25/09/2008 - 21:23

Trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP để xuất khẩu

Con đường chưa bằng phẳng

Sau trái thanh long được phép xuất khẩu vào Hoa Kỳ, đến lượt nhãn và chôm chôm cũng đang tiếp bước. Đây là cơ hội lớn cho trái cây Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong khi các doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận đang tất bật đưa thanh long xuất ngoại, thì tại Tiền Giang, nơi được mệnh danh là “vương quốc” trái cây với khoảng 70.000 ha trồng cây ăn trái, sản lượng hàng năm trên 800.000 tấn, vẫn “yên tĩnh”. Nguyên nhân chỉ đơn giản là không có sản lượng lớn trái cây hàng hóa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

“Nở rộ” mô hình GAP

Các mô hình sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP (thực hành canh tác tốt) “nở rộ” tại tỉnh Tiền Giang trong vòng 2 năm nay. Tháng 11-2007, với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, hợp tác xã (HTX) vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim triển khai mô hình Global GAP cho 33 hộ nông dân trồng vú sữa Lò Rèn ở huyện Châu Thành tham gia trên diện tích 12 ha. Đến ngày 30-4-2008, HTX và 19 hộ với 7 ha trồng vú sữa Lò Rèn đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn trên. Trước đó, vào đầu năm 2007, 2 tổ sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GAP (ở huyện Chợ Gạo) đầu tiên cũng đã được thành lập trên diện tích 26 ha, có 41 hộ nông dân trồng thanh long tham gia với sự giúp đỡ về vật chất, kỹ thuật của Tổ chức Liên kết GAP Sông Tiền, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam. Tháng 9-2007, mô hình sản xuất GAP trên xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè) tiếp tục ra đời. Các tổ này hiện đang vào giai đoạn chuẩn bị để được xét cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, được sự hỗ trợ của các tổ chức, viện khoa học trong lĩnh vực cây ăn trái, các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP trên sơ ri, khóm đã và đang tiếp tục hình thành.

Trên cơ sở xây dựng thành công mô hình GAP trên vú sữa Lò Rèn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang đang cùng HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim lập dự án mở rộng 40 ha diện tích sản xuất vú sữa theo tiêu chuẩn trên. Đồng thời, tiếp tục áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP trên sơ ri Gò Công, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, khóm Tân Phước. Việc áp dụng các mô hình này nằm trong chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện các loại cây ăn trái đặc sản trên.

Chăm sóc thanh long thực hiện mô hình GAP ở nông hộ anh Nguyễn Văn Ẩn, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang).
Ảnh: NGÔ VĂN TÔNG 

Lâu nay, việc xuất khẩu trái cây sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ gặp rất nhiều khó khăn, do sản phẩm chưa đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, an toàn cho người sản xuất và môi trường. Chính vì vậy, để trái cây Việt Nam vào được các thị trường trên, không có con đường nào khác là phải sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP. Có thể nói, đây là thời cơ tốt cho nông sản an toàn “lên ngôi”. Song, trên thực tế, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình GAP không hề dễ dàng. Cho đến nay, trên “vương quốc” trái cây Tiền Giang với gần mười loại cây ăn trái được trồng trên diện tích hàng chục ngàn ha có thế mạnh cạnh tranh, nhưng chỉ có vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim là đạt được chứng nhận Global GAP (cả nước chỉ có thanh long (Bình Thuận), vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang), xoài cát Hòa Lộc Sông Hậu (Cần Thơ) được chứng nhận tiêu chuẩn GAP). Nguyên nhân chính theo ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, hàng trăm yêu cầu khắt khe của tiêu chuẩn GAP là trở ngại lớn với nông dân vùng đồng bằng vốn có tập quán sản xuất hình thành quá lâu không thể thay đổi ngay trong một sớm một chiều; mô hình GAP còn quá mới ở Tiền Giang cũng như ở ĐBSCL... Vì thế, sau thời gian áp dụng tiêu chuẩn GAP, có 14 hộ của HTX với diện tích 5 ha đã “rớt” lại, không đạt được chứng nhận”.

Ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm HTX thanh long Chợ Gạo, cũng băn khoăn: Dù đã được chuẩn bị rất tốt và ra đời rất sớm, nhưng một năm rưỡi trôi qua, 2 tổ sản xuất GAP trên thanh long vẫn chưa được chứng nhận. Trong quá trình thực hiện, không ít hộ không đáp ứng được các yêu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn GAP đã xin rút khỏi mô hình, một số nhà vườn khác không đạt yêu cầu nên bị loại. Trong 26 ha của 41 hộ nông dân tham gia mô hình GAP ban đầu của 2 tổ, đến nay, chỉ còn 24 hộ trụ lại với 15 ha. Đến đợt “sát hạch” cuối cùng trước khi được công nhận đạt tiêu chuẩn GAP sẽ có nhiều hộ bị “rớt” tiếp, do không đáp ứng được yêu cầu hay không muốn tiếp tục tham gia GAP”.

Các nhà chuyên môn lý giải: Thực trạng diện tích sản xuất manh mún, nhiều giống cây không đạt chất lượng, vấn đề lạm dụng thuốc trừ sâu vẫn chưa thể dứt bỏ, công nghệ sau thu hoạch yếu kém, HTX nông nghiệp còn nhiều bất cập, đầu ra còn bỏ ngỏ là thách thức rất lớn đối với việc thực hiện cũng như mở rộng mô hình sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP. Mặt khác, diện tích vú sữa được chứng nhận GAP còn khá khiêm tốn (diện tích 7 ha của 19 hộ), chưa đủ sản lượng xuất khẩu buộc phải tiêu thụ nội địa nên giá bán không cao. Trong khi đó, chi phí để được chứng nhận quá sức HTX và nông dân.

Nên bắt đầu từ HTX nông nghiệp

Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, tình trạng sản xuất tự phát, cá thể không phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hóa qui mô lớn, đòi hỏi chất lượng đồng nhất. Vì thế, muốn có 5 ha trồng cây ăn trái để thực hiện mô hình sản xuất theo GAP thì phải có sự liên kết từ 15-20 hộ nông dân. Vai trò của việc liên kết này không ai khác hơn là các HTX nông nghiệp. Với 40 HTX nông nghiệp, trong đó có 13 HTX sản xuất rau, quả, tỉnh Tiền Giang không thiếu những đơn vị sản xuất kinh doanh tập thể trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, điều băn khoăn hiện nay là phần lớn các HTX này đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường dẫn đến không lôi cuốn được xã viên và người lao động gắn bó với HTX. Vì vậy, việc đảm nhận nhiệm vụ triển khai, mở rộng các mô hình sản xuất GAP sẽ vô cùng khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết: Diện tích rau quả trồng theo các tiêu chuẩn GAP trên địa bàn tỉnh khoảng 200 ha, trong đó, diện tích GAP trên cây ăn trái khoảng 100 ha. Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang phấn đấu đến năm 2010, một số huyện, thành, thị có ít nhất 1 HTX đạt tiêu chuẩn GAP; đến cuối năm 2015, tất cả các HTX nông nghiệp đều đạt tiêu chuẩn GAP hoặc SQF.

Để vực dậy HTX nông nghiệp, ngoài những giải pháp đã được đề cập liên quan đến nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính..., theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, công nghệ là yếu tố rất quan trọng. Theo đó, ngành khoa học công nghệ cần tăng cường hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin, áp dụng các tiêu chuẩn trong nước, khu vực và quốc tế vào quy trình sản xuất ra nhiều sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn. Trước mắt, ngành khoa học công nghệ tham gia mở rộng 40 ha trồng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim theo tiêu chuẩn Global GAP; 50 ha sơ ri theo Viet GAP; 30 ha khóm theo Viet GAP và 20 ha khóm sản xuất theo hướng tiên tiến... Song song đó, các HTX cần mạnh dạn đầu tư máy móc có công nghệ tiên tiến để giảm chi phí không hợp lý.

GIA HÂN

Chia sẻ bài viết