29/01/2012 - 20:53

"Cõng chữ" ra hải đảo

Ở những hải đảo xa xôi nơi tuyến đầu của Tổ quốc trên vùng biển Tây Nam ngày ngày vẫn có tiếng trẻ “ê, a” văng vẳng lại từ trong trường núp dưới những rặng cây xanh. “Cái chữ” ở đảo không mấy dễ dàng nhưng với những khát khao học tập, lòng nhiệt thành của những người thầy, học trò trên đảo bớt đi phần nào khó khăn trên bước đường tìm chữ…

THẦY GIÁO BỘ ĐỘI

Lớp học của thầy giáo bộ đội ở Hòn Chuối-Cà Mau.  Ảnh: T.NGUYỄN. 

Vừa bước chân lên hơn 300 bậc thang từ xóm biển Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), những mệt nhọc như tan biến khi từ xa xa vẳng lại tiếng trẻ con đánh vần thật trong trẻo. Tiếng thầy giáo đều đặn đọc trước, học trò đọc sau. Các đồng chí biên phòng đi cùng chúng tôi cho biết đó là lớp học tình thương Đồn biên phòng 704-Hòn Chuối. Thầy giáo chính là cán bộ của đồn. Ngôi trường được cất đơn giản với mái lợp tole, khung sắt nhưng khá xinh xắn nằm dưới rừng xoài lâu năm ở lưng chừng đồi. Hàng ngày, trẻ con ở xóm biển đi bộ lên đây học đến trưa mới về. Một phòng học có đến ba cấp lớp, từ lớp 1 đến lớp 3. Tổng số học trò chưa đến 20 em. Thầy giáo chia ca cho các em học. Một giờ đầu là lớp 1, giờ tiếp theo là lớp 2 và giờ cuối là lớp 3. Học trò cấp lớp này học xong thì được ra chơi để học trò lớp sau vào lớp. Khi dạy xong ba cấp lớp, thầy tập hợp tất cả học trò vào lớp để ôn lại các kiến thức vừa học trong ngày, đảm bảo cho các em thuộc bài ngay tại lớp.

“Ở đảo, điều kiện học hành không được đầy đủ như trong đất liền. Vì thế, tôi phải vận dụng kiến thức, khả năng của mình để truyền đạt cho các em. Trẻ trên đảo rất ngoan và chăm học. Nhiều em viết chữ rất đẹp, học rất giỏi...”, Trung úy Trần Bình Phục là người trực tiếp đứng lớp, cho biết. Trong lúc các em đang bi bô học bài về “gia đình cò”, chúng tôi quan sát những nét chữ được viết nắn nót trên tập của các em. Trên từng trang tập, có nhiều điểm 10 môn tập viết, môn toán. Ban đầu, nghe đến lớp học tình thương biên phòng, chúng tôi thầm nghĩ chắc đây là lớp xóa mù chữ cho trẻ con trên đảo. Nhưng sau hơn một giờ dự thính lớp học và trực tiếp kiểm tra tập vở học trò, chúng tôi mới biết được rằng đây là một lớp học thật sự. Trung úy-Thầy giáo Trần Bình Phục cho biết thêm: “Tôi không được đào tạo chuyên ngành sư phạm nhưng vẫn cố gắng và tìm tòi, học hỏi những giáo án của thầy, cô giáo trong đất liền để soạn bài trước khi đến lớp. Chương trình dạy tại trường đều tuân thủ theo chương trình chung của Bộ GD&ĐT, giúp các em làm quen với chương trình học chính để khỏi bỡ ngỡ khi vào đất liền học”.

Hòn Chuối là một ấp thuộc thị trấn Sông Đốc hiện có 43 hộ dân sinh sống. Cư dân trên đảo là những người từ Cái Đôi Vàm ở đất liền ra, sinh sống với nghề biển. Người có ghe lớn thì ra khơi đánh bắt. Người có ghe nhỏ, xuồng câu thì khai thác quanh đảo. Chịu khó làm ăn, một người đi câu chăm chỉ có thể kiếm 300.000 đồng/ngày. Đảo này không có phương tiện công cộng ra vào đất liền nên người dân và bộ đội trên đảo phải quá giang tàu đánh cá vào bờ. Nước ngọt vào mùa khô được chở từ đất liền ra. Điều kiện sinh hoạt khó khăn nhưng có thể mưu sinh được trên đảo nên các hộ vẫn cùng bộ đội biên phòng, hải quân bám đảo, bám biển sinh sống và giữ gìn an ninh lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Do số lượng học trò không nhiều nên ngành giáo dục chưa thể mở điểm trường trên đảo. Trước tình hình đó, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã bàn bạc với dân và xây dựng một phòng học ở lưng chừng đồi vào năm 1996. Ban đầu, chỉ có lớp 1 và “nhô” dần lên lớp 2, lớp 3 duy trì đến ngày hôm nay.

KHÁT KHAO “CÁI CHỮ”

Vùng biển Tây Nam là vùng biển có nhiều đảo lớn nhỏ thuộc hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Trên các đảo thuộc vùng biển Cà Mau, chỉ có Hòn Chuối là có đông dân cư sinh sống. Riêng vùng biển Kiên Giang, có nhiều đảo lớn, thu hút đông dân cư sống lâu đời trên đảo. Ngoài đảo Phú Quốc, các đảo Thổ Chu (huyện Phú Quốc), Củ Tron, Nam Du, Hòn Sơn, Hòn Tre (huyện Kiên Hải), Hòn Đốc (thị xã Hà Tiên)... đều là xã đảo. Dân cư, chợ búa trên biển, trên đảo rất sung túc. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư đầy đủ, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho cư dân sinh sống. Tại mỗi xã đảo đều có các cấp lớp từ mầm non đến tiểu học và trung học cơ sở. Tại Hòn Tre và Phú Quốc có trường THPT. Riêng Phú Quốc có trường trung cấp nghề để đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng các ngành nghề mũi nhọn. Bà Nguyễn Thị Kim Bé, PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Công tác giáo dục tại các huyện, xã đảo rất được tỉnh Kiên Giang quan tâm nhằm phát triển nguồn nhân lực, tránh tình trạng mù chữ ở trẻ em. Đến nay, tại các xã đảo đã có trường mầm non, tiểu học và hầu hết có trường THCS. Tại các đảo là trung tâm huyện lỵ, có trường THPT. Một số đảo mở “lớp nhô” để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập”.

Ông Bùi Thanh Tấn, PCT xã Tiên Hải (thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), cho biết: “Trên đảo Hòn Đốc có trường cấp I và II với khoảng 220 học sinh. Người dân trên đảo rất quan tâm đến việc học hành của con cái. Vì thế, khi học xong cấp II, họ cho con vào đất liền ở nhà người thân hoặc ở trọ để tiếp tục con đường học vấn, mở mang kiến thức và chọn ngành nghề theo sở thích chứ không nhất thiết phải gắn với nghề biển như gia đình. Địa phương đang khuyến khích cán bộ xã tiếp tục học để nâng cao trình độ góp phần xây dựng và phát triển xã đảo, phục vụ nhân dân”. Theo ông Tấn, toàn xã hiện có 10 cán bộ, giáo viên có trình độ đại học và hiện đang tăng dần. Tại những đảo xa như Thổ Chu, điều kiện đi lại khó khăn nhưng người dân vẫn quan tâm đến việc học hành của con cái. Trên đảo, chỉ mới có các cấp học mầm non đến THCS nên học xong, các em phải vào đảo Phú Quốc hoặc đất liền để học tiếp. “Nghề biển dù khó khăn và nguy hiểm nhưng ngư dân vẫn có thể sống được, làm khá giả với nghề. Điều kiện kinh tế ổn định thì chuyện học hành của con cái càng được quan tâm nhiều hơn. Bà con ở đây đều tạo điều kiện tốt cho con em học hành đến nơi đến chốn. Khó khăn lắm thì cũng phải học xong THCS ngay trên đảo. Có điều kiện hơn thì tiếp tục học cao hơn. Mấy đứa con tôi hiện đang học Tiểu học và THCS. Học xong, tôi cũng cho nó vô đất liền học. Có cái chữ, có kiến thức thì mới thích ứng tốt được với đà xã hội ngày càng phát triển. Có trình độ trở về đảo phục vụ địa phương cũng tốt hơn...”, anh Lê Minh Trung ở đảo Thổ Chu (xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) tâm sự.

Trò chuyện với chúng tôi, ai cũng bảo rằng việc học hành của con em trên các đảo còn lắm gian nan nhưng đều tin tưởng rằng nếu biết vượt lên thì sẽ đạt được. “Ở đâu có ước mơ, ở đó có con đường”. Nghĩ vậy, nên các bậc phụ huynh trên đảo luôn nuôi dưỡng ước mơ cho con em mình để chúng ý thức vươn lên, chinh phục đỉnh cao tri thức. Những tấm gương của người thầy, những bộ đội tâm huyết với sự nghiệp giáo dục trên đảo càng làm tăng ý chí phấn đấu, vươn lên của trẻ em trên đảo. Chia tay với vùng hải đảo trong những ngày giáp Tết, chúng tôi nhớ gia đình ông Nguyễn Hữu Phước ở Hòn Chuối. Trên đảo chỉ có lớp học tình thương của Bộ đội Biên phòng nhưng ông vẫn lo cho ba người con học đại học; chỉ chừa lại thằng út lo việc nhà và nối nghiệp biển của cha mẹ. Gia đình ông trở thành tấm gương hiếu học cho trẻ em trên đảo. Khi khuyến khích con cái học hành, bà con trên đảo Hòn Chuối thường nhắc đến những người con của ông Phước để làm gương.

GIA BẢO-THÀNH NGUYỄN

Chia sẻ bài viết