06/11/2008 - 08:38

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII:

Công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế

Ngày 5-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nghe và thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Võ Hồng Phúc trình bày về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007 đánh giá: Nhìn chung, các văn bản luật pháp trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng đã được ban hành kịp thời, bổ sung ngày càng đầy đủ hơn, đồng bộ hơn, hiệu lực pháp lý cao hơn và phù hợp với thực tế hơn. Các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư được ban hành đảm bảo tính công khai, minh bạch và công bằng. Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật Xây dựng, Đầu tư, Đấu thầu, Doanh nghiệp. Đồng thời các bộ, ngành đã rà soát bãi bỏ các văn bản chồng chéo, văn bản không còn hiệu lực...

Về qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến đầu năm 2008 đã hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 của 6 vùng; xây dựng quy hoạch phát triển các ngành kinh tế; xây dựng quy hoạch phát triển các dải ven biển; xây dựng quy hoạch hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu cả nước; 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.

Một số kết quả thực hiện đầu tư xây dựng ở một số bộ, ngành và địa phương. Về khối lượng thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2005-2007 đạt khoảng 8.000 tỉ đồng, bằng 121% kế hoạch vốn, do nguồn vốn ngoài nước đã giải ngân vượt kế hoạch được giao. Số dự án đầu tư trong giai đoạn 2005-2007 là 307 dự án, hoàn thành khoảng 200 dự án, chiếm 65% dự án triển khai, trong đó: 95 dự án thủy lợi, 46 dự án nông nghiệp, 9 dự án lâm nghiệp, 20 dự án thủy sản, 13 dự án khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải (phần do trung ương quản lý): Trong 3 năm 2005-2007, vốn đầu tư ngân sách nhà nước giao cho Bộ Giao thông vận tải khoảng 20.000 tỉ đồng (gồm cả vốn ODA) và vốn trái phiếu Chính phủ khoảng 33 nghìn tỉ đồng; nâng cấp, cải tạo, làm mới gần 3.000 km đường quốc lộ, trên 35.000 m cầu, 5.600m cầu cảng biển, tăng thêm năng lực thông qua cảng biển là 24 triệu tấn/năm; các tuyến đường sắt tiếp tục được nâng cấp; nhiều hạng mục công trình của các cảng hàng không được nâng cấp và xây dựng mới, năng lực thông qua cảng hàng không tăng 10,5 triệu hành khách/năm.

Đối với xây dựng hệ thống bệnh viện đa khoa tuyến huyện nhu cầu vốn đầu tư (theo Đề án 225) là 8.350 tỉ đồng. Tập trung đầu tư 387 bệnh viện đa khoa huyện và 9 bệnh viện đa khoa khu vực từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn vốn ODA. Theo báo cáo của Bộ Y tế, đã có khoảng 250 bệnh viện đang được đầu tư. Tổng vốn đầu tư từ tất cả các nguồn trong 3 năm ước đạt khoảng 2.000 tỉ đồng.

Chương trình kiên cố hóa trường lớp học (giai đoạn 1 theo Quyết định 159/QĐ-TTg). Vốn thực hiện chương trình là 9.310 tỉ đồng, trong đó: ngân sách trung ương huy động từ công trái giáo dục là 5.336 tỉ đồng, ngân sách địa phương 3.174 tỉ đồng, nguồn vốn khác 913 tỉ đồng. Số vốn đã giải ngân là 4.882 tỉ đồng, đạt 93,5% tổng số vốn trung ương đã hỗ trợ cho địa phương. Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình đã xây dựng mới và kiên cố được 74.216 phòng học, trong đó có hơn 67.053 phòng học đã hoàn thành đưa vào sử dụng có đủ bàn, ghế, bảng, đèn điện chiếu sáng.

Báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các Bộ, ngành địa phương từ năm 2005 đến năm 2007 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày nhận định: nhìn chung, các Bộ, ngành, địa phương đã chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB); vấn đề quản lý các dự án đầu tư; việc ban hành và tiếp tục thực hiện các chính sách ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, các chương trình mục tiêu cũng như các cơ chế, chính sách phát triển đô thị đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm mới, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, nâng cao trình độ văn hóa, dân trí.

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, công tác đầu tư XDCB sử dụng vốn nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, làm ảnh hưởng tới tốc độ và chất lượng phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội (đường giao thông, cảng biển, bệnh viện tại các thành phố lớn...) quá tải, thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt. Trong khi đó, tiến độ các dự án sử dụng vốn nhà nước rất chậm, thủ tục đầu tư xây dựng rườm rà, hiệu quả đầu tư của nhiều dự án thấp, còn thất thoát, lãng phí so với đầu tư bằng nguồn vốn khác. Tình trạng bố trí vốn dàn trải, đầu tư thiếu đồng bộ vẫn còn khá phổ biến . Công tác lập quy hoạch, kế hoạch, công tác chuẩn bị đầu tư, chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt dự án tại một số bộ, ngành, địa phương chưa tốt, công tác khảo sát, thiết kế, lập dự toán của nhiều đơn vị được kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu, các dự án phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện có xu hướng tăng lên. Vẫn còn nhiều vi phạm pháp luật về đầu tư XDCB, bảo vệ môi trường, an toàn lao động, an toàn giao thông... gây bức xúc trong nhân dân.

Thảo luận về nội dung này, đa số các đại biểu bày tỏ sự nhất trí với những nội dung trong Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007 đã được trình bày trước Quốc hội.

QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết