Nhằm tăng hiệu quả chữa lành vết thương, các nhà khoa học ở Mỹ và Anh đã chế tạo ra các loại băng gạc công nghệ cao giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục và làm lành, đặc biệt hữu ích trong xử lý những vết thương mãn tính.
Ảnh: ANI
Sản phẩm mới nhất là “băng gạc thông minh” (ảnh) do các nhà khoa học Mỹ thuộc Viện Công nghệ Massachussetts (MIT), Đại học Harvard và Đại học Nebraska-Lincoln phát triển. Theo báo cáo trên tạp chí Futurism, loại băng vết thương này làm từ vải bông (cotton) dệt xen với một vật liệu có đặc tính dẫn điện và được bao phủ bởi một loại gel có thể chứa đồng thời kháng sinh và thuốc giảm đau. Các sợi vải được điều khiển bằng một thiết bị mỏng như con tem dán ngoài băng gạc, có khả năng nhận tín hiệu từ thiết bị di động để giải phóng thuốc với liều lượng và thời điểm mong muốn. “Đây là loại băng gạc đầu tiên có khả năng đưa thuốc theo ý muốn. Đó là một tiến bộ to lớn so với các sản phẩm hiện hành” – theo Phó giáo sư Ali Tamayol thuộc Đại học Nebraska, người đồng thời cho biết công nghệ mới có thể ứng dụng trong các lĩnh vực kỹ thuật y sinh và y học.
Qua thử nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy băng gạc thông minh chữa lành vết thương nhanh gấp 3 lần băng gạc thông thường. Điều này sẽ có ích cho những người trải qua phẫu thuật, binh sĩ nơi chiến trường và hàng chục triệu bệnh nhân tiểu đường cần xử lý vết thương hở càng nhanh càng tốt để tránh nguy cơ hoại tử dẫn tới cắt cụt chi.
Trong nỗ lực tương tự, các chuyên gia tại Đại học Northwestern tạo ra loại băng vết thương phản ứng nhiệt có thể chữa lành vết thương nhanh gấp 4 lần sản phẩm hiện hành. Nghiên cứu của họ tập trung chữa lành vết thương ở bệnh nhân tiểu đường, vốn dễ nhiễm trùng và khó lành do nồng độ đường huyết cao.
Loại băng gạc mới sử dụng hỗn hợp polyethylene glycol (một loại nhựa thường dùng trong lĩnh vực y khoa) và prôtêin SDF1. Nhờ khả năng cảm ứng nhiệt, nó có thể được thoa lên vết thương ở dạng lỏng, sau đó tự động đông lại thành dạng gel nhờ nhiệt độ cơ thể. Lúc này, băng gạc từ từ giải phóng prôtêin SDF1 - “vũ khí bí mật” giúp thu hút các tế bào gốc gần đó đến chỗ vết thương để tái tạo các mạch máu và phần mô bị ảnh hưởng, qua đó cải thiện sự tuần hoàn và thúc đẩy vết thương mau lành. Khi hoàn thành nhiệm vụ, băng gạc được hạ nhiệt bằng nước muối lạnh và trở về dạng lỏng, có thể gỡ bỏ dễ dàng và không gây đau đớn. Theo Giáo sư Guillermor Ameer, bằng cách “bắt chước” quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể, băng gạc mới của nhóm ông mở ra triển vọng điều trị hiệu quả vết thương ở bệnh nhân tiểu đường.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Đời sống Đại học Swansea (Anh) cho biết họ đang hoàn thiện loại băng vết thương công nghệ cao, cho phép cá nhân hóa việc điều trị.
Do mỗi bệnh nhân có tốc độ hồi phục khác nhau, nên sản phẩm sử dụng công nghệ 5G để đồng thời theo dõi hiệu quả chữa trị vết thương và mức độ hoạt động của bệnh nhân. Cụ thể, các cảm biến công nghệ nano trong băng gạc sẽ thu thập dữ liệu của bệnh nhân theo thời gian thực và truyền tải liên tục đến các bác sĩ thông qua mạng không dây 5G, từ đó họ có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp. Bằng cách này, bệnh nhân cũng nắm bắt bệnh tình tốt hơn và nhận được chỉ dẫn từ nhân viên y tế để điều chỉnh lối sống tốt có lợi cho quá trình hồi phục. Nhóm nghiên cứu dự kiến thử nghiệm lâm sàng băng gạc công nghệ cao của họ trong vòng 1 năm tới. Nếu thành công, nó sẽ giúp các bác sĩ thu thập dữ liệu chính xác để điều trị vết thương tốt hơn, thay vì chỉ dựa vào thông tin do bệnh nhân cung cấp.
HẠNH NGUYÊN (Theo Futurism, Naturalnews)