14/11/2010 - 21:27

Công nghiệp chế biến làm đòn bẩy phát triển kinh tế ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là trung tâm sản xuất lương thực thực phẩm, thủy sản và cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất nước.... Với nguồn nguyên liệu phong phú và có sản lượng lớn, nhưng đến nay, công nghiệp chế biến ở khu vực này chỉ ở mức sơ chế là chủ yếu, tỷ lệ chế biến chuyên sâu còn thiếu và yếu nên chưa tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thu nhập của người nông dân còn thấp, lãng phí lớn đến nguồn nguyên liệu phong phú của khu vực này. Vì sao ?

Công nghiệp chế biến còn thiếu và yếu

Hiện nay, vùng ĐBSCL sản xuất mỗi năm trên 20,7 triệu tấn lúa, chiếm 53,4% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước; sản lượng mía trên 5 triệu tấn, diện tích cây ăn quả khoảng 290.000 ha, hàng năm cho sản lượng khoảng 2,5 triệu tấn, trong đó có nhiều sản phẩm nổi tiếng như cam sành, bưởi, quít, xoài, vú sữa, măng cụt, sầu riêng...Về thủy sản, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản hàng năm khoảng 3 triệu tấn, chiếm khoảng 58% sản lượng thủy sản cả nước. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn vùng khoảng 2,5 tỉ USD, chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.

Với nguồn nguyên liệu phong phú, số lượng lớn, Nhưng nhìn chung, ngành công nghiệp chế biến của vùng còn yếu kém; quy mô nhỏ, chưa tương xứng với nguồn nguyên liệu và yêu cầu phát triển kinh tế của vùng. Theo các ngành hữu quan, công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông thủy - sản của vùng ĐBSCL nhìn chung phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn nguyên liệu của địa phương. Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng chậm; sản phẩm chủ yếu xuất ở dạng thô; nhiều sản phẩm làm ra giá thành còn cao, sức cạnh tranh thấp; hệ số sử dụng công suất chế biến thủy sản đông lạnh và chế biến rau quả đạt thấp; các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản chưa phát triển... Ngoài ra, công suất xay xát và chế biến gạo xuất khẩu chưa tương ứng với nguồn nguyên liệu của địa phương, công nghệ xay xát lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng, tỷ lệ hao hụt cao. Công nghiệp chế biến của vùng chủ yếu gồm: Ngành xay xát lương thực với số lượng cơ sở được phân bố ở hầu hết các tỉnh, thành với nhiều nhà máy có công suất khác nhau, theo số liệu thống kê, sản lượng xay xát toàn vùng năm 2009 đạt hơn 7,8 triệu tấn. Chế biến thủy sản có 133 nhà máy với tổng công suất 690.000 tấn/năm. Mặc dù chế biến thủy sản - là ngành công nghiệp mũi nhọn, luôn chiếm tỷ trọng và có tốc độ tăng trưởng cao trong vùng, nhưng sản phẩm chế biến chỉ dừng lại ở mức là cá tra phi lê, tôm đông lạnh, mực đông lạnh... TS Nguyễn Việt Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thủy sản Bình An, cho rằng toàn bộ con cá tra đều sử dụng được, ngoài việc làm phi lê xuất khẩu thì xương, da, bong bóng, mỡ cá... đều chế biến thành những sản phẩm hữu ích. Ông Thắng còn cho biết, hiện nay Viện của ông đang nghiên cứu, tận dụng những phụ phẩm con cá tra để chế biến các mặt hàng như: nước mắm cao cấp, dầu ăn và nhất là sản xuất sản phẩm collagen cao cấp làm từ da cá tra... Chắc chắn với những sản phẩm trên sẽ tạo ra giá trị gia tăng lớn từ con cá tra.

Hiện nay vùng ĐBSCL có 133 nhà máy chế biến thủy sản với tổng công suất 690.000 tấn/năm.
Ảnh: DUY KHƯƠNG 

Theo các nhà kinh tế, nguyên nhân công nghiệp chế biến ở ĐBSCL chậm phát triển và chưa thu hút mạnh các nhà đầu tư là do chất lượng quy hoạch và định hướng chung cho phát triển mang tính kinh tế vùng còn thấp; thiếu chiến lược chung và thiếu đồng bộ và tính liên kết, làm cho việc khai thác các nguồn lực, nhất là các nguồn lực đất đai sử dụng chưa hợp lý. Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thiếu hụt nguồn nhân lực cao, năng lực cạnh tranh thấp...

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL vừa qua, Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam nhận xét: Trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ nghèo ở ĐBSCL giảm xuống, thương mại hóa thủy hải sản đạt cao, đây là lĩnh vực có thể thu hút đầu tư. Tốc độ đô thị hóa ĐBSCL phát triển rất nhanh, các khu công nghiệp mọc lên nhiều. Tuy nhiên, các tỉnh không được hưởng lợi nhiều từ các dự án đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ đầu tư trực tiếp nước ngoài trên đầu người toàn quốc trên 2.000 USD nhưng ở ĐBSCL chỉ hơn 400 USD. Vì vậy, cần tìm hiểu các nhà đầu tư cần những thông tin gì và hướng họ vào các lĩnh vực cần thiết. Sản lượng thủy hải sản, lương thực nhiều, nhưng cần có những mô hình mới để tạo ra các cụm sản xuất hàng hóa số lượng lớn giá rẻ, tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho các sản phẩm, tạo ra hiệu suất cao hơn cho chuỗi giá trị liên quan đến các hoạt động về canh tác, tạo cho người nông dân thu lợi được nhiều hơn từ các hoạt động sản xuất. Trong khi đó, thị trường nội địa ở ĐBSCL thực sự chưa khai thác đầy đủ, nhất là các sản phẩm công nghiệp chế biến dựa trên nông nghiệp và cung cấp các dịch vụ lớn hơn cho thị trường nội địa...

Sẽ là động lực phát triển

Tiềm năng và thế mạnh của ĐBSCL trong giai đoạn mới vẫn là nông nghiệp và nguồn nhân lực dồi dào. Theo kế hoạch phát triển kinh tế, khu vực ĐBSCL tiếp tục phát huy thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, khai thác nuôi trồng thủy sản, phấn đấu đến năm 2015, sản lượng lúa đạt khoảng 21 triệu tấn (tăng 500.000 tấn so với năm 2010 ), trong đó có một triệu ha lúa chất lượng cao; sản lượng bắp 412.000 tấn (45% so với năm 2010), đậu tương 81,6 ngàn tấn (tăng 71% so với năm 2010) mía 6,2 triệu tấn (tăng 11% so với năm 2010) khóm 403.000 tấn; cây ăn quả 3,7 triệu tấn...; đàn heo 5,3 triệu con cho sản lượng thịt 673.000 tấn; đàn gia cầm 52,9 triệu con cho 1,82 tỉ quả trứng và 143.000 tấn thịt. Về thủy sản tiếp tục đầu tư xây dựng thành ngành kinh tế mũi nhọn, sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, có kim ngạch xuất khẩu lớn. Đến năm 2015, tổng sản lượng thủy sản của vùng đạt 3,86 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác là 892.000 tấn và nuôi trồng là 2,97 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỉ USD. Vì vậy, đầu tư phát triển hạ tầng trong điều kiện mới cho nông nghiệp bao gồm lúa gạo, cá da trơn, tôm, cây ăn trái, chăn nuôi và các lĩnh vực khác. Công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, các loại dịch vụ phải gắn chặt với ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để tạo ra giá trị gia tăng ngày càng lớn. Mặt khác, để đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với tiềm năng và thế mạnh, thì lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề cũng là nhu cầu to lớn, phải giải quyết trong nhiều năm tới. Hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL cơ bản được hình thành, nhưng so với yêu cầu phát triển thì còn nhiều vấn đề phải tiếp tục triển khai thực hiện.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương cho rằng: ĐBSCL muốn phát triển nông nghiệp và thủy sản phải đầu tư theo chiều sâu và quy mô lớn. Trong đầu tư sản xuất cần cơ giới hóa để nông dân giảm sức lao động trên đồng ruộng, tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm thất thoát sau thu hoạch. Lấy nuôi trồng chủ yếu là nuôi cá tra, tôm càng xanh, tôm sú đang đem lại giá trị cao. Trong thủy sản, cần đầu tư các nhà máy chế biến. Tuy nhiên, hiện nay có tỉnh vượt số lượng nguồn cung nguyên liệu, một số nhà máy đi vào tình trạng không có nguyên liệu, không có thị trường tiêu thụ. Từng tỉnh nên cân đối nguồn nguyên liệu, nếu đảm bảo nguồn nguyên liệu mới xây dựng nhà máy. Nhưng điều quan trọng là xác định được thị trường tiêu thụ ở đâu.

Ông Bùi Ngọc Sương, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: ĐBSCL đang còn hàng loạt các vấn đề cần thống nhất chung về mặt nhận thức để có những bước đi thích hợp và sự điều chỉnh kịp thời. Ngành công nghiệp chế biến vùng ĐBSCL trong thời gian tới có nhu cầu đầu tư quy mô lớn, có trình độ công nghệ cao, gắn liền với phát triển vùng nguyên liệu. Do đó, đòi hỏi phải có quy hoạch về chiến lược phát triển hợp lý, đúng đắn; bảo đảm kết hợp tốt, hài hòa lợi ích của từng địa phương; phát huy tốt lợi thế toàn vùng. Song song với xây dựng các cơ sở chế biến tập trung ở vùng nguyên liệu lớn, cần khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ. Phát triển công nghiệp chế biến trọng tâm vào ngành chế biến lúa gạo, thủy sản, thịt, hoa quả, nước giải khát...; nhanh chóng giảm sản phẩm sơ chế, tăng cường các sản phẩm chế biến sâu.

Cụ thể như đối với chế biến lúa gạo các tỉnh trong khu vực nên có chính sách khuyến khích và ưu tiên dể thu hút các nhà đầu tư có thiết bị, công nghệ nâng cao tỷ lệ thu hồi gạo, hình thành các trung tâm chế biến lớn có công nghệ liên hoàn khép kín từ khâu sấy khô, bảo quản, chế biến đồng bộ như: bóc vỏ, xát trắng, lau bóng, tách tấm và tách hạt có màu... để sản xuất ra gạo có chất lượng cao cho xuất khẩu. Kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hệ thống tồn trữ lúa gạo ở các tỉnh trọng điểm lúa như: Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ... với công suất 2 triệu tấn. Về chế biến thủy sản, các tỉnh trong vùng phải tiếp tục kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh có công nghệ hiện đại tại các vùng có nguồn nguyên liệu lớn như: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau... Đặc biệt khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy thủy sản đóng hộp, các nhà máy chế biến sâu nhằm tận dụng các loại phụ phẩm của thủy sản để tạo ra giá trị gia tăng cao. Về chế biến rau quả, trước mắt sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả và tận dụng công suất chế biến của các nhà máy hiện có ở An Giang và Kiên Giang. ĐBSCL còn đang kêu gọi đầu tư thêm các nhà máy rau quả đóng hộp, chế biến nước giải khát... để tiêu thụ nguồn nguyên liệu trái cây trong vùng.

LÊ HIỀN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết