17/07/2010 - 21:07

Con cò ngãng

Các khu rừng già miền Đông Nam bộ có một loại chim mà người địa phương gọi là con “cò ngãng”. Tên là cò, nhưng nó không có dáng dấp của các loại cò ở vùng đồng bằng miền Tây như cò ngà, cò hương, cò ma... bay lả, bay la, lặn lội bờ ao, hay đậu hàng đàn trên các cánh đồng, đậu trên lưng những con trâu đang ngâm mình dưới nước. Cò ngãng chỉ lớn bằng con cu ngói, nhưng mập mạp, khỏe khoắn hơn, ở trên cây cao và kêu rất to. Thịt của chúng có lẽ ngon hơn bất cứ loại chim nào, nhất là cái ức thì toàn thịt. Cháu bé nào sinh ra ở rừng, bị còi xương, mà được dưỡng cho mấy bữa bằng loại cháo cao cấp ấy thì béo mập ra trông thấy. Cán bộ chiến sĩ nào bị sốt rét rừng quật ngã mà được tẩm bổ một tô, thì có thể bật dậy ngay. Cơ quan nào sở hữu được một “dũng sĩ” biết săn cò ngãng thì coi như có một vốn quý như vàng, đơn vị đó thường có cái mùi thịt chiên bốc ra từ chảo mỡ lẫn cùng mùi tỏi, chỉ cần hít vào là đã thấy “cuộc đời vẫn đẹp sao”. Các vị thủ trưởng nào đi công tác đường xa mà có một anh công vụ có tài thổi cò ngãng, thì khỏi cần lo thực phẩm, lương khô. Chỉ cần mang theo một ít mỡ, mấy củ tỏi, cộng với thịt chim săn được dọc đường, là có thể đánh thức cả một khu rừng bằng tiếng “xèo xèo” vui hơn tiếng nhạc! Riêng tôi, nhờ có mấy bát cháo cò ngãng “ăn theo” với một em bé mà tôi gượng dậy được sau một cơn bệnh nặng, tưởng đã xuôi tay! Cho nên, đối với con cò ngãng, tôi có cái ơn riêng, tuy không thể cân, đong, đo, đếm...

Tôi nhớ cái ơn của con cò ngãng, và cũng nhớ tới một cái “chứng” thường gây cho chúng nhiều tai họa, mà loài người cũng cần suy gẫm để rút ra vài điều bổ ích cho mình:

Ở mỗi cánh rừng chừng 3-4 ha thường có một đôi cò ngãng ngự trị. Đôi vợ chồng này sống với nhau rất hạnh phúc. Người ta thường thấy chúng cùng cất cánh tung trời, hay cùng nhảy nhót trên cành, cùng rỉa lông cho nhau. Nhưng một ngày nào đó, nếu có một con chim lạ từ đâu tới, kêu lên, thì lập tức, một cuộc quyết chiến sẽ nổ ra. Nếu khách không mời mà đến là một vị mày râu (do tiếng kêu của nó phân biệt được), thì trong đôi vợ chồng kia, con trống sẽ xuất trận, nhằm thẳng vào đối phương mà quyết phân thắng bại. Nếu đuổi được tên tình địch thì anh trở lại với “bà xã” cũ. Nếu thua tại trận thì cam chịu cái cảnh “ổ nát, bầy tan, vợ lấy chồng”! Nếu không chết, thì anh tìm nơi khác để gởi thân, dứt khoát không làm một “kẻ thứ ba” bên mối tình tan vỡ! Nếu khách lạ là bậc nữ nhi thì cô vợ sẽ ra oai bảo vệ hạnh phúc của mình. Thắng hay thua, nó cũng làm như con trống, dứt khoát không chung sống hòa bình của một “bộ ba” giữa chốn tình trường.

Con người đã mò ra được cái bí ẩn này của loài cò ngãng. Người ta thường nói: “Nhứt dạ sinh bá kế”! Ở quanh loài cò ngãng có biết bao người đang hàng ngày tìm cách chiên nó. Người ta chế ra hai loại còi, nhái tiếng kêu của con trống và con mái. Nghe nơi nào có tiếng kêu của con cò ngãng, hễ là tiếng chim trống, người ta lấy cây còi “trống” ra thổi, sau khi giăng phía trước một tay lưới. Hễ là tiếng con mái thì người ta lại dùng cây còi “mái”. Chỉ cần chờ mươi phút là nhứt định anh chồng hay chị vợ cò xông vào lưới, không thể nào ra! Sau này, khi máy cassette được dùng rộng rãi, người ta không dùng còi nữa, mà ghi âm tiếng thật của các anh chị cò ngãng. Khi gặp “mồi” thì dùng đoạn băng tương ứng, mở hết vô-luym, thế là các đối tượng làm sao mà không sa vào bẫy! Chuyện con cò ngãng, người ta chỉ biết như vậy! Còn tại sao hai vợ chồng nhà cò không cùng nhau hợp sức đánh đuổi “kẻ thứ ba” thì không ai hiểu được!

Ở đơn vị chúng tôi có một anh chàng rất thiện nghệ về việc thổi cò ngãng. Với cái “năng khiếu”, cộng với tính cần cù, anh đã góp phần không nhỏ trong việc bồi dưỡng sức khỏe cho anh em, và được mang cái tên thân thương là... Hai “Cò Ngãng”. Anh ta cũng khoái cái biệt hiệu ấy lắm. Nhưng nghe anh em nói mãi về “người thứ ba”, anh dần dần hết thích thú với cái tên này. Anh yêu một cô trong đơn vị, tình yêu đã khá đậm đà, nhưng sau đó mới rõ ra là cô nàng đã yêu một người ở một đơn vị bạn, có thể thành một đôi vợ chồng tốt. Cảm thấy như mình có lỗi, Hai “Cò Ngãng” xin chuyển sang đơn vị khác. Làm vậy, Hai cũng thấy bản thân mình thanh thản! Nghe đâu sau đó, Hai cũng không đi thổi cò ngãng nữa! Anh chàng không muốn làm “con chim thứ ba”, để giữ cho rừng xanh thêm nhiều tiếng chim cùng làm “át tiếng bom” với tiếng hát của người chiến sĩ!

HỒNG SA

Chia sẻ bài viết