17/12/2009 - 07:58

Công bố Luật người cao tuổi và Luật khám bệnh, chữa bệnh

Ngày 16-12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật người cao tuổi và Luật khám bệnh, chữa bệnh đã được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII.

Luật người cao tuổi (NCT) gồm 6 chương, 31 điều, thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về NCT một cách hệ thống, đầy đủ, toàn diện; khuyến khích sự quan tâm của các tổ chức cá nhân nhằm xã hội hóa công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT; đáp ứng được nhiều đối tượng thụ hưởng...

Theo Luật, công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi được gọi là NCT; được đảm bảo các nhu cầu về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe; được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ công, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; được tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, giáo dục, thể thao, giải trí và nghỉ ngơi; miễn các khoản đóng góp xã hội; được phụng dưỡng, kính trọng và giúp đỡ... Luật quy định độ tuổi của NCT được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng là 80 tuổi; người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước chúc thọ, tặng quà; thọ 90 tuổi được Chủ tịch UBND tỉnh chúc thọ, tặng quà. Các mức tuổi thọ khác được tổ chức tại địa phương vào một trong các ngày: Sinh nhật, Tết Nguyên đán, Ngày người cao tuổi Việt Nam , Ngày Quốc tế người cao tuổi. Khi người cao tuổi mất, người phụng dưỡng có trách nhiệm chính trong tổ chức tang lễ và mai táng theo nghi thức trang trọng, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hóa, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp người cao tuổi mất mà không có người phụng dưỡng hoặc có nhưng không đủ điều kiện làm tang lễ thì chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ sở bảo trợ xã hội chủ trì, phối hợp với Hội Người cao tuổi tổ chức tang lễ và mai táng... Luật có hiệu lực thi hành từ 1-7-2010.

Luật khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) là đạo luật đầu tiên về lĩnh vực then chốt trong hoạt động y tế; bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh, nâng cao chất lượng KBCB, giảm phiền hà cho người bệnh; góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân...

Luật gồm 9 chương, 91 điều, điều chỉnh thống nhất toàn bộ hoạt động KBCB trong khu vực nhà nước và tư nhân, tạo sự công bằng, bình đẳng giữa 2 khu vực, từ đó tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa những người hành nghề và cơ sở KBCB. Luật đã đề cập đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người bệnh; thiết lập cơ chế pháp lý rõ ràng bảo đảm nâng cao năng lực của người hành nghề, đặc biệt các quy định về điều kiện đối với người hành nghề đã được thống nhất giữa 2 khu vực Nhà nước và tư nhân. Các quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở KBCB là nền tảng để nâng cao chất lượng KBCB. Luật cũng đặt ra cơ chế pháp lý để bảo vệ các quyền của người bệnh cũng như quyền của người hành nghề nhằm nâng cao trách nhiệm; nguồn lực nhằm bảo đảm thực hiện tốt công tác KBCB. Luật quy định rõ, Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách nhằm đáp ứng nhu cầu KBCB cơ bản của nhân dân; nghiêm cấm việc từ chối hoặc chậm cấp cứu bệnh nhân; khám chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề; cấm cho thuê, cho mượn hoặc đi thuê, đi mượn chứng chỉ hành nghề, hoặc giấy phép hoạt động... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011.

THANH HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết