14/10/2021 - 21:31

Ðồng chí Trần Thị Vĩnh Nghi, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy:

Công tác dân vận cần bám sát thực tiễn, thiết thực và hiệu quả hơn 

Khi dịch COVID-19 bùng phát, hệ thống Dân vận các cấp thành phố nỗ lực tham mưu cấp ủy, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết chống dịch; huy động các nguồn lực hỗ trợ lực lượng tuyến đầu và giúp người dân vượt qua khó khăn. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ cấp bách, công tác dân vận của Ðảng luôn là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Ðảng, đồng chí Trần Thị Vĩnh Nghi, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ, trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ:

-Trải qua 91 năm đồng hành cùng lịch sử cách mạng dân tộc, công tác Dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Ðảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Ðảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân.

Ðối với TP Cần Thơ, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ thành phố lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hệ thống Dân vận, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đã cố gắng nghiên cứu, đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả vai trò là cơ sở chính trị, cầu nối vững chắc giữa nhân dân với Ðảng và Nhà nước. Hệ thống Dân vận, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng tình thực hiện, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển thành phố. Ðồng thời, nâng cao chất lượng công tác Dân vận, tăng cường gắn bó mật thiết giữa Ðảng và nhân dân, thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đề xuất các chủ trương, biện pháp giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân.

Sau Ðại hội Ðảng bộ các cấp và thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, hệ thống Dân vận các cấp được kiện toàn, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả; từng bước phát huy hiệu quả vai trò là cơ sở chính trị và cầu nối vững chắc giữa nhân dân với Ðảng và Nhà nước. Qua đó, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức chung lòng xây dựng thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Công tác Dân vận của các cơ quan nhà nước, nhất là chính quyền các cấp, được đẩy mạnh và thực hiện khá đồng bộ. Việc củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện kịp thời, góp phần làm chuyển biến tích cực nhận thức và nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các tổ chức tôn giáo tích cực huy động hoặc trực tiếp tham gia một số hoạt động an sinh xã hội, chấp hành tốt các quy định về sinh hoạt tôn giáo phù hợp với quy định phòng, chống dịch COVID-19...

* Năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hệ thống Dân vận các cấp thành phố đã có những hành động thiết thực nào nhằm đảm bảo an sinh xã hội, giúp người dân vượt qua khó khăn, thưa đồng chí?

- Trong điều kiện ảnh hưởng của dịch COVID-19, hệ thống Dân vận các cấp đã linh hoạt gắn nhiệm vụ chính trị tại địa phương với tích cực vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành các chủ trương giãn cách xã hội của thành phố. Ðồng thời, cùng hệ thống Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng huy động mọi nguồn lực, khuyến khích nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”.

Cụ thể, Mặt trận Tổ quốc đã huy động tiền mặt hơn 36 tỉ đồng và hơn 162 tỉ đồng từ hàng hóa vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Hội LHPN thành phố có mô hình “Chợ 0 đồng”, hoạt động “Chuyến xe nghĩa tình” về các tỉnh Bình Dương, Sóc Trăng, Hậu Giang. Thành Ðoàn với mô hình “Chuyến xe yêu thương”, “Shipper 0 đồng”, “Túi thuốc yêu thương”, “Ði chợ giúp dân”, “Chuyến xe giải cứu nông sản”. Hội Nông dân với mô hình kết nối - giải cứu nông sản cho nông dân Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Hội Cựu chiến binh với mô hình huy động hội viên tham gia các chốt trực phòng, chống COVID-19. Bên cạnh đó, nhiều “Bếp ăn 0 đồng”, bữa ăn miễn phí được phát trực tiếp đến người dân từ tấm lòng của các nhà hảo tâm...

Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố tiếp nhận thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: NGỌC QUYÊN

Các mô hình đã góp phần cùng các cấp chính quyền hỗ trợ người dân ổn định tâm lý, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Thành ủy, UBND thành phố; kịp thời hỗ trợ kết nối - thu mua nông sản đến kỳ thu hoạch; cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa, khu vực cách ly y tế, các chốt kiểm soát, khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến..., góp phần chăm lo đời sống cho người dân thành phố gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 bên cạnh các chính sách an sinh xã hội của Chính phủ và thành phố. Hoạt động hỗ trợ thực phẩm khẩn cấp cho người dân qua mô hình “Chuyến xe dân vận” - hotline 1900866600 đã tiếp nhận xử lý hơn 3.500 cuộc gọi của người dân trong giai đoạn thành phố thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổng huy động các nguồn lực xã hội hơn 100 tỉ đồng...

*Theo đồng chí, thời gian tới, công tác Dân vận của Ðảng bộ thành phố cần tập trung những trọng tâm nào để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới?

Công tác Dân vận là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Ðảng. Trong thời gian tới, hệ thống Dân vận các cấp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp ủy Ðảng cùng cấp tổ chức quán triệt sâu sắc các văn bản có liên quan về công tác Dân vận, gắn với triển khai hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng về công tác Dân vận. Ðồng thời, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sát thực tiễn, có tính thuyết phục, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền vận động tương tác với người dân sao cho phù hợp điều kiện, tập quán thói quen cuộc sống, người dân dễ nắm bắt.

Song song đó, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc, các vị chức sắc, chức việc trong tôn giáo góp phần tuyên truyền giải thích vận động người dân trên địa bàn; tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác Dân vận của cơ quan Nhà nước các cấp, trong đó nâng cao vai trò tham gia của người dân trong quá trình quyết định chính sách nhất là chính sách có liên quan đến cuộc sống người dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân. Quan tâm đổi mới nội dung phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng theo hướng sát cơ sở, thực chất, hiệu quả hơn. Ðồng thời, quan tâm nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng nỗ lực vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, quyết tâm vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa khôi phục nền kinh tế của thành phố trong trạng thái bình thường mới.

* Xin cảm ơn đồng chí!

Sau khi thành lập Đảng, từ ngày 14 đến ngày 31-10-1930, tại Hồng Kông, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và các nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận động, vấn đề cứu tế và đồng minh phản đế. 
Ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận”, đăng trên báo Sự thật. Nội dung bài báo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện xuyên suốt tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, là cẩm nang của công tác Dân vận. Tháng 10 năm 1999, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã đồng ý lấy ngày 15-10-1930 là Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15-10 hằng năm là ngày Dân vận của cả nước.

THANH THY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết