17/10/2013 - 22:28

Xây dựng Cánh đồng mẫu lớn:

Còn nhiều việc phải làm

Xây dựng và phát triển mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) nhằm hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia cũng chủ động nguồn nguyên liệu, xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, việc phát triển CĐML hoàn thiện thì còn nhiều việc phải làm… Đó là những vấn đề được đặt ra tại Hội nghị phương hướng đầu tư và tiêu thụ lúa vụ đông xuân 2013-2014 và năm 2014 tổ chức tại Sở NN&PTNT Tiền Giang vừa qua.

Hiệu quả, nhưng…

Thời gian qua, Sở NN&PTNT Tiền Giang đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xây dựng vùng lúa chất lượng cao gắn với đầu tư và tiêu thụ theo mô hình CĐML ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Theo Sở NN&PTNT Tiền Giang, năm 2012 Công ty Lương thực Tiền Giang liên kết với nông dân sản xuất 626ha/959 hộ tham gia mô hình CĐML tại các huyện lúa trọng điểm của tỉnh, gồm: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Chợ Gạo, Gò Công Tây và Gò Công Đông. Năm 2013, mô hình CĐML mở rộng ra 974ha/1.160 hộ dân tham gia. Trong đó, Công ty Lương thực Tiền Giang và Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đầu tư giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu 524ha. Khi tham gia mô hình, nông dân tiết kiệm được 1,5- 2 triệu đồng/ha và lãi cao hơn sản xuất thông thường 2-5 triệu đồng/ha.

Thu hoạch lúa trên CĐML ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, cho biết các mô hình đều mang lại hiệu quả thiết thực đối với người trồng lúa, nông dân sử dụng giống xác nhận, biết cách quản lý dịch hại hiệu quả, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, bón phân đúng nhu cầu cây lúa. Bước đầu hình thành các mô hình khép kín từ sản xuất đến thu mua hoặc có liên kết của nhiều đơn vị tổ chức sản xuất và tiêu thụ theo hình thức khép kín. Hình thành nhận thức sản xuất lúa theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, nhận thức của nông dân về CĐML chưa đồng bộ và toàn diện, nhiều địa phương chưa quan tâm và chưa tổ chức tốt việc xây dựng mô hình. Mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp chỉ tham gia tiêu thụ sản phẩm mà không đầu tư từ đầu. Nông dân bán "chạy" sản phẩm khi giá thị trường cao hơn hợp đồng thu mua đã ký với doanh nghiệp trước đó…

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Tiền Giang, vụ đông xuân 2013-2014, tỉnh Tiền Giang sẽ xây dựng khoảng 3.000ha theo mô hình CĐML ở các huyện sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh. Khi thực hiện, khoảng 10 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sẽ tham gia đầu tư vật tư trọn gói và bao tiêu sản phẩm hoặc không đầu tư vật tư, nhưng bao tiêu sản phẩm. Để mô hình CĐML trong vụ đông xuân 2013-2014 thành công, ông Cao Văn Hóa cho biết thêm: Tỉnh đang tập trung hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng, giao thông vào các cánh đồng mẫu; đẩy nhanh tiến độ Đề án phát triển 4 triệu tấn kho đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Đặc biệt, các mô hình khi xây dựng phải sử dụng giống lúa chất lượng cao gieo sạ, áp dụng chương trình "3 giảm, 3 tăng", "1 phải 5 giảm". Mặt khác, củng cố các hợp tác xã, Tổ hợp tác; đẩy mạnh mối liên kết "4 nhà" trong mô hình. Xử lý những trường hợp tranh chấp thiếu lành mạnh trong đầu tư sản xuất, cũng như bao tiêu lúa.

Tâm tư của doanh nghiệp

Tiền Giang có nhiều lợi thế để phát triển trồng lúa theo mô hình CĐML như có vùng nguyên liệu tốt, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo… nhưng doanh nghiệp vẫn còn tâm tư khi tham gia mô hình CĐML. Theo ông Lê Minh Phương, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, công ty đầu tư trọn gói và bao tiêu sản phẩm của nông dân theo hợp đồng thỏa thuận trước. Sau đó, nông dân có yêu cầu công ty tái sản xuất thì doanh nghiệp cũng chấp nhận, nhưng bà con cần thực hiện đúng ký kết. "Chúng tôi có lực lượng và cơ sở vật chất rất hùng hậu nên liên kết với nông dân Tiền Giang sản xuất trên 1.000ha lúa theo mô hình CĐML thì không vấn đề gì"-ông Phương nói. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cho biết: Thời gian qua, chúng tôi rất quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu cho riêng doanh nghiệp. Hằng năm, doanh nghiệp xuất khẩu trên 500 ngàn tấn gạo nhưng chưa có hàng hóa cung ứng cố định. Vụ đông xuân 2013-2014, doanh nghiệp sẽ triển khai liên kết với nông dân ở xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè sản xuất 200ha lúa theo mô hình CĐML. Doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân cao hơn 100-200 đồng/kg nhưng yêu cầu nông dân phải giữ đúng cam kết với công ty để không đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó".

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, cho biết tham gia CĐML, doanh nghiệp và nông dân cùng có lợi. Trong đó, nông dân tiết kiệm chi phí, được đầu tư với giá rẻ và bán nông sản cao hơn giá thị trường. Còn doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu và chủ động được chất lượng, độ đồng đều của sản phẩm. Việc liên kết hợp đồng do phía doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con nông dân tự thỏa thuận (đầu tư phân thuốc, giống…). Hợp đồng này cần sự đồng thuận cao giữa nông dân và doanh nghiệp, nông dân không bẻ kèo, doanh nghiệp bắt buộc phải thu mua toàn bộ sản phẩm của nông dân theo giá thị trường hoặc cao hơn. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân hòa giải nếu có tranh chấp xảy ra. Mỗi vụ, ngành nông nghiệp cần tổng kết để biết doanh nghiệp nào làm được và doanh nghiệp nào không. Từ đó, chọn những doanh nghiệp đầu tư và thu mua tốt sẽ liên kết với nông dân ở những vụ tiếp theo.

Mô hình CĐML đã thành công ở nhiều địa phương, nhưng vẫn chưa triển khai mở rộng diện tích do mối gút: Khi thị trường ế ẩm, nông dân bán cho doanh nghiệp theo hợp đồng, còn giá cao thì nông dân bẻ kèo, bán bớt 1 phần, hoặc bán hết cho thương lái. Có trường hợp, doanh nghiệp đầu tư giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật nhưng đến khi thu hoạch thì nông dân bán hết cho thương lái và cũng không muốn trả tiền mà doanh nghiệp đã đầu tư trước! Mô hình CĐML là giải pháp hiệu quả để xây dựng nền sản xuất lúa hàng hóa tập trung, hiện đại; đồng thời, tập dợt cho nông dân các kỹ năng cần thiết trong hội nhập kinh tế toàn cầu. Liên kết sản xuất, đồng bộ hóa các khâu, tạo nên thế mạnh vững chắc cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu lúa gạo quốc gia. Ông Cao Văn Hóa lưu ý, doanh nghiệp khi đầu tư vật tư cho các CĐML cần chú ý đến việc bán phá giá của các đại lý vật tư tại địa phương (giống, phân bón, thuốc trừ sâu). Để mối liên kết bền chặt, Phòng NN&PTNT các huyện, thị, thành phải tham mưu cho lãnh đạo các địa phương làm việc với nông dân, thương lái. Các địa phương phải quy hoạch vùng, hướng dẫn giúp đỡ doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp và công ty vật tư phải tính giá mua có lợi cho nông dân.

Bài, ảnh: Khải Ca

 

Chia sẻ bài viết