Truyện ngắn của THƯỢNG DỸ
Bà giáo khẩn khoản:
- Bà bên đó thui thủi một mình. Bên này, tụi tui cũng đâu có ai. Mấy đứa nhỏ nhà tui sớm gì cũng chiều mới ráp về, năm nào cũng vậy. Ấy, bà qua để tụi tui có thêm chút ấm cúng, không thôi ông bà quở chết! Hàng xóm chỉ có hai nhà, bà đừng ngại!
Bà Năm cười xẻn lẻn:
- Thì tui cũng có ngại gì đâu, thiếm giáo ơi! Mấy bận cũng tính tới lui cho biết để khi tối lửa tắt đèn, ngặt hễ mà vợ chồng, con cái nó đi là tui như bị giam lỏng. Cửa nẻo kín mít vậy mà tụi nó còn sợ, dặn ai kêu nói gì giả như không thấy, không nghe, không biết gì hết là... an toàn. Chòm xóm gì mà kỳ cục quá, dưới tui... Ờ, chú thiếm giáo rước ông bà sớm quá hen! Tui cũng chịu vậy. Ông bà rước sớm là ông bà mình...
Bà giáo cười đồng tình, đón rổ bánh phồng từ tay bà khách rồi đứng nép qua bên nhường lối cho khách vào hẳn trong nhà, giọng xởi lởi:
- Mèn ơi, bà nói giống y chang má tui hồi đó. Sợ rước trễ rồi cái... đám khách không mời nó nhào đại vô...
- Thôi, má con Hạnh coi đốt giùm xấp vàng bạc đi rồi dọn xuống mời bà...
Ông giáo vừa cắm xong mấy nén nhang, cúng tuần nước nữa, giục vợ rồi quay sang gật đầu chào khách. Thấy rổ bánh, mắt ông sáng lên nhưng giọng có vẻ như không bằng lòng:
- Trời đất! Bà qua cho có mặt là quý lắm rồi, bánh trái làm gì cho nó khách sáo vậy! Ủa! Bánh phồng hả? Mèn ơi, thời buổi này bà đào đâu ra cái món “bản sắc” thứ thiệt vầy! - Quay sang vợ, ông hỏi vui - Má con Hạnh hồi nào tới giờ có biết thứ bánh này...?
Bà giáo nguýt yêu chồng:
- Ông làm như tui ở bên Tây không bằng. Bộ chỉ mình ông biết chắc! Xin lỗi à nghen, năm sáu tuổi là tui đã biết... chạy đem bánh cho mấy người lớn họ phơi rồi đó, ông à! Hồi đó ở miệt mình, đâu mà không biết quết bánh phồng ăn Tết, phải không bà. Bây giờ...
Bà Năm cười buồn, đỡ lời Bà giáo:
- Ai đâu quết nữa thiếm ơi! Ở dưới quê cũng vậy. Bánh tây họ vô hộp sẵn, bắt mắt lắm! Bóc vỏ là ăn liền, ai ngồi tẳn mẳn tỉ mỉ với mấy cái thứ này chi cho nó mất công, lại mang tiếng nhà quê nữa. Thấy thằng Út nhà tui nó ưa, nhắc hoài... Bánh này tui gởi người ta mua tuốt trên lò bánh Mỹ Trà lận. Tui đem lên hai xấp. Vợ thằng Út nó cằn nhằn, nói lấy gì nướng, mà đồ này thảy cho con chó nhà nó chưa chắc nó đã dòm... Thiệt, cái thứ mới tanh tanh mà...
Bà giáo nghe nói cũng hơi bất nhẫn, lảng sang chuyện khác:
- Ờ, mà sao Tết nhất, anh chị bên đó với mấy đứa nhỏ đi đâu vắng, vậy bà?
Bà Năm chặc lưỡi:
- Nghe nói đi du lịch đâu bên Thái Lan lận thiếm ơi!
Ông giáo ra vẻ hiểu biết, giọng chậm rãi:
- Bây giờ nhiều người ăn nên làm ra khấm khá, họ đua nhau đăng ký mấy cái “tua” kiểu đó, đâu phải riêng gì anh chị bên nhà. Thứ nhất là để họ tìm cảm giác lạ, để thư giãn, vừa để tái tạo cho nguồn sinh lực đã bị làm cho hao hụt bởi mấy cái “phi vụ” làm ăn trong cái vòng xoáy của... thị trường, bà à! Bà nghĩ coi, suốt năm đầu tắt mặt tối lo kiếm tiền, năm cùng tháng tận, được nghỉ ngơi có mấy ngày... Thôi mời bà cầm đũa.
Bà Năm miễn cưỡng:
- Chú thiếm cứ việc, chớ tui nói thiệt là qua chơi, bụng dạ nào mà...
Bà giáo gắp thức ăn cho khách, cố nài:
- Năm mới... Bà ăn vài miếng cho tụi tui lấy phước đức, nghen bà!
Bà Năm vị tình chủ nhà, nhưng trệu trạo có mấy cái rồi cũng gác đũa, quay qua khoe với ông giáo:
- Hổng giấu gì chú giáo. Mấy bữa nay tụi nó chỉ toàn cho tui ăn cơm hộp, lạt nhách mà cũng không mùi lai gì hết. Ngán quá! Hồi sáng này tui đón thiếm giáo, gởi mua mấy lít gạo nàng Hương, vài bó củi đước với mấy thứ lủ khủ làm mâm cơm cúng ông bà. Tui rước ông bà hồi mười hai giờ lận! Chớ nhà cửa gì mà Tết nhứt tới nơi bếp núc lạnh tanh, ai chịu nổi. Chồng cơm khách, vợ cơm khách, mấy đứa nhỏ cơm tiệm thường xuyên. Tui hổng hiểu nổi! Kìa, chú thiếm giáo cứ việc dùng đi mà...
***
Bà Năm lục nồi, còn đâu hơn chén cơm nguội. Chan mấy muỗng nước thịt kho, bà lụm cụm đem chén cơm để gần chỗ con chó. Con Sạc-li hỉnh mũi đánh hơi, lại nằm vật xuống, nhắm nghiền mắt lại. Thây kệ mày! Thứ chó gì mà lớn con thấy sợ. Nghe vợ thằng Út khoe ai chỗ quen biết để lại cho vợ chồng nó gần tới cả cây vàng. Tụi này nó điên tiền hay kiếp trước nó mắc nợ con này chớ ai đương không lại rước về rồi cung phụng như ông bà ông vãi vậy không biết! Chó nào cũng chó. Bầy chó nhà bà dưới quê cho ăn bữa đực, bữa cái. Quên cho ăn thì xuống bếp ăn vụng nồi cám heo vậy mà đi săn chuột cũng rượt đuổi ào ào. Giữ nhà đố thằng ăn trộm nào dám bén mảng. Bây cũng chó mà toàn cơm trắng thịt bò chiên thơm phức, cao lương mỹ vị sướng cha đời! Con vật nó không tội tình gì. Bà Năm cũng hay đi chùa đi miễu đó chớ. Chẳng qua bà giận cá chém thớt vậy thôi. Bà nhớ cái vụ con Mén, ghét cái thói đỏng đảnh của vợ thằng Út nên con Sạc-li lãnh đủ. Mấy tháng trước thằng Út nó nhắn bà một hai gì cũng kiếm cho nó đứa ở giữ nhà. Trên này thiếu chi người nhưng không tìm ra người tâm phúc lắm- Thằng Út nói vậy. Bà chạy qua nói muốn gãy lưỡi với chú Hai Lương, ba con Mén ổng mới chịu cho con nhỏ lên ở trên này. Vậy mà lúc con chó quỷ này sẩy thai, vợ chồng thằng Út đổ thừa tại con Mén mua nhầm thứ thịt bò chiều, người ta ướp hàn the giữ màu nên mới ra nông nỗi. Vợ thằng Út lấy lại hết quần áo nó sắm cho con nhỏ, đuổi con người ta ra khỏi nhà, quỵt hai, ba tháng lương không thèm trả. Con Mén về dưới khóc với ba nó quá trời, làm hại bà lại phải chạy qua xin lỗi chú Hai Lương thiếu điều thụt lưỡi rồi bán con heo gần trăm ký trả cho người ta mới êm chuyện đó...
Con Sạc-li trở mình, thè lưỡi hất đổ chén cơm. Nó nhìn bà, ánh mắt như trách móc, đầy ác cảm. Kệ bà mày, thử ai đói cho biết! Mấy ký thịt bò chủ mày để nguyên cho mày còn trong tủ lạnh kìa! Gặp tao chứ không phải ai đâu mà đừng hòng làm nư! Tụi cháu nội, cháu ngoại tao dưới quê một miếng khô bò còn phải chia một đứa một sớ thịt bằng que tăm, ăn cứ chắc lưỡi hít hà. Mày là thá gì... Coi cái gan mày cỡ nào cho biết! Bà Năm bỏ miếng trầu vô miệng nhai tóp tép, nguýt con chó một cái rồi bỏ đi ra ngoài nhà trước. Ngồi coi hết tuồng cải lương, bà Năm trở vô, thấy chỗ cơm hồi nãy đã sạch bóng. Có vậy chớ! Cơm còn không có mà ăn, ở đó mà làm tàng hoài.
Trưa mùng 4 Tết, tự nhiên vợ con thằng Út kéo về. Từ ngoài cổng, vợ thằng Út giọng quang quác:
- Bên này điện qua nhắc ổng về ký mấy cái hợp đồng. Tui cũng nóng ruột về coi mấy cái lô đất trong khu dân cư có ai tới hỏi han gì không. Bà mẹ nó, bỏ vô đó hàng tỉ đồng rồi kẹt cứng đó. Đóng lãi ngân hàng thấy mụ nội luôn.
- Ủa, rồi thằng chồng bây đâu?
- Cầu nửa đêm mới có về tới nhà. Mỗi lỗ mỗi tỉa chớ có dám bỏ sót “sếp” nào đâu. Sạc-li ơi, Sạc-li à!...
Không thấy con chó chạy ra mừng. Vợ thằng Út như có linh tính gì đó, chạy bổ vô nhà. Con Sạc-li vẫn nằm ở chỗ nó vẫn nằm, gần chân cầu thang, nằm không động đậy, bên cạnh chén cơm nguội còn nguyên.
- Sao vậy nè? Bệnh hả con? Sao vậy má?
Thấy vợ thằng Út hốt hốt hoảng hoảng, rồi mấy đứa con nó cũng xúm xít lại tíu tít hỏi han... con chó, tự nhiên bà Năm đâm ra bối rối, tủi thân.
Chút xíu, từ trong nhà bếp , tiếng vợ thằng Út bỗng tru tréo lên:
- Trời đất quỷ thần ơi! Cà ràng ông táo ở đâu mang về đây? Thôi, chết cha mấy bộ nồi i-nốc của tui hết rồi. Chờ cha tui về rồi biết nè... biết nè!
Tiếp theo là tiếng đập phá quát tháo. Bà Năm điếng hồn một lúc rồi chống chế:
- Thì đồ sắm về để xài chứ hổng lẽ để thờ. Bây vừa vừa thôi nghen! Mà thằng chồng bây về thì nó ăn thịt ăn cá gì tao. Biết lên đây để giữ nhà, giữ chó cho bây thì đừng hòng.
Bà Năm vô phòng cuốn gói cái rẹt:
- Tao về, về liền! Tới chết đừng mong tao bước chân tới cái nhà này. Bây sang trọng lắm mà...
Không ai can ngăn gì bà, càng tốt. Bà nhất định về cho kịp chuyến tàu chót mà không cần chờ gặp mặt thằng con trai.
Bỗng con Sạc-li ngoạm lấy cái ống quần chủ nó kéo lôi ra đứng án ngữ ngay chỗ ngạch cửa. Nó nghểnh mặt nhìn bà Năm bằng cặp mắt sòng sọc, vênh váo như thách thức, đe dọa, như sẵn sàng làm một cuộc trả thù. Nó nhe mấy cái răng nhọn hoắc ra như cách hành xử của một tay kiếm khách kiêu ngạo dí mũi gươm vào cổ kẻ thù nhưng chưa kịp hạ độc thủ vì biết rằng dẫu có chạy đằng trời thì... Đồ chó! Bà Năm rủa thầm, nguýt ngang rồi quày quả xách cái túi căng phồng định bước thẳng. Nhanh như cắt, con Sạc-li hùng hổ nhảy xổ tới giằng lấy cái túi kéo giật lại làm cho mấy gói giấy báo đổ thốc đổ tháo ra giữa nhà. Bà Năm còn chưa kịp hoàn hồn thì trời ơi, con khốn kiếp ấy nó còn chưa chịu buông tha cho cái túi xách của bà. Dưới đáy túi còn cái gói... cái gói. Thôi rồi, cả một đống khô bò bị nó lôi ra tung tóe trước mắt mọi người. Món quà cho mấy đứa nhỏ đã được tự tay bà thái, bà ướp, bà phơi... từ mấy ký thịt bò tươi ướp lạnh, khẩu phần ăn hàng bữa cho con Sạc-li. Bà Năm xấu hổ thiếu điều muốn chui xuống đất nẻ. Lợi dụng lúc vợ thằng Út còn chưa hiểu ất giáp gì, còn đang lính quýnh bấm máy gọi điện cho ông bác sĩ thú y nào đó tới thăm bệnh cho... con chó, bà Năm vơ vội gói quần áo, lách người ra khỏi nhà, đi như bị ma đuổi.
Con Sạc-li hình như vẫn còn chưa hả dạ. Tiếng nó sủa đuổi theo bà Năm đi một đoạn khá xa. Tiếng con chó đáng ghét đó càng làm bà vừa giận, vừa thẹn. Rồi đây thế nào lão bác sĩ thú y cũng sẽ bảo con chó chủ bị kiệt sức do thiếu dinh dưỡng, thiếu ăn vì bà đã lấy cắp khẩu phần ăn của nó. Rốt cuộc rồi thì bà cũng hiểu ra một điều không phải chó nào cũng chó. Chó nhà giàu có khác chớ! Con Sạc-li còn biết ẩn nhẫn chờ thời, chỉ liếm láp chút đỉnh những hạt cơm hẩm để chờ cơ hội đòi lại cái gì là của nó, đòi lại sự công bằng. Trước nay bà tưởng trên đời này chỉ có thứ công bằng kiểu nhà quê như bà, biết đâu còn có nhiều thứ công bằng khác, có những kiểu công bằng rất... chó.
- Bà ơi, lên xe tui đưa bà xuống bến tàu, bà!
- Ủa, chú giáo! Vậy mà tui cứ tưởng...
Bà Năm còn đang lúng túng thì ông giáo đã nhanh tay đỡ lấy gói đồ của bà cho luôn vào cái túi ny-lông trong đó hình như đã có sẵn thứ gì...
- Vợ tôi gởi cho mấy đứa cháu dưới quê ăn lấy thảo. Tui nghe đầy lỗ tai hết rồi, bà à! Chú Út bên đó thiệt tình...
Bà Năm bỗng tức tưởi:
- Nghĩ tui cũng tội lỗi quá chú giáo ơi! Tưởng nó cũng như chó của quê mình...
Ông giáo an ủi:
- Chó nhà giàu nó ranh lắm, bà ơi! Mà bên Tây họ mới có hội bảo vệ chó, mới sợ phải tội chứ như xứ mình, người ta thịt chó cứ vô tư, tội vạ gì, bà!
Câu nói của ông giáo làm bà Năm nghe nhẹ nhõm cả người . Bà lầm bầm một câu như để chữa thẹn:
- Phải lắm chớ! Chó Tây kệ nó, nó ở với ta thì cứ xử như chó ta thôi. Mà cũng tại vợ chồng thằng con tui nó học đòi đèo bồng. Úy, lẹ lẹ giùm chú giáo ơi, tàu nó mở dây rồi kìa! Tui về dưới ăn Tết mót, có gói quà của chú thiếm cho tụi cháu tui chắc mừng... hết lớn!