08/10/2016 - 10:02

Con là món quà vô giá của cha mẹ

Làm mẹ là thiên chức trời phú cho người phụ nữ nhưng món quà vô giá ấy không phải ai cũng may mắn và dễ dàng có được. Những người phụ nữ hiếm muộn khao khát có con phải quyết tâm và vững vàng nghị lực để trải qua những thách thức không nhỏ của quá trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON).

Đầu tháng 9 đến nay, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ liên tục chào đón các em bé chào đời nhờ phương pháp TTTON với sự hỗ trợ của kỹ thuật phôi thoát màng bằng laser. Sản phụ Đ. T. V. (ngụ quận Ninh Kiều), nhập viện trong tình trạng chuyển dạ với chẩn đoán con lần 2, thai 38 tuần, ngôi đầu, chuyển dạ ngưng tiến triển. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ nhanh chóng vừa hồi sức vừa mổ lấy thai để đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và bé. Chị V. vui mừng chào đón con trai bé bỏng nặng 2,9kg và ngay sau đó được thực hiện da kề da, ấp ủ bé trong vòng tay yêu thương của mẹ để truyền hơi ấm cho con. Trong niềm hạnh phúc dâng tràn, chị V. chia sẻ niềm vui: "Sau nhiều năm chờ đợi, vợ chồng tôi vô cùng thỏa nguyện khi có được đứa con này". Chị V. cũng chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện TTTON: "Hai lần đầu vợ chồng tôi thực hiện chuyển phôi nhưng không thành công, chúng tôi buồn lắm. Thế nhưng, các y bác sĩ đã động viên, khuyến khích chúng tôi không bỏ cuộc, quyết tâm thực hiện lần chuyển phôi thứ ba và rất may mắn là đã thành công".

Người mẹ với niềm hạnh phúc chào đón thiên thần bé nhỏ.

Có chung niềm vui với các cặp vợ chồng hiếm muộn mang thai nhờ TTTON, nhưng một số chị em còn phải gian nan vượt qua thử thách trong các cuộc vượt cạn. Như trường hợp sản phụ Ng. Th. H. X. (34 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều) nhập viện với chẩn đoán con so song thai 37,5 tuần, ngôi đầu chuyển dạ, ối vỡ, suy thai. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ hội chẩn mổ lấy thai. Hai bé trai với cân nặng lần lượt 2,7kg và 2,8kg được chào đời khỏe mạnh. Tương tự, sản phụ T. T. K. D. (27 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang), nhập viện trong tình trạng thai 39 tuần nhưng chưa chuyển dạ, lại giảm trợ kháng động mạch não giữa, nguy cơ đe dọa sức khỏe tính mạng của mẹ và bé. Chị D. được các bác sĩ theo dõi tích cực và sau cùng sinh thường được một bé trai cân nặng 3,7kg. Các bác sĩ Khoa Hiếm muộn, BV Phụ sản TP Cần Thơ, chia sẻ: "Khoa Hiếm muộn nỗ lực tiếp cận các phương pháp điều trị mới, mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân. Hiện nay có rất nhiều em bé chào đời và sắp chào đời bằng phương pháp TTTON là chứng minh rõ ràng cho nỗ lực này. BV luôn theo sát tình trạng sức khỏe của các sản phụ trong suốt quá trình mang thai đến khi sinh".

Theo các chuyên gia hiếm muộn, TTTON là phương pháp hỗ trợ hiệu quả cho các cặp vợ chồng hiếm muộn và là nguồn hy vọng to lớn cho nhiều gia đình trên thế giới. Những cặp vợ chồng, đặc biệt là người vợ phải trải qua một quá trình dài, đòi hỏi sự cố gắng và thậm chí cả sự đau đớn khi phải thực hiện hành trình TTTON. Kết quả sau một hành trình dài kiên trì là cho ra "quả ngọt", những thiên thần nhỏ chào đời với niềm vui khôn xiết của những cặp vợ chồng đang mong mỏi chào đón con yêu của họ đến với tương lai.

Đến nay, Khoa Hiếm muộn BV Phụ sản TP Cần Thơ đã thăm khám hiếm muộn cho hơn 22.000 trường hợp, với gần 200 chu kỳ TTTON. Hiện nay, đã có gần 100 trường hợp có thai với 75 bé chào đời và nhiều thai phụ đang được theo dõi. Trung tâm Hiếm muộn BV Phụ sản thành phố Cần Thơ đã áp dụng những kỹ thuật hiện đại nhằm tăng tỷ lệ thụ thai như: tiêm tinh trùng trực tiếp vào bào tương trứng, trữ phôi và chuyển phôi trữ, hỗ trợ phôi thoát màng bằng laser. Nhờ đó, tỷ lệ mang thai nhờ TTTON thực hiện tại BV Phụ sản thành phố đạt 40-45%, kết quả này tương đương với các trung tâm TTTON lớn của cả nước.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết