13/08/2014 - 21:22

Công tác chứng thực dần đi vào nề nếp

 Cán bộ Bộ phận TN&TKQ của UBND thị trấn Cờ Đỏ đang trả kết quả cho công dân.

Theo đánh giá của Sở Tư pháp TP Cần Thơ, hiện nay việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng thực trên địa bàn ngày một giảm thiểu tối đa giấy tờ không cần thiết, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết, tạo sự hài lòng và tin tưởng của người dân đối với các dịch vụ hành chính công. Qua đó góp phần phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương…


Bà Nguyễn Thị Hải (ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ) đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả (TN&TKQ) của UBND thị trấn để thực hiện thủ tục chứng thực một số giấy tờ. Tiếp nhận hồ sơ, công chức Tư pháp - Hộ tịch Phan Nguyễn Linh Phương đối chiếu hồ sơ, nhanh chóng giải quyết và trả kết quả cho người dân. Gặp chúng tôi, bà Hải hồ hởi nói: “Cán bộ ở đây rất nhiệt tình, nhanh nhẹn trong việc giải quyết hồ sơ, không để người dân chờ đợi lâu…”. Vốn là cán bộ trẻ, nhiều năm gắn bó với công tác Tư pháp - Hộ tịch, Linh Phương nắm rất chắc những quy định pháp luật về các thủ tục hành chính do mình phụ trách. Sau nhiều năm công tác, chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp và người dân tín nhiệm. Không dừng lại đó, hiện chị đang học Đại học Luật năm cuối, với mong muốn đem những kiến thức học được để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Từ đầu năm đến nay, Bộ phận TN&TKQ của UBND thị trấn Cờ Đỏ đã tiếp nhận và giải quyết 1.180 hồ sơ, trong đó, sao y từ bản chính 649 hồ sơ; hộ tịch 428 hồ sơ… Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cờ Đỏ, đánh giá: “Tình hình giải quyết hồ sơ, nhận và trả kết quả đúng thời gian quy định. Thái độ phục vụ của cán bộ, công chức tại Bộ phận TN&TKQ có nhiều tiến bộ, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của tổ chức, cá nhân khi đến liên hệ giải quyết công việc”.

Theo ông Trần Tấn Lợi, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Cờ Đỏ, từ khi Luật Công chứng và Nghị định 79/2007/NĐ- CP có hiệu lực, công tác chứng thực bản sao, chữ ký tại cấp huyện và các xã, thị trấn đã đi vào nề nếp, từng bước ổn định, đơn giản hóa thủ tục, công khai, minh bạch, giảm thời gian và chi phí đi lại cho các tổ chức, cá nhân trong công tác chứng thực. Thay vì như trước đây, chứng thực các bản sao đúng với bản chính phải lên huyện hay các Phòng công chứng mới thực hiện được, từ khi giao việc chứng thực xuống các xã, thị trấn thì thuận tiện hơn rất nhiều cho người dân nên mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức cũng cao hơn. Việc phân cấp công chứng, chứng thực đã mang lại hiệu quả trong công tác cải cách hành chính, đáp ứng nhu cầu của người dân khi thực hiện các giao dịch về chứng thực.

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác chứng thực. Theo bà Lê Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố, qua thực tế áp dụng, các văn bản này đã kịp thời giải quyết nhu cầu về chứng thực cho nhân dân. Đặc biệt, sau khi Luật Công chứng có hiệu lực thi hành, hoạt động chứng thực có những bước phát triển đáng ghi nhận như: bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; việc mở rộng phạm vi thẩm quyền chứng thực cho UBND cấp huyện, cấp xã đã đáp ứng được yêu cầu về cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ công chức làm công tác chứng thực ngày càng thể hiện sự nhiệt tình, chu đáo hơn trong tiếp xúc, giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân...

Tuy nhiên, công tác chứng thực hiện nay vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Điển hình, theo quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP và Nghị định số 04/2012/NĐ-CP, Phòng Tư pháp có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài, bằng tiếng Việt và giấy tờ, văn bản song ngữ; UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, trên thực tế các quy định hiện hành về các khái niệm “giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài; giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt và giấy tờ, văn bản song ngữ” chưa quy định cụ thể, rõ ràng, dẫn đến cách hiểu khác nhau đã gây khó khăn cho các cơ quan thực hiện chứng thực, nên có việc một số trường hợp người dân yêu cầu chứng thực bị từ chối giải quyết. Bên cạnh đó, tại khoản 1, Điều 16 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP quy định trường hợp không được chứng thực bản sao từ bản chính đối với bản chính được cấp sai thẩm quyền hoặc giả mạo. Thực tế một số giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ, cán bộ khó xác định được người ký và cấp có đúng thẩm quyền hay không. Ngoài ra, Nghị định 79/2007/NĐ-CP chưa có quy định về những trường hợp không được chứng thực chữ ký, từ đó gây khó khăn cho người thực hiện chứng thực… Theo ông Trần Tấn Lợi, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Cờ Đỏ, hiện nay quy định về chứng thực bản sao từ bản chính trong một số trường hợp còn chưa rõ ràng, dẫn đến áp dụng không thống nhất, như: bản chính đã hết hiệu lực pháp luật (giấy chứng minh nhân dân); đối với bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp mà chưa được hợp pháp hóa lãnh sự… do pháp luật chưa có quy định cụ thể nên có cơ quan tiếp nhận chứng thực, có cơ quan từ chối không thực hiện chứng thực đối với các trường hợp này…

Thời gian qua, vai trò của công tác chứng thực dần được khẳng định, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn tồn tại một số bất cập. Thiết nghĩ, ngành chức năng có thẩm quyền cần sớm tháo gỡ, để công tác này ngày càng thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi có yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan…

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết