17/10/2021 - 07:56

Còn dư địa để thông “mạch máu” nền kinh tế 

Ðến cuối tháng 9-2021, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), doanh số cho vay mới (tính từ 23-1-2020 đến cuối tháng 9-2021) của các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt trên 5,2 triệu tỉ đồng; có 1,7 triệu khách hàng được miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Lãnh đạo NHNN cho biết sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành triển khai tín dụng chính sách, hỗ trợ tín dụng để không gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), người dân vượt qua khó khăn. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng vẫn còn dư địa để thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế.

DN mong chính sách hỗ trợ triển khai nhanh hơn. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty South vina, Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ. Ảnh: T.H

Chia sẻ khó khăn

Theo NHNN, từ khi có dịch COVID-19 đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 1,5-2%/năm; sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD và tạo điều kiện để các TCTD tiếp cận vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn. Mặt khác, đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng DN, người dân và thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29-6-2021 của Chính phủ (về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022), thông qua cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15-7-2021 đến hết năm 2021 với tổng tiền lãi giảm cho khách hàng khoảng 20.613 tỉ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, các TCTD đều chú trọng chia sẻ khó khăn với khách hàng, đến cuối tháng 9-2021, doanh số cho vay mới trên 5,2 triệu tỉ đồng cho 800.000 khách hàng (lũy kế từ 23-1-2020). Các TCTD cũng miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 2,5 triệu tỉ đồng. Lũy kế từ 23-1-2020 đến cuối tháng 9-2021, tổng tiền lãi các TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỉ đồng. Riêng 16 ngân hàng thương mại chiếm khoảng 75% tổng dư nợ nền kinh tế đã thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay với tổng số tiền 11.813 tỉ đồng (tính từ 15-7-2021 đến cuối tháng 9-2021), đạt 57,31% cam kết giảm lãi vay.

Bên cạnh đó, các TCTD cùng thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư 01 của NHNN, đến cuối tháng 9-2021, có 278.000 khách hàng được cơ cấu lại nợ với dư nợ 238.000 tỉ đồng; lũy kế cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23-1-2020 khoảng 531.000 tỉ đồng. Theo lãnh đạo NHNN, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với diễn biến thực tế, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát lạm phát của NHNN đã tạo thuận lợi cho DN, người dân tiếp cận vốn tín dụng. “Mạch máu” của nền kinh tế là dòng tiền luôn được khơi thông. Dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng tín dụng toàn hệ thống đạt mức tăng khá trong 9 tháng đầu năm và tính đến ngày 7-10-2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020, trong khi cùng kỳ chỉ tăng 5,48%.

Hiện hầu hết các DN đều có quan hệ tín dụng với ngân hàng, nên sự chia sẻ khó khăn của ngân hàng là liều thuốc giúp DN vượt qua giai đoạn nguy nan. Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN, Chi nhánh TP Cần Thơ, chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tăng cường các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng, nghiêm túc thực hiện Thông tư 01, Thông tư số 03, Thông tư số 14 của NHNN nhằm tiếp tục hỗ trợ DN, người dân tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong 9 tháng đầu năm 2021, dư nợ cho vay tăng 10,64% so với cuối năm 2020 (đạt khoảng 114.805 tỉ đồng), góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Những kỳ vọng cuối năm

TS Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng, để có sự tăng trưởng trở lại trong quý IV-2021 phải mở cửa khôi phục kinh tế. Hai chính sách tài khóa, tiền tệ cần thực hiện song hành theo hướng hỗ trợ phục hồi kinh tế, thậm chí là kích cầu trong năm 2022. Hiện tại các cân đối vĩ mô của nền kinh tế vẫn chưa bị xói mòn, dù chúng ta lo ngại lạm phát tăng, đúng là một số mặt hàng lương thực thực phẩm có tăng lên lúc thời gian thực hiện giãn cách, nhưng tính chung 9 tháng CPI tăng chưa tới 2% (9 tháng CPI tăng 1,82%). Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt 7,2%; dòng vốn FDI vẫn chảy vào Việt Nam; nợ công có tăng nhưng vẫn ở mức dưới trần, nên vẫn còn dư địa phát triển. Ðể có tăng trưởng trong năm 2021 và phục hồi mạnh trong năm 2022 thì chính sách tiền tệ cần tiếp tục ở trạng thái hỗ trợ kinh tế, đảm bảo thanh khoản dồi dào; đồng thời chính sách tài khóa cần mở rộng hơn vì dư địa nhiều hơn chính sách tiền tệ.  

Mới đây, NHNN đã hoàn thành điều tra xu hướng kinh doanh quý IV-2021, các TCTD kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Ðánh giá chung cả năm 2021, các TCTD đã thu hẹp kỳ vọng về sự gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng, trong đó nhu cầu vay vốn tiếp tục được kỳ vọng “tăng” cao hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các TCTD dự báo tăng 4% trong quý IV-2021 và tăng 12,3% trong năm 2021, tiếp tục điều chỉnh giảm so với mức kỳ vọng 13,1% tại kỳ điều tra trước. Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4,6% trong quý IV và tăng 10,4% trong năm 2021, điều chỉnh giảm so với mức kỳ vọng 11,9% tại kỳ điều tra trước. Dự báo năm 2022, huy động vốn của toàn hệ thống TCTD tăng trưởng 12,6% (điều chỉnh giảm so với mức tăng trưởng dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước).

Các TCTD cũng kỳ vọng quý IV-2021 và năm 2022, thanh khoản được tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt. Do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến mọi mặt của nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh, theo nhận định của các TCTD, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng tiếp tục chiều hướng tăng rõ rệt, với 50,5% TCTD nhận định mặt bằng rủi ro tăng trong cả năm 2021, cao hơn nhiều so với kỳ điều tra trước (chỉ 39,8%). Các TCTD cũng nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng hiện tại ở mức “cao và khá cao” tiếp tục tăng từ mức 32,1% tại kỳ điều tra trước lên 46,5% ở kỳ điều tra này, ghi nhận mức cao nhất kể từ khi NHNN tiến hành điều tra xu hướng kinh doanh theo quý (kể từ quý I-2014). Dù vậy, các TCTD kỳ vọng nợ xấu toàn hệ thống sẽ “giảm nhẹ” trong quý IV và trở về mức ổn định tính đến cuối năm 2021 sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế, nền kinh tế dần phục hồi.

Kết quả điều tra cũng ghi nhận dự kiến tổng thể năm 2021, 83,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 13,3% TCTD lo ngại lợi nhuận giảm (cao hơn so với tỷ lệ 9,7% ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6-2021). Dù lo ngại lợi nhuận giảm nhưng các TCTD đều cho biết sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn với DN, khách hàng, tạo điều kiện tốt nhất để dòng tiền được khơi thông ra thị trường.

GIA BẢO    

Chia sẻ bài viết