10/09/2013 - 09:37

Cộng đồng cùng bảo vệ tài nguyên biển

Hiện nay, mô hình “quản lý cộng đồng trong khai thác biển” được Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT&BVNLTS) tỉnh Cà Mau thực hiện thí điểm tại xã Khánh Hội (huyện U Minh) và xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời). Ngư dân tham gia mô hình trên tinh thần tự nguyện, được tập huấn về quản lý cộng đồng, được trao một số quyền kiểm soát, những hộ khó khăn được hỗ trợ sinh kế…

Lây lất bám biển

Gần đây, nguồn lợi thủy sản suy giảm mạnh nên người dân làm nghề khai thác ven bờ biển Tây Nam Cà Mau không còn thu lời nhiều như trước, chỉ làm cầm chừng. Phần đông dân làm nghề ven bờ hoàn cảnh khó khăn, việc thả ngư cụ khai thác thủy sản chỉ tạm đắp đổi qua ngày. Ngư dân Lý Việt Quốc, ngụ ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc vừa thả xong dàn lú bát quái hơn 200 cái xuống biển, cho biết: “Không có tiền đóng tàu lớn xa khơi nên bám ven bờ, ăn mót tôm cá loại nhỏ, giá trị thấp. Ngày nào không làm là không có ăn”. Anh Quốc tiết lộ rằng, thời gian gần đây nhiều ngư dân đã thu hẹp mắt lưới lú xuống còn khoảng 1,8 phân. Với mắt lưới nhỏ như vậy, dù con cá còn rất nhỏ chui vào cũng khó lòng thoát ra ngoài! Thế nhưng, dàn lú của anh Quốc chỉ giúp anh thu về từ 1-2 triệu đồng/ngày, sau khi trừ chi phí và ăn chia với người làm công theo ghe, chủ ghe như anh Quốc còn khoảng 300.000- 500.000 đồng/chuyến biển. “Chừng ấy thu nhập là có dư nhưng lâu lâu ghe hư hoặc trục trặc máy móc, tiền dành dụm bay vèo cho việc tu sửa, lại trắng tay” – anh Quốc nói.

Ngư dân Khánh Hội thu mót tôm cá còn sót lại sau gần cả ngày lênh đênh trên biển.

Theo ngư dân Lâm Văn Mến, ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc, bây giờ, đánh cá cả ngày cũng chỉ đủ ăn. Để có thêm sản lượng, nhiều ngư dân buộc phải thu nhỏ mắt lưới để bẫy được nhiều tôm, cá… “Làm vậy là tận diệt nguồn lợi thủy sản nhưng không làm thì ngư dân tỉnh khác đến ngư trường này họ cũng làm. Có ghe còn xài xung điện, những con cá bé tẹo vừa mới nở vài ba ngày cũng không lọt lưới” – ông Mến cho biết. Những ngư dân làm nghề lưới mé khu vực ven vùng biển cạn của Khánh Hội cũng trầy trật mưu sinh, ngư trường không thể mở rộng, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, lưới cá tôm nhỏ, cá tạp thu nhập rất thấp.

Với ngư cụ thô sơ, vốn ít, nên phần lớn ngư dân bám biển và hành nghề khai thác ven bờ chỉ trông chờ mỗi con nước. Ở ấp 1, xã Khánh Hội, trong 469 hộ dân đã gần 200 hộ diện nghèo, cận nghèo. Ngư dân bám biển chỉ mong đủ cái ăn, nhiều gia đình thả lưới cá ven biển hơn 10 năm trời nhưng chưa có tiền sửa lại chiếc ghe cũ kỹ. Mưu sinh quá khó khăn, ngư dân không còn cách làm khác khi chưa được sự hà hơi, tiếp sức của Nhà nước. Do vậy, thí điểm mô hình cộng đồng cùng quản lý tài nguyên biển đang thực hiện tại Cà Mau được xem là hướng đi đúng, vừa đảm bảo đời sống cho ngư dân, vừa bảo vệ tài nguyên biển.

Cần bảo tồn tài nguyên biển

Ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã báo động tình trạng khai thác ven bờ, ven biển với mắt lưới nhỏ là một trong những nhóm nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Cách làm ấy vô hình trung làm cạn kiệt “nồi cơm chung” của nhiều thế hệ ngư dân bám biển đời sau. Lẽ đó, mô hình “quản lý cộng đồng trong khai thác biển” ra đời nhằm hạn chế sự khai thác quá mức hiện nay. Theo anh Phan Việt Trung, cán bộ thủy sản xã Khánh Bình Tây Bắc, dù tự nguyện tham dự tập huấn về mô hình đồng quản lý nhưng số hộ tự giác thực hiện chưa nhiều. Bởi trên thực tế, hộ dân làm theo cách mới, mắt lưới to thì thu tôm cá ít, còn theo cách cũ thì thu nhiều hơn!

Anh Trung cho rằng, để ngư dân tự giác khai thác gắn liền với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trước hết phải giúp ngư dân đảm bảo cuộc sống trong những tháng cấm khai thác (mùa sinh sản của cá, tôm). Mô hình của dự án quản lý cộng đồng trong khai thác đã tính đến việc hỗ trợ sinh kế cho những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Song, kinh phí toàn mô hình chỉ khoảng 1 tỉ đồng.  “Chỉ với ngần ấy tiền để chi cho tất cả các hoạt động, như: nâng cấp xây mới trụ sở sinh hoạt của ban quản lý; mua sắm thiết bị phục vụ công tác quản lý; tập huấn, tuyên truyền; trang bị phương tiện để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát vi phạm… là quá khiêm tốn” – anh Trung lo ngại.

Theo Chi cục KT&BVNLTS Cà Mau, ngoài kinh phí khoảng 1 tỉ đồng/mô hình/xã thí điểm, Dự án cho phép thu thêm kinh phí hoạt động từ những khoản sinh lợi trong khu vực biển mà cộng đồng ngư dân tham gia quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, thực tế tại hai nơi thí điểm mô hình, ngoài việc khai thác thủy sản gần bờ thì cửa biển Khánh Hội và Khánh Bình Tây Bắc không có các bãi nghêu, bãi sò lớn như các khu vực biển khác để giúp mô hình sinh lợi, nên khó có thêm nguồn thu để ban quản lý duy trì hoạt động của mô hình. Ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNLTS Cà Mau, khẳng định: “Muốn ngư dân tự giác làm theo trong khi “bụng còn đói” là không dễ. Song, dù khó cỡ nào cũng phải thực hiện, chứ làm ngơ để bà con khai thác tận diệt thì con cháu lớp ngư dân đời sau không còn gì để ăn”.  Theo ông Sĩ, mô hình triển khai tại hai xã trên hiện mới tiến hành chọn địa điểm, tập huấn cho địa phương và chọn ngư dân tham gia. Song song với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý tốt nghề khai thác biển, Cà Mau đang cần khung pháp lý để hạn chế lượng tàu thuyền tham gia khai thác ven bờ khu vực thí điểm, nhất là những tàu khai thác không theo mùa vụ, đánh bắt hủy diệt. 

Cộng đồng cùng tham gia quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên biển là cách làm bền vững được áp dụng ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, để thực hiện mô hình cần quyết tâm của chính quyền địa phương, tự nguyện của ngư dân và chính sách căn cơ để giải quyết sinh kế lâu dài cho ngư dân.

     Bài, ảnh: Hữu Tùng 

 

Chia sẻ bài viết