe bằng các hình thức khác như đi bộ 10.000 bước/ngày, chơi thể thao và các hình thức vận động khác tối thiểu 30 phút/ngày. Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng, vận động thể lực cho người bệnh, người dân tại cộng đồng.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết