06/11/2009 - 08:13

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII

Công tác đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm có chuyển biến tích cực

Sáng 5-11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu, Quốc hội làm việc tại Hội trường, tiếp tục chương trình thảo luận về báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; báo cáo công phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; báo cáo về công tác thi hành án.

Các đại biểu cho rằng, năm 2009, tình hình kinh tế- xã hội nước ta chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật có diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, tranh chấp dân sự, hành chính chưa có dấu hiện suy giảm. Trong bối cảnh đó, công tác đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm năm 2009 đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Các đại biểu đã thẳng thắn nêu ra những hạn chế, bất cập trong hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian qua; phân tích nguyên nhân và đề ra phương hướng khắc phục các tồn tại trong thời gian tới. Theo ý kiến của một số đại biểu, đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, thi hành án viên hiện nay vẫn còn thiếu về số lượng và chất lượng có nơi vẫn chưa đảm bảo yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Việc phân bổ biên chế điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán ở một số địa phương chưa hợp lý. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ quan tiến hành tố tụng nhiều nơi còn chưa đáp ứng nhiệm vụ được giao theo tinh thần cải cách tư pháp.

Trong công tác phòng ngừa vi phạm tội phạm, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động phòng ngừa chung, đẩy mạnh phòng ngừa xã hội kết hợp với hoạt động phòng ngừa nghiệp vụ. Bên cạnh việc nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan nằm trong chương trình xây dựng pháp luật đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ và các cơ quan tư pháp cần quan tâm xúc tiến nhanh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống hỗ trợ tư pháp như Trung tâm giám định, Đoàn luật sư; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp giỏi về nghiệp vụ, mạnh về tư tưởng, phẩm chất đạo đức trong sáng, thanh liêm.

Quan tâm tới tình hình thanh thiếu niên phạm tội đang có chiều hướng gia tăng, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), Võ Văn Thưởng (Vĩnh Long) đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ và các ban ngành chức năng cần tăng cương hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát văn hóa du nhập, các cơ sở kinh doanh nhạy cảm tiềm ẩn nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Các Bộ, ngành, địa phương cần dành quỹ đất xây dựng khu vui chơi, tạo môi trường giáo dục, vui chơi trong sạch, lành mạnh, thân thiện cho thanh, thiếu niên. Chia sẻ nỗi băn khoăn của các đại biểu về các bản án phạt tù cho hưởng án treo, đại biểu Trần Văn Độ (An Giang), Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), Trần Quốc Vượng (Lai Châu) cho rằng: Bản án phạt tù cho hưởng án treo là một chế định pháp lý thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, được áp dụng theo những quy định chặt chẽ của pháp luật. Điều quan trọng là quyết định của Tòà án có đúng pháp luật, có tiêu cực, sai phạm hay không, chứ không phải là số lượng nhiều hay ít.

* Chiều 5-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Theo một số đại biểu, Luật thuế GTGT và Luật thuế TNDN được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ tư và có hiệu lực thi hành từ 1-1-2009, đến nay, sau gần một năm thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, cần sửa đổi. Các đại biểu cho rằng để góp phần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên, nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp tiếp cận với nhà giá rẻ, cải thiện đời sống, cần điều chỉnh thuế suất áp dụng cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở như đề nghị của Chính phủ (từ 10% xuống còn 5% đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp)...

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Lê Văn Học (Lâm Đồng) và một số đại biểu nhấn mạnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện nhưng thực tế hiện nay, công nhân, lao động ở các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp rất thiếu nhà ở và nhà cho thuê để ở, rất cần Đảng, Nhà nước và các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương quan tâm hơn nữa. Các đại biểu đề nghị có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng này để họ có điều kiện được hưởng thụ các chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn, mua trả chậm, hỗ trợ kinh phí, điều kiện thế chấp; có cơ chế khuyến khích xây dựng ký túc xá cho sinh viên, nhà ở cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và người có thu nhập thấp. Một số đại biểu đề nghị làm rõ tiêu chí người có thu nhập thấp, để tránh bị lợi dụng. Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chính sách nhà ở xã hội khó thực thi trong thực tế là do giá đất quá cao và không chỉ giảm thuế là đủ, quan trọng nhất là có cơ chế chính sách giảm thuế và giá đất, nhất là giá đất ở các khu đô thị, thành phố; đề nghị có những chính sách ưu đãi giảm giá đất. Một số đại biểu đề nghị Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người có thu nhập thấp, sinh viên, công nhân lao động ở các khu công nghiệp được thuê, mua nhà ở xã hội, được vay vốn dài hạn để thuê nhà, mua nhà ở xã hội; hỗ trợ trực tiếp cho đơn vị, doanh nghiệp xây dựng nhà ở để cho thuê, bán cho người lao động của đơn vị, doanh nghiệp đó.

Đại biểu Cầm Chí Kiên (Sơn La) và một số đại biểu đề nghị tách riêng các đối tượng học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp, công nhân, lao động, để có cơ chế, chính sách cụ thể cho từng đối tượng; gắn liền chính sách miễn, giảm thuế cho các đơn vị doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp, công nhân, lao động với giảm thuế đất, giá đất và cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này sớm đưa các công trình nhà ở vào sử dụng.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết sẽ lấy ý kiến của từng đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật này để trình Quốc hội trong một phiên họp khác.

XUÂN KHU- BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết